Thận trọng khi XK nông sản sang TQ

Theo các DN XK nông sản, từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ phá hợp đồng, ép giá hoặc chậm thanh toán, chiếm dụng vốn của đối tác NK đến từ Trung Quốc. Thực trạng này đòi hỏi các DN Việt Nam cần liên kết chặt chẽ và nhanh chóng đa dạng hóa thị trường cũng như hạn chế phương thức XK đường tiểu ngạch.

“Bẻ” kèo và ép giá

Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã thông tin trường hợp Công ty Phoenix Commodities PVT. LTD ký hợp đồng mua 20.000 tấn gạo với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) nhưng không thực hiện hợp đồng. VFA đã yêu cầu các DN hội viên tạm ngưng đăng ký các hợp đồng gạo ký với Phoenix cho đến khi giải quyết xong hợp đồng của Vinafood 2.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Intimex TP.HCM cho biết đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Hè Thu, nhiều đối tác đã lợi dụng thời điểm nguồn cung dồi dào để “ép” giá gạo Việt Nam xuống, trong đó nhiều nhất là các DN đến từ Trung Quốc. Nhiều trường hợp, hợp đồng đã kí nhưng khi hàng đang trên tàu thì đối tác Trung Quốc lại ra điều kiện phải hạ giá nếu không sẽ không nhận hàng.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Trung Quốc còn thông qua các thủ thuật là điều khoản không rõ ràng trong hợp đồng NK hoặc mở tín dụng thư (L/C) để làm hợp đồng. Có trường hợp ngân hàng không thanh toán vì cho rằng bộ chứng từ Việt Nam gửi qua quá chậm, L/C hết hạn. Nhưng lý do chậm là do Trung Quốc không cung cấp vận đơn đúng hạn nên không hoàn thiện được bộ chứng từ để gửi ngân hàng thanh toán.

Thận trọng khi XK nông sản sang TQ - 1

Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường TQ sẽ dẫn đến rủi ro hiện hữu (Ảnh minh họa).

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là nước xếp thứ 2 trên thế giới về năng suất cao su thiên nhiên, chỉ sau Ấn Độ. Thị trường XK chủ yếu của cao su Việt Nam là Trung Quốc nhưng thời gian gần đây, lượng tiêu thụ mặt hàng cao su tại thị trường này đột ngột giảm mạnh khiến nhiều DN rơi vào thế bị động, giá XK bình quân đã giảm khoảng 30,5% so với cùng kỳ năm trước, hiện chỉ đạt bình quân 2.700 - 3.000 USD/tấn.

Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này dẫn đến rủi ro hiện hữu, chỉ cần Trung Quốc ngưng mua là ngay lập tức cao su Việt Nam rơi vào cảnh lao đao. Thêm nữa, khi giá cao su tăng cao nông dân thường phá bỏ các loại cây trồng khác có thu nhập thấp để trồng cây cao su, dẫn đến thực trạng cung vượt cầu, đẩy giá xuống và hiện tượng “được mùa mất giá” hoàn toàn có thể xảy ra.

Thay đổi phương thức XK

Ông Đỗ Hà Nam cho biết, trong bối cảnh bị đối tác Trung Quốc ép giá, ông phải bàn bạc, liên kết với một DN XK gạo lớn khác, nơi cũng được đối tác chào mua, kiên quyết giữ giá ban đầu và đã thành công.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, mặc dù, vài năm gần đây các DN XK cao su đã có nhiều cố gắng chuyển sang XK chính ngạch, nhưng số lượng tăng chưa đáng kể do chính sách áp thuế chính ngạch mà DN NK Trung Quốc phải chịu lên tới 25% (trong khi nhập tiểu ngạch là 0%) và phương thức mua bán mậu biên vẫn khá đơn giản, nhanh gọn nên được người mua, người bán lựa chọn. Tuy nhiên, trước thực trạng bị ép giá và chịu nhiều rủi ro trong thanh toán như hiện nay, thời gian tới các DN cao su cần đẩy mạnh XK chính ngạch, nâng cao hàm lượng chế biến trong sản phẩm, hạn chế tình trạng xuất nguyên liệu thô như hiện nay.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, hiện Bộ này đang phối hợp cùng Bộ NN & PTNT lập đề án “Đẩy mạnh XK hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc”. Mục tiêu là gắn kết hộ sản xuất với thương lái, nhà môi giới, DN XK biên mậu với nhau. Hoạt động thu mua nông sản giữa hai bên phải thực hiện việc bao tiêu và hợp đồng, nhằm tránh rủi ro và đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Đề án cũng hỗ trợ thương lái và DN trong nước giảm xuất hàng thô, tăng cường xuất hàng nông sản đã qua chế biến nhằm tăng giá trị. Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài, đề án cũng hướng tới hỗ trợ các DN xây dựng và phát triển các điểm bán buôn, bán lẻ hàng hoá Việt Nam, tham gia hệ thống phân phối tại 2 tỉnh: Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Duy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN