Bóc gỡ đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ
Thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước, lực lượng chức năng CA các tỉnh, thành phố đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, làm văn bằng giả. Riêng tại Đà Nẵng, CAQ Liên Chiểu vừa làm sáng tỏ một đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả với số lượng khá lớn...
Dụ "rắn" ra khỏi hang
Cuối tháng 8-2012, trong quá trình tác nghiệp, trinh sát (TS) Đội An Ninh CAQ Liên Chiểu (Đà Nẵng) nắm được thông tin do một số SV, thanh niên trong lúc ngồi cà-phê rỉ tai nhau về việc mua bán các văn bằng, chứng chỉ Tin học & Anh văn với giá rẻ. Bám theo thông tin này, các TS An ninh CAQ Liên Chiểu được biết, cứ tầm vào chiều tối, có một thanh niên trạc 23, 24 tuổi, người thanh mảnh, khá điển trai thường tìm đến các quán cà-phê có chiếu bóng đá để làm quen, rủ rê, gạ gẫm một số SV, thanh niên tại đây mua văn bằng, chứng chỉ với giá “siêu rẻ”.
Theo phản ánh của quần chúng thì đối tượng này ở đường Nguyễn Huy Tưởng (P.Hòa Minh). Cách thức đối tượng này gạ mua bán văn bằng rất dễ khiến người ta xiêu lòng, đó là: chỉ cần photocopy giấy CMND (không cần công chứng) và 2 tấm ảnh 3x4 kèm theo số tiền dưới 300.000 đồng là có thể có một văn bằng, chứng chỉ Tin học, Anh Văn trong vài ngày...
Sau khi nghe Đội An ninh CAQ Liên Chiểu báo cáo tình hình này, lãnh đạo CAQ Liên Chiểu chỉ đạo Đội lập kế hoạch cũng như triển khai các phương án để đưa vụ việc ra ánh sáng... Kế hoạch hành động đã được triển khai ngay sau đó. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập thông tin, chứng cứ, TS Đội An ninh đã gặp không ít khó khăn do đối tượng rất ma mãnh, di chuyển liên tục. Đặc biệt, không hiểu vì lý do gì mà vào tầm giữa tháng 9 trở đi, đối tượng này không lui tới những tụ điểm cà-phê này nữa... Không nản lòng, TS Đội An ninh vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện các phương án đã đưa ra trước đó, đồng thời mở rộng địa bàn thu thập chứng cứ, nắm thông tin...
Từ trái qua: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Xuân Sỹ, Phạm Trọng Trường, Nguyễn Văn Việt
Giữa lúc công tác xác minh đang triển khai khẩn trương và dần dần hé lộ khả năng có nhiều người cùng liên đới trong vụ việc này, thì 8 giờ 15 ngày 13-10, Đội An ninh nhận được tin báo từ quần chúng cho biết, tại cơ sở photocopy số 502- Tôn Đức Thắng do Phạm Ngọc Thạch (1990)- quê TT Hai Riêng, H. Sông Hinh (Phú Yên), tạm trú tổ 36 Hòa Khánh Nam- làm chủ đang diễn ra hành vi in ấn các văn bằng, chứng chỉ giả. Ngay lập tức, TS Đội An ninh ập vào tiệm photocopy này đồng thời điện CAP Hòa Khánh Nam đến để cùng phối hợp. Quá bất ngờ, chủ tiệm không kịp trở tay.
Tại đây, ngoài chủ tiệm, các TS còn phát hiện 1 đối tượng khác là Nguyễn Văn Việt (1985), quê ở xóm 7 Kỳ Thượng, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tạm trú tại P. Hòa Khánh Nam- người được xác định là thuê Thạch in các văn bằng giả nói trên. Theo đó, Đội An ninh và CAP Hòa Khánh Nam đã lập biên bản bắt quả tang, tạm thu giữ tại đây 36 chứng chỉ tin học và ngoại ngữ Anh văn trình độ B gồm: 18 chứng chỉ tiếng Anh (trong đó có 16 chứng chỉ có con dấu và nơi cấp là Trường CĐ Phương Đông (Quảng Nam), 2 chứng chỉ có con dấu và nơi cấp là Sở GD-ĐT TPĐN), 18 chứng chỉ tin học gồm 17 chứng chỉ do trường CĐ Phương Đông cấp, 1 của Sở GD-ĐT TPĐN cấp, cùng 1 USB do Việt mang đến và một dàn máy in màu của Thạch.
Văn bằng chứng chỉ giả do lực lượng chức năng CAQ Liên Chiểu thu giữ
Tại cơ quan chức năng, Thạch đã khai nhận làm việc này cho Việt gần 2 tháng nay. Còn Việt thì thú nhận, anh ta cũng chỉ là người nhận làm lại theo yêu cầu của một đối tượng khác tên Phạm Trọng Trường (1989), quê xã Triệu Giang, H. Triệu Phong (Quảng Trị). Cũng vừa lúc này, Việt nhận được điện thoại của Trường gọi đến hỏi việc làm văn bằng xong chưa, đồng thời hẹn anh ta đến quán cà-phê nằm trên đường Âu Cơ để giao nhận hàng. Ngay lập tức, kế hoạch tiếp cận Trường được triển khai. 11 giờ 20 cùng ngày, khi đối tượng xuất hiện và đang giao dịch cùng Việt thì lực lượng TS Đội An ninh ập tới bắt quả tang, đưa về trụ sở. Khi các TS đang đấu tranh với Trường thì điện thoại của anh ta reo lên. Từ bên kia đường dây, người thanh niên tên là Nguyễn Xuân Sỹ (1989) quê Hương Trà (TT-Huế, tạm trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ) hỏi anh ta có thể giao “hàng” ngay bây giờ được không? Theo đó, Sỹ đã hẹn Trường đến lô 169-Nguyễn Huy Tưởng để giao dịch. Một mặt cử TS đi cùng với Trường đến điểm hẹn, Đội An ninh còn bí mật cử một tổ TS khác bám đuôi theo sau. Tuy nhiên, khi đến nơi thì không thấy Sỹ đâu. Trên đường quay ra thì phát hiện đối tượng Sỹ đang chạy xe máy đến...
Khám trong người Sỹ, cơ quan chức năng thu giữ thêm một số chứng chỉ khác... Sau khi hoàn tất hồ sơ ban đầu, Đội An ninh CAQ Liên Chiểu đã chuyển giao cho Đội CSĐTTPVTTXH CAQ Liên Chiểu thụ lý theo chức năng.
Hé lộ một đường dây...
Tiếp tục công tác điều tra, xác minh, Đội CSĐTTPVTTXH CAQ Liên Chiểu được biết, Nguyễn Văn Việt trước đây từng học và lấy văn bằng chứng chỉ tin học, Anh văn tại Trường CĐ Phương Đông (Quảng Nam). Ngoài ra, Việt vốn là GV thể dục hợp đồng với cơ sở GD này (nhưng đã chấm dứt hợp đồng vào cuối năm 2011). Qua quen biết, Việt được Phạm Trọng Trường vốn là một nhân viên làm tại một công ty tư nhân trên đường Điện Biên Phủ nhờ làm văn bằng chứng chỉ, nếu được thì sẽ trả cho Việt với giá 80.000 đồng/cái (giá sỉ nếu làm từ 10 cái trở lên), 120.000 đồng/chứng chỉ nếu làm lẻ. Sau khi “nghiên cứu”, Việt nhận lời. Theo đó, Việt đã tìm đến Thạch để thuê in các văn bằng chứng chỉ với giá 3.500 đồng/chứng chỉ. Phương thức, thủ đoạn của Việt là dùng máy để scan lại văn bằng, chứng chỉ thật rồi xóa tên, năm sinh, quê quán..., chỉ giữ lại con dấu, chữ ký, sau đó copy vào USB rồi đưa vào vi tính, điền tên các đối tượng có nhu cầu và copy lại qua USB đưa đến tiệm photocopy của Thạch nhờ in ra...
Song song với việc in ấn này, Việt còn thuê Thạch ép plastic 2 mặt (mặt bìa do Thạch nhờ một đối tượng khác chưa rõ lai lịch in ấn ở một địa điểm khác đem đến cho Thạch) với giá ép plastic là 4.000 đồng/cái; tổng vị chi là 7.500 đồng/chứng chỉ. Qua công tác đấu tranh với Sỹ, các ĐTV được biết, Sỹ nhận làm cho những người có nhu cầu mua văn bằng chứng chỉ với giá 260.000 đồng/cái, sau đó giao lại cho Trường với giá 180.000 đồng/chứng chỉ, hưởng lợi mỗi chứng chỉ 80.000 đồng. Riêng con tem thì Việt lấy từ con tem trên các bìa SGK dán vào. Qua làm việc với Trường CĐ Phương Đông (Quảng Nam) cũng như Sở GD-ĐT TPĐN, cơ quan chức năng CAQ Liên Chiểu xác định, các cơ sở này không hề cấp văn bằng, chứng chỉ cho những đối tượng có tên trong những văn bằng, chứng chỉ do Việt-Thạch in ấn, làm ra...
Kiểm tra USB của Việt, ngoài số chứng chỉ (gần 100) được cơ quan chức năng CAQ Liên Chiểu bắt quả tang và tạm thu giữ của 4 đối tượng này, trong USB của Việt còn lưu giữ danh sách của rất nhiều người khác nữa. Hầu hết đều ở độ tuổi SV vừa mới tốt nghiệp ra trường, một số ít lớn tuổi (thập niên 70 thế kỷ trước). Đối tượng mua văn bằng giả hầu hết quê ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, một số ít quê ở Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và TPĐN. Chứng chỉ do Việt giao lại cho Trường rồi cho Sỹ có thời gian cấp từ năm 2011 và 2012.
Mới đây, cơ quan CSĐT CAQ Liên Chiểu đã ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với các đối tượng nói trên để tiếp tục đấu tranh, mở rộng án.