YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ

Yves Saint Laurent xây dựng đế chế thời trang YSL trong một cuộc đời dài kì lạ đầy rẫy bi thương, sự phản bội, nghị lực và cả sự may mắn!

Chính con người chứ không phải thần thánh đã trở nên bất tử nhờ di sản quý giá của mình để lại cho nhân loại, đối với thời trang đó là phong cách, mẫu mốt, sự nhìn nhận xu hướng.... luôn trường tồn cùng thời gian. Các tượng đài sống mãi như thế có thể là những nhà thiết kế, người mẫu, diễn viên… Để có cái nhìn cận cảnh, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Những biểu tượng huyền thoại của thời trang thế giới qua chuyên đề dài kỳ tuần này!

Nếu Coco Chanel đem lại tự do cho phụ nữ, thì Yves Saint Laurent mang cho họ quyền lực. Nếu Coco Chanel và Dior được ví như người khổng lồ thì Yves Saint Laurent đích thị là thiên tài số 1 trong giới thời trang. Để tóm gọn lại, Yves Saint Laurent là vị vua đã giúp vực dậy đế chế thời trang xa xỉ Haute Couture và đặt nền móng xây dựng thế giới bán lẻ Ready To Wear!

 YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 1

Thành công sớm của một thiên tài từ trong trứng nước

Yves Saint Laurent tức Yves Henri Donat Mathieu Saint Laurent sinh năm 1936 tại Oran, Algeria. Thửa hường gu thẩm mỹ tuyệt vời của người mẹ, cậu trai gầy mảnh khảnh có phần yếu đuối đã kịp trải qua những năm tháng ấu thơ với ngập tràn các bản vẽ phác thảo tập tành thiết kế. Bỏ mặc những lời trêu chọc, hắt hủi vì sở thích kì quặc của mình, Yves Saint Laurent – vốn là một tay mơ chưa học qua trường lớp bài bản, nhờ vào tư chất hiếm có nghiễm nhiên chiến thắng trong cuộc thi thời trang tại Paris và giành được vị trí trợ lý cho nhà thiết kế huyền thoại Christian Dior. Từ đây đã bắt đầu câu chuyện đẫm nước mắt của chàng trai trẻ có ánh mắt màu lam, mái tóc xoăn bồng bềnh, sở hữu trái tim đa cảm.

Chỉ 2 năm sau khi Yves Saint Laurent làm cận thần đắc lực cho nhà Dior, bằng giác quan thứ 6 duy tâm, ngài Christian đã tới gặp mẹ của Saint Laurent ngỏ ý muốn con bà trở thành truyền nhân đồng nghĩa với việc sẽ kế vị ngôi vương của nhà Dior. Điều bất ngờ là trong cùng năm đó, không chệch khỏi suy đoán, Christian Dior đã ra đi trong một cơn đột quỵ trụy tim, Yves Saint Laurent chính thức đăng cơ ngai vàng quyền lực của giới thời trang xa xỉ.

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 2

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 3

Yves Saint Laurent thời thanh niên

Lúc này, giới mộ điệu bảo thủ thành Paris vẫn không chút tin tưởng mấy vào chàng trai trẻ có tướng mọt sách hơn là một người có khả năng cứu rỗi Haute Couture khỏi bờ vực tuyệt diệt. Họ đem tới trụ sở nhà Dior những vòng hoa viếng, khóc thương cho sự ra đi của vị vua quá cố và cả xót xa thay bởi tương lai sắp tới. Đáp trả sự hoài nghi này, Yves Saint Laurent chứng minh khả năng sáng tạo nhạy bén tiên phong của mình bằng 1000 phác thảo chỉ trong một đêm và ra mắt bộ sưu tập đầu tiên trình làng kiểu váy hình thang có tên gọi trapeze.

Buổi trình diễn đại thành công, tới mức khiến đám đông dân Paris đứng phắt dậy vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt, báo chí ca tụng Saint Laurent như đấng cứu thế của Haute Couture, tiếng tăm của ông vang khắp hang cùng ngõ hẻm, doanh số bán hàng của Dior nhảy vọt thêm 35%, và lúc đó vị tân vương chỉ mỉm cười khiêm tốn và khe khẽ vẫy tay với giới mộ điệu đang hô vang tên ông dưới ban công nhà Dior trên đại lộ Montaigne.

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 4

Thiết kế của ông cho nhà Dior

Âm mưu cướp ngôi đê hèn và vị vua không gục ngã

Sau chiến tích lẫy lừng, những lời tán tụng dần thưa, người ta vẫn cần những cái mới. Vị tân vương trẻ tuổi của đế chế Dior cho ra mắt bộ sưu tập thứ 2 với những thứ biến tấu không hợp nhãn giới sành thời trang khó tính. Và cho tới bộ sưu tập thứ 3, ông công khai những mẫu phục trang mà dường như nó đang đi ngược lại với sự hào nhoáng truyền thống của Dior, đó là các chiếc váy ngắn đi cùng áo cổ lọ khoác áo da bên ngoài. Trong thời kỳ lúc bấy giờ, giới truyền thông đã xoay chiều chê bai rằng đây là một cú đạp vào phong cách New Look đã làm nên tên tuổi của Dior.

Marcel Boussac vốn là ông chủ truyền thông và là đại gia nắm quyền sở hữu House Of Dior. Đây là người gây ảnh hưởng với giới cầm quyền Pháp để tránh cho Yves Saint Laurent không phải tham gia quân đội từ năm 1958 tới năm 1959. Tuy nhiên, sau 2 bộ sưu tập bị công chúng quay lưng, nhà tài phiệt này ngấm ngầm hất Saint Laurent ra khỏi ngôi vị bằng cách dùng quyền lực ép ông phải gia nhập quân đội đóng quân tại quê cũ Algierie và bình thản thay thế bằng một nhà thiết kế ít liều lĩnh hơn, Marc Bohan.

Yves Saint Laurent với thể chất ốm yếu chỉ trụ lại nơi quân ngũ khoảng 20 ngày. Thêm vào đó, do mắc chứng trầm cảm, nhà thiết kế phải vào viện quân y để chữa trị. Rồi tới khi hay tin mình “mất ngôi” bởi chính tay trợ lý cũ thì ông suy sụp hoàn toàn và trong tinh thần hoảng loạn, Yves Saint Laurent bị tống vào viện tâm thần. Tại đây, vị cựu vương tưởng chừng như đã chấm dứt cuộc đời với hàng loạt trị liệu an thần hạng nặng và trải qua phương pháp sốc điện kinh hoàng.

Năm 1961, sau khi rời viện tâm thần, Yves đề nghị đòi phục vị tuy nhiên nhà Dior đã thẳng thừng chối gạt yêu cầu thống thiết này. Trước thái độ phụ bạc của đế chế cũ, Yves đâm đơn kiện và được bồi thường một khoản trị giá vào khoảng 140.000 đô.

Thất vọng và cay đắng, thuốc an thần và những đêm mất ngủ một lần nữa gần như đã hạ gục thiên tài làng thiết kế. Tuy nhiên khác với vẻ mảnh khảnh bề ngoài, Yves mạnh mẽ hơn thế. Ông chính thức cùng người bạn hữu hảo Pierre Berge dưới sự trợ giúp của nhà tư bản Mỹ J.Mack Robinson đã kiến tạo nên một vương quốc mới – mà sau này trở thành cái gốc của thời trang Ready to wear, đó chính là hãng thời trang Yves Saint Laurent hay còn gọi tắt là YSL.

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 5

Trong một ngày tháng Giêng đẹp trời năm 1962, Yves viết nên kỷ nguyên mới bằng một bộ sưu tập đầu tiên như một cuộc phục hận cho Beat Look. Ông ngạo nghễ đem những phong cách ngông nghênh phá cách đã từng bị chối bỏ ở nhà Dior với sự cải tiến hoành tráng hơn, áo in safari cùng quần chẽn đóng bộ cùng những đôi bốt over knee tới tận đùi. Đám đông người hâm mộ trung thành của Yves trông chờ sự ra đời của YSL tới mức họ khóc òa dẫm đạp lên nhau chỉ để nhìn lại bóng dáng của nhà thiết kế gầy gò có mái tóc bồng bềnh. Cảnh tượng hỗn loạn tới mức Yves phải lánh tạm vào trong. Điều này như một điềm báo trước cho sự phồn thịnh và thực dụng hóa của Ready to wear, trái ngược hẳn với Haute couture nghệ thuật.

Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc đột phá mà được coi là dấu ấn chói lòa của Yves Saint Lauren cho tới mãi về sau, đó là khi ông đem tới cho phụ nữ một món quà quyền lực: Huyền thoại Le Smoking – Bộ tuxedo lưỡng tính dành cho nữ giới. Ngoài ra cũng không thể không nhắc tới tuyệt phẩm chiếc váy Mondrian theo trường phái những ô vuông lập thể đa màu bắt mắt được Yves Saint Laurent gây bão cho công chúng vào năm 1966. Ngoài ra một loạt những trang phục mang tính chất cải cách phong cách ăn mặc cho nữ giới như những chiếc váy trong suốt xuyên thấu, áo jacket… cũng mang lại cái nhìn cảm kích của phụ nữ đối với nhà thiết kế tài ba.

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 6

Bộ Tuxedo Le Smoking cho phụ nữ

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 7

Những chiếc váy theo trường phái hội họa lập thể Mondrian

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 8

Thiên thần nước Pháp Laetitia Casta trong trang phục Haute Couture của YSL

Bên cạnh thời trang xa xỉ Haute Couture, dòng hàng bán lẻ hàng loạt pret-a-porter của YSL tạo ra cuộc cách mạng tài chính cho giới thiết kế thời trang nói chung khi nó làm tăng vọt nguồn lợi thu được lên những con số đỉnh cao.

Năm 1983 – 1984, Yves Saint Laurent là nhà thiết kế duy nhất còn sống tổ chức một cuộc triển lãm nhìn lại sự nghiệp đầy gian truân nhưng vẻ vang của mình tại Metropolitan Museum of Art tại New York.

Năm 1985, cựu binh nhì Yves Saint Laurent với những ngày phục vụ quân ngũ ngắn ngủi ngày nào giờ đã được chính phủ Pháp hân hoan gắn huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh trên ngực áo.

Những năm tháng rệu rã của một tượng đài nghị lực

Năm 1971, ngài Yves đã gây sốc cho giới hâm mộ khi xuất hiện nude toàn phần trong chiến dịch quảng cáo cho dòng nước hoa Opium tức là thuốc phiện cùng câu slogan gây bão “Opium, dành cho những con nghiện của Yves Saint Laurent”. Và thực sự, quá khứ trị liệu an thần liều cao trong thời kỳ bị ruồng rẫy vẫn là bóng ma đeo đuổi Yves tới tận những năm tháng thành công về sau. Áp lực vì phải liên tục cho ra mắt các bộ sưu tập pret-a-porter và dòng sản phẩm Haute Couture, thêm vào đó là sự kì vọng quá lớn của giới hâm mộ đã cuốn thiên thần tóc vàng sa ngã vào vòng tay của thứ chất cocain bạo liệt và rượu độc.

Ngày 1/1 u ám năm 2008, Yves đã vĩnh viễn ra đi bởi căn bệnh ung thư não quái ác ngay tại nhà riêng. Thi thể của ông được hóa thành tro, rải khắp khu vườn Majorelle ở Maroc mà lúc sinh thời vẫn thường tới để tìm cảm giác thanh bình. Hàng loạt những nhân vật hàng đầu của Pháp như tổng thống Pháp Jaques Chirac, Công nương Farah Pahlavi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Jack Lang… trong trang phục đen đã tới tiễn đưa Yves Saint Laurent về nơi vĩnh hằng trong bầu không khí tang tóc thê thiết bao trùm khắp kinh đô Paris.

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 9

Di sản lớn để lại cho hậu thế

Chiến công lớn nhất của Yves Saint Laurent không chỉ giống như quý bà Chanel: Giải thoát cho phụ nữ khỏi trang phục chít eo chật cứng bằng chiếc váy trapeze hình thang táo bạo. Mà hơn hết thảy, Yves ngoài việc phóng thích họ, còn trao quyền cho họ ngang bằng với nam giới thể hiện qua bộ tuxedo nữ Le Smoking. Bộ trang phục lưỡng tính này mang ý nghĩa lịch sử đậm nét, là biểu tượng của trang phục nữ giới trong suốt thập niên 60 – 70 khi nó đã tạo nên trào lưu phụ nữ đòi quyền bình đẳng diện những thứ thoải mái, mạnh bạo như nam giới. Khiêm nhường, Yves lý giải mục đích của mình: ”Tôi không tạo mới và không đi đâu xa xôi. Tôi chỉ tin rằng phụ nữ muốn mặc quần”. Có vẻ như Yves Saint Laurent muốn nhấn mạnh tới việc thời trang cũng phải đi theo tiến trình lịch sử. Theo lộ trình bình đẳng giới, sẽ có một thời điểm phụ nữ tò mò thử những trang phục của chồng, anh, cha của họ, yêu thích chúng và họ có quyền mặc chúng. Đối với cá nhân Yves, ông cho rằng mình chỉ đi trước những nhà thiết kế khác mà thôi.

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 10

Bộ sưu tập pret-a-porter của YSL

Lòng khuyến khích “nổi loạn” của bậc thầy thời trang đối với phụ nữ đã khiến họ có sự thay đổi lớn trong nhận thức và cả hành vi. Trước đó, tại Pháp, phụ nữ mặc quần có thể bị mời ra khỏi những nơi sang trọng, trang nghiêm. Một trong những tín đồ của Le Smoking, Nan Kempner không được cho phép vào dùng bữa tại nhà hàng Paris vì đang mặc đồ bộ Le Smoking. Nan Kemper đã phản kháng lại theo một cách mãnh liệt, bà ung dung cởi chiếc quần và thản nhiên bước vào nhà hàng để lại đám đông đang tròn mắt vì kinh ngạc.

Yves Saint Laurent cũng ưu ái phụ nữ tới mức trước nhiều sự phản đối, ông đưa những người mẫu da màu lên sàn diễn. Đây là nhà thiết kế duy nhất ở thời điểm đó dám làm điều này.

Yves Saint Laurent trở thành tượng đài kiên cố trong làng tạo mẫu nhờ vô số những cuộc cách mạng đỉnh cao không sợ định kiến của người đương thời. Yves tài hoa là minh chứng cho một chân lý: Thời trang luôn luôn chuyển động, tiến hóa và phá vỡ mọi quy luật do nó tạo ra trước đó. Đối với Yves mà nói, ông vẫn chỉ khiêm nhường dắt tay người phụ nữ cao ngạo mặc bộ tuxedo Le Smoking lặng lẽ bước vào những trang sử thời trang dưới bóng cây trong khu vườn Majorelle tĩnh mịch. 

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 11

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 12

Siêu mẫu Claudia Schiffer (váy trắng) và phu nhân tổng thông Pháp Carla Bruni (phải) trong một show trình diễn

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 13

Ông kiến lập nên sự bình đẳng chủng tộc trong giới người mẫu

YSL: Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ - 14

Giới hâm mộ làm thiệp mừng sinh nhật gửi tặng Yves Saint Laurent

Kỳ 3: A.McQueen – Chàng gay náo loạn thế giới vào 8h ngày thứ 7 (11/5)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN