DANH MỤC
“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 2

Trong năm 2020 đầy biến động do dịch Covid-19, anh Trần Thịnh (TP HCM) chia sẻ chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Anh cho biết trong năm 2020 từng bỏ 200 triệu đầu tư vào các cổ phiếu mà mình nắm được những điểm mạnh của doanh nghiệp nên chỉ sau 1 năm đầu tư số lãi anh thu được cũng lên tới 70 triệu đồng.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 3

Anh Đặng Duy Trung, NVVP (Hoàng Mai, Hà Nội) – NĐT F0 lần đầu tìm hiểu và tham gia thị trường cho biết anh tham gia đầu tư từ thời điểm tháng 3. Thời điểm đó thị trường xuống đáy nên sang tháng 5 anh Trung đã có kha khá lợi nhuận.

“Vào giờ nghỉ trưa hay khi rảnh rỗi tôi thường thấy anh em cùng công ty rỉ rả chia sẻ về thành quả có được chỉ sau mấy ngày “lướt sóng” nên tôi cũng rón rén tham gia.

Ngoài công việc chuyên môn, tôi thường xuyên dành thời gian cafe thậm chí tranh thủ trà đá để “đàm đạo” với anh em về TTCK” – anh Trung nói.

Mở tài khoản giao dịch, hàng ngày theo dõi giao dịch trực tuyến, anh Trung nghe ngóng từ đồng nghiệp và tham khảo các kênh về chứng khoán, đặt lệnh mua - bán mã này, mã kia.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 4

“Tôi thực sự bị lôi cuốn và ham từ lúc nào không biết. Tôi nhớ, lúc đó khoản vốn của tôi bỏ ra đầu tư chưa đầy 100 triệu đồng.

Cũng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi thường lướt sóng chứng khoán kiểu "cò con", "ăn non", đầu tư thận trọng, cứ có lãi ít cũng bán luôn.

Thời điểm cận Tết, khi thị trường lên cao quá, tôi quyết định bán và tạm đứng ngoài chờ sau tết, thời điểm đúng nhịp sẽ tiếp tục xuống tiền. Sau khi gộp cả tiền lãi và gốc, tôi thu về hơn 300 triệu đồng. Tuy chưa được “đổi đời” như mấy anh em trong hội nhưng tôi thấy mình may mắn” – anh Trung vui vẻ nói thêm.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 5

Tháng 8/2020, khi đi đâu cũng nghe mọi người bàn tán về kênh đầu tư cổ phiếu và nhiều người trúng lớn, chị Thanh Hương (Đống Đa – Hà Nội) sốt ruột khi tiền đang gửi ngân hàng với lãi suất quá thấp.

Từ những tư vấn của đồng nghiệp, chị quyết tâm rút toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 200 triệu để mua cổ phiếu. Thậm chí trong công ty của chị, nhiều người hùn nhau mỗi người từ 50 - 100 triệu đồng và cử 1 người mở tài khoản để mua chứng khoán.

Chị Hương cho biết kết thúc năm 2020, nhóm bạn đầu tư của mình đều thu lãi từ 15 đến 30%/số vốn đầu tư.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 6

Ấn tượng với số lãi thu được chỉ sau một thời gian ngắn từ thị trường chứng khoán, sang đầu năm 2021 chị đã bàn với chồng bỏ số vốn 300 triệu để mua cổ phiếu với hy vọng sẽ tiếp tục kiếm được khoản lợi nhuận đáng kể, cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

Tuy nhiên, cú điều chỉnh mạnh của thị trường trong nửa cuối tháng 1/2021 đã khiến chị cùng nhiều người bạn của mình bị mắc kẹt với khoản đầu tư khi mua vào cổ phiếu ở thời điểm giá cao. Cùng với đó, việc sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều đã khiến chị bị call margin vào ngày 19/1 khi thị trường giảm 60,94 điểm dù không có bất kỳ tin xấu bất ngờ nào xuất hiện.

Chưa hết choáng váng với khoản bán tháo, cắt lỗ này, chị Hương cùng những người bạn của mình tiếp tục đón cú sốc thứ hai vào ngày 28/1 khi VN-Index giảm số điểm kỷ lục 73,23 điểm (6,67%). Với hai cú sốc liên tiếp, không chỉ phần lợi nhuận kiếm được từ năm 2020 mà ngay cả 15% số vốn đầu tư của chị cũng đã bốc hơi theo đà giảm của thị trường.

"Tôi nhớ, có những phiên thị trường lao dốc, trong nhóm đầu tư của tôi mọi người đều đứng ngồi không yên. Trong đó, có một anh là tay chơi chuyên nghiệp đã từng thốt lên: Uống xong cốc nước nhìn sang đã thấy tài khoản “bay” mất con SH” – chị Hương chia sẻ.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 7

Giống như chị Hương, anh Nguyễn Công Luận (Ninh Bình) cũng phải đón nhận cú sốc lớn ở ngay lần đầu tiên tham gia vào sân chơi nóng.

Nhà đầu tư trẻ này cho biết cuối năm 2020 kiếm được khoản lãi 150 triệu đồng từ lướt sóng đất nền và đã mang toàn bộ số tiền này đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Trước khi quyết định xuống tiền mua cổ phiếu, anh đã tìm hiểu thông tin thông qua các hội nhóm, diễn đàn về đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, do tham gia thị trường ở thời điểm thị trường đang hơn 1.168 điểm nên cú đảo chiều chứng khoán ngày 28/1 đã khiến anh mắc kẹt.

Anh Luận cho biết, trong suốt hơn 1 tháng qua dù đã nỗ lực trung bình giá, thậm chí cắt lỗ những cổ phiếu tăng trưởng chậm nhưng tài khoản của anh vẫn đang âm tới 12% so với số vốn đã bỏ ra đầu tư.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 8

Theo số liệu Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cả năm 2020 có tới 393.659 tài khoản của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 392.527 tài khoản (99,7%). Đây cũng là số lượng tài khoản lớn nhất được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở chỉ trong một năm, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Phân tích về TTCK trong thời gian qua, ông Phạm Tuấn Việt – Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng hiện tượng rung lắc xảy ra trên thị trường là điều không thể tránh khỏi. Song, với số tài khoản mở mới vẫn liên tục tăng trưởng, “tôi tin thị trường sẽ tốt lên từ nửa cuối tháng 3 đến hết tháng 4/2021 do mùa BCTC quý 1/2021 vẫn còn rất nhiều điều tích cực đáng chờ đợi từ các nhóm ngành quan trọng” – ông Việt cho hay.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 9

Dự báo về TTCK năm 2021, ông Việt nhìn nhận: “Năm 2020, Việt Nam vượt qua đại dịch Covid và kinh tế phục hồi một cách ngoạn mục, chính là tiền đề quan trọng để đưa đất nước thực hiện thành công những kế hoạch phát triển kinh tế. Năm 2020 cũng đánh dấu bước ngoặt lịch sử của TTCK Việt Nam. Từ đó sẽ tạo đà tăng trưởng cho TTCK trong giai đoạn từ 2021 đến 2025.

Tuy nhiên, chu kỳ của chứng khoán luôn có độ lệch về thời gian so với chu kỳ kinh tế. Có thể nói giai đoạn bùng nổ mạnh nhất đã rơi vào năm 2020. Năm 2021 – khi nền kinh tế phục hồi sẽ có một dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán để quay trở lại với sản xuất kinh doanh vốn bị đình trệ do dịch bệnh trong suốt thời gian qua. Song, nếu nhìn theo góc độ tích cực thì khi dòng tiền này quay trở lại sản xuất kinh doanh, và khi các doanh nghiệp làm ăn tốt lên sẽ là tiền đề tốt cho sự tăng trưởng vững của thị trường”.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 10

Ở góc nhìn khác, ông Lê Văn Lâm chuyên gia tư vấn của công ty Chứng khoán VNDIRECT, đánh giá việc một số ngân hàng gần đây tăng lãi suất tiết kiệm có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán khi dòng tiền rút đi.

Tuy nhiên, theo ông vấn đề đáng lo ngại hơn là lạm phát sắp tới có khả năng tăng mạnh nếu không được kiểm soát tốt. Đây chính là mối lo ngại lớn nhất của các chuyên gia và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 11

Theo chuyên gia Tài chính - Ngân hàng T.S Nguyễn Trí Hiếu, chứng khoán vẫn đang là một kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người do độ nóng của thị trường. Khi lãi suất ngân hàng xuống thấp, dẫn đến người dân đi vay nhiều để đầu tư cũng góp phần đẩy thị trường lên cao trào. Bên cạnh đó là khi không tìm thấy các kênh có tỷ lệ sinh lời cao thì các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào chứng khoán cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo nếu nền kinh tế Việt Nam không sớm hồi phục sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 mà thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm và vượt qua mốc 1.300 điểm trong năm nay thì có nguy cơ xảy ra bong bóng trên thị trường này.

“Bối cảnh kinh tế hiện tại cũng đang tiềm ẩn nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Trong khi tăng trưởng của thị trường lại chủ yếu dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Điều này cho thấy nguy cơ bong bóng thị trường có thể xảy ra”, ông nhận định.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 12
“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 13

Thị trường chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư được quan tâm tại Việt Nam. Dòng tiền ùn ùn đổ vào các sàn giao dịch khiến thanh khoản liên tục lập các kỷ lục mới. Thế nhưng, rắc rối xảy ra bởi cứ mỗi khi giá trị giao dịch trên sàn TP.HCM (Hose) đạt 15.000 tỷ đồng, tình trạng “tắc nghẽn” lại xảy ra.

Tình trạng “tắc nghẽn” này bắt đầu từ cuối năm 2020. Tới năm 2021, sàn Hose không ngày nào được thông suốt khiến những lời ca thán của nhà đầu tư xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. “Tắc nghẽn” gây ra rất nhiều hệ luỵ và nhà đầu tư là những người gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết: “Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá số lượng lệnh thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng nghẽn lệnh. Đây là thực trạng bất khả kháng”.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 14

Tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045” giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành đầu tháng 3/2021, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Đề xuất này ngay lập tức đã được Bộ Tài chính hoan nghênh và triển khai ngay việc phối hợp với FPT nhằm tìm giải pháp hiệu quả nhất.

“Hốt bạc” với sân chơi nóng: Món hời bạc tỷ có còn lặp lại? - 15

Dù ở điều kiện, hoàn cảnh nào, theo các chuyên gia để đảm bảo an toàn, trước hết NĐT cần tự xây dựng cho mình kiến thức và tuân thủ những quy tắc đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán, tránh xa tin tức về game, "đội lái" hay những thứ mơ hồ ảnh hưởng đến tư duy đầu tư,…

“Tôi nghĩ trong chứng khoán hay bất kể ngành nghề nào cũng vậy, muốn có thành quả cần sự nỗ lực tích lũy kiến thức, tìm hiểu nghiêm túc về doanh nghiệp, kết hợp cân nhắc đưa ra quyết đinh đầu tư với mức chấp nhận rủi ro một cách hợp lý. Cơ hội sẽ luôn rộng cửa với tất cả mọi người” – ông Phạm Tuấn Việt nói thêm.

 

Bài viết: Hồng Hương, Trung Kiên

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Thứ Bảy, ngày 20/03/2021 17:59 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])