Rùng mình trước góc tối u ám của làng người mẫu

Đằng sau sàn diễn catwalk là một thế giới không trải đầy hoa hồng.

Nhịn đói, lạm dụng lao động trẻ em, tấn công tình dục và quá tải thời gian làm việc…. là một vài trong số những cái u nhức nhối nằm ẩn dưới lớp da bên ngoài hào nhoáng, bóng bẩy của nghề người mẫu.

Rùng mình trước góc tối u ám của làng người mẫu - 1

Các nhà mốt thường chỉ thích người mẫu trẻ

Nếu chỉ nhìn vào những tuần lễ thời trang Paris, Milan, nơi tập trung các hãng thời trang danh tiếng nhất thì bạn vẫn chưa tưởng tượng được hết sự u buồn và “bạc” của nghề người mẫu. Chẳng hạn nếu so sánh với việc được trình diễn cho Valentino hay Versace là đẳng cấp cao của nghề thì những công việc làm mẫu cho các hãng thời trang bình dân hay làm người mẫu chụp hình báo… là tầm trung. Mà đại đa số các chân dài đang nằm ở tầm trung này.

Theo một số liệu được công bố thì mức lương trung bình của người mẫu catwalk tại New York là khoảng 26 ngàn đô (khoảng 520 triệu đồng) mỗi năm, thấp hơn đáng kể so với nhiều ngành nghề khác, trong khi đó lại tiềm ẩn nhiều mối nguy tới sức khỏe và đời sống.

Vào năm 2012, cựu người mẫu Sarah Ziff đã sáng lập ra Model Alliance. Model Allliance là nơi đấu tranh vì một môi trường bình đẳng cho các người mẫu. Tổ chức này được hậu thuẫn bởi các tên tuổi nổi tiếng trong giới như Milla Jojovich hay Coco Rocha.

Rùng mình trước góc tối u ám của làng người mẫu - 2

Cơ thể mỏng, dẹt sẽ khiến chân dài được "sủng ái" hơn trong làng mốt

Bản thân Sarah Ziff thừa nhận rằng tổ chức này gặp nhiều khó khăn trong việc đòi lại quyền lợi cho người mẫu vì người mẫu thường rất trẻ tuổi, lại sống rải rác ở nhiều nước, thường tới khi có tuần lễ thời trang mới tụ lại.

Thêm vào đó, các công ty người mẫu thường giấu kín nhiều thông tin như doanh thu hay điều kiện sống của người mẫu trong bóng tối. Vì vậy, Ziff hy vọng trong tương lai, những người mẫu trẻ sẽ cung cấp thông tin và lên tiếng để chống lại khách hàng hoặc các công ty chủ quản nếu xảy ra tình trạng bóc lột hoặc lạm dụng tình dục.

Yomi Abiola – người đứng đầu tổ chức “Đứng lên vì Thời trang” đồng thời cũng là một người mẫu, cho biết: “Trở thành người mẫu tức là bạn phải có khuôn mặt đẹp và không có chính kiến”. Yomi chia sẻ sở dĩ có không nhiều scandal trong giới bị khui ra trước ánh sáng bởi khi một người mẫu chịu đứng lên thì cũng đồng nghĩa với việc họ mất đi hầu hết các cơ hội nghề nghiệp.

Theo thống kê, 57% người mẫu tại New York ở độ tuổi trung bình 13 – 16 tuổi. Và những người mẫu thiếu niên này chẳng được bảo vệ bởi bất cứ một điều luật nào.

Vào năm 2012, CFDA đã gửi yêu cầu tới các nhà mốt ngừng sử dụng trẻ vị thành niên cho các show diễn thời trang sau khi Marc Jacobs sử dụng hai người mẫu chỉ mới 14, 15 tuổi trình diễn trên sàn catwalk.

Rùng mình trước góc tối u ám của làng người mẫu - 3

Người mẫu nhỏ tuổi trên sàn diễn của Marc Jacobs

Chuyện sử dụng người mẫu nhỏ tuổi còn có vai trò của cha mẹ các em, đúng theo như lời bao biện của Mar Jacobs: “Nếu cha mẹ tụi nhỏ đồng ý cho chúng bước lên sàn diễn thì tôi chả thấy có lý do gì để nói rằng không thể để điều đó xảy ra”.

Bên cạnh việc lạm dụng lao động trẻ em thì nạn lạm dụng tình dục cũng là điều nhức nhối trong làng mẫu. Bạn chỉ nghe vài vụ việc về chuyện quấy rối tình dục đằng sau sàn catwalk? Thật ra nó chỉ chiếm 1%, còn 99% còn lại đều là tảng băng chìm.

Theo khảo sát kín, có 30% người mẫu từng bị cố ý động chạm vào chỗ hiểm hoặc bị sờ soạng cơ thể khi làm việc. Có tới 28% thừa nhận mình bị ép phải quan hệ tình dục để đổi lấy công việc tốt trong làng người mẫu. Sự thỏa hiệp âm thầm của người mẫu khiến cho vấn nạn này ngày một trở nên khó kiểm soát.

Mối liên quan giữa tuổi tác của người mẫu với nạn lạm dụng tình dục trong làng mốt cũng rất chặt chẽ. Người mẫu càng trẻ họ lại càng khó kháng cự lại những cám dỗ và sự cưỡng ép tới từ những nhân vật quyền thế trong giới.

Điều đáng buồn là rất ít người trong số 28% số người mẫu thừa nhận từng phải quan hệ tình dục để đổi lấy cơ hội nghề nghiệp, chỉ khoảng 25 người mẫu cho biết họ đã báo cáo cơ quan chức năng về việc mình bị cưỡng bức, quấy rối. Một số chân dài phải rất khó khăn mới tiết lộ mình từng bị người quản lý gạ gẫm nên đổi tình với nhiếp ảnh gia, người làm việc trong các hãng thời trang… để tiến xa hơn trong công việc.

Mặc dù làm việc trong môi trường khắc nghiệt và có tính cạnh tranh cao song thù lao mà phần lớn người mẫu nhận được chẳng được bao nhiêu. Có trường hợp các nhà mốt lớn còn nợ tiền thù lao trả cho người mẫu. Trong trường hợp này, không ít người mẫu chọn hình thức “ngậm bồ hòn làm ngọt” để cố giữ mối quan hệ cộng tác về sau.

Trung bình, tham gia 4 – 5 show trong một tuần thời trang đem lại khoảng 1 – 2 ngàn đô (khoảng vài chục triệu). Nhiều chân dài đã rời khỏi tuần lễ thời trang chỉ với vài đô la trong túi, thậm chí chìm đắm trong nợ nần sau khi chi trả các chi phí ăn, ở, đi lại.

Người mẫu nam còn kiếm được ít tiền hơn nhiều so với mẫu nữ. Thù lao thấp lại ít show, nhiều mẫu nam không dám coi nghề người mẫu là nghề chính hoặc chỉ xem là nghề tay trái. Tệ hơn là không ít chàng trai đã sa chân vào con đường mại dâm nam núp sau bóng người mẫu để có tiền chi trả cho cuộc sống.

 

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Người mẫu: Nghề không chỉ có hoa hồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN