Nguy cơ bỏ biển vì mực rớt giá thê thảm

Hàng loạt tàu câu mực ở TP.Đà Nẵng có nguy cơ bỏ biển vì mực rớt giá thê thảm nhất từ trước đến nay, từ 150.000 đồng/kg giá thu mua mực của năm ngoái chỉ còn 50.000 đồng/kg năm nay.

Ông Trần Văn Mười - chủ tàu câu mực (Đna - 90567) thuộc loại lớn nhất Đà Nẵng, cho biết, giá mực đầu năm nay có rớt nhưng cũng còn được 120.000 đồng/kg, cố gắng vẫn ra khơi được. Nhưng không hiểu sao, khoảng tháng nay, giá mực đột ngột hạ thấp, chỉ còn 50.000-60.000 đồng/kg - rớt chưa từng thấy. “Giá này ra biển, đánh được bao nhiêu cũng lỗ” - lời ông Mười.

Anh Hồ Văn Trường - chủ tàu câu mực Đna - 90051, than: Mới đầu năm nay, tôi vay nửa tỷ đồng để mua sắm thúng, lắp mới giàn đèn… chuyển từ nghề lưới cản sang nghề câu mực. Cách đây 10 ngày, tàu cập bờ với hơn 7 tấn mực, nhưng giá mực chỉ có 50.000 đồng/kg. Bán hết chưa đủ tiền trả công cho lao động đi tàu. Tôi không biết lấy gì trả lãi vay đây.

Nguy cơ bỏ biển vì mực rớt giá thê thảm - 1

Khoảng tháng nay, giá mực đột ngột hạ thấp, chỉ còn 50.000-60.000 đồng/kg.

Ngư dân Trương Văn Hay - Tổ trưởng Tổ Khai thác hải sản số 3 nghề câu mực xa bờ (phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê, Đà Nẵng), cho biết: Cả Quảng Nam và Đà Nẵng chỉ có một đầu mối thu mua mực xà (một loại mực đen). Sản phẩm này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Cuối năm ngoái tới đầu năm nay, giá mực xà được thương lái mua trên 150.000 đồng/kg. Anh em đi biển kiếm được đồng ra đồng vào.

Nhiều ngư dân vay mượn tiền mua sắm ngư cụ, đóng mới tàu công suất lớn để chuyển sang nghề này. Đùng một cái, mực tụt giá thảm hại. Tình cảnh này, chỉ còn nước bán tàu trả nợ. Đà Nẵng có gần 200 tàu làm nghề mực xà. Thời gian lại đây đã có hơn 30 tàu nằm bờ hoặc chuyển sang nghề khác vì giá mực xà quá thấp. Đặc biệt có một - hai chủ tàu đang kêu bán tàu. “Đây là một điều đáng buồn. Vì nghề mực xà có năng suất cao, là nghề truyền thống của ngư dân Đà Nẵng. Hơn nữa ở ngư trường Hoàng Sa, loại mực này rất nhiều” - nhiều ngư dân lâu năm cho hay.

Hiện nay, mực của ngư dân Đà Nẵng cũng như ngư dân các tỉnh lân cận chủ yếu bán thô cho các thương lái Trung Quốc. Từ đó, họ tẩy trắng và tẩm gia vị rồi xuất khẩu sang thị trường các nước, trong đó có Việt Nam, với giá cao. “Nếu chúng ta chế biến được như Trung Quốc thì sẽ giải quyết tốt được đầu ra cho ngư dân hành nghề câu mực, doanh nghiệp cũng có lợi mà ngư dân cũng không bị ép giá liên miên như thời gian qua” - ngư dân Trần Văn Mười nêu ý kiến.

Trung tá Vũ Tín - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248 (Đà Nẵng) cho biết: “Nếu ngư dân nghề câu mực bỏ nghề thì biển đảo quê hương sẽ vắng đi rất nhiều “con mắt” bảo vệ ngư trường cũng như chủ quyền lãnh hải. Bởi nghề câu mực chủ yếu khai thác ở vùng khơi xa như Hoàng Sa, Trường Sa…”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Thiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN