Mạo danh Hội Bảo vệ người tiêu dùng lừa dân, quấy rối doanh nghiệp

Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) hôm nay (10.9) cho biết, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân mạo danh đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương hoặc các Hiệp hội, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để gọi điện, gửi email để lừa đảo... gây khó khăn cho một số tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Gần đây nhất là vụ việc một công ty trong lĩnh vực điện thoại di động phản ánh rằng họ đã nhận được email từ hộp thư bvntd.vca.gov.vn@gmail.com, tự xưng là người của Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh để đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, nhằm đạt mục đích cá nhân, lừa tiền doanh nghiệp.

 

Để hỗ trợ, bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương thông báo địa chỉ email bvntd.vca.gov.vn@gmail.com không phải là địa chỉ email của Cục Quản lý cạnh tranh. Địa chỉ email chính thức của Cục Quản lý cạnh tranh là qlct@moit.gov.vn; email sử dụng cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh là bvntd@moit.gov.vn.

Mạo danh Hội Bảo vệ người tiêu dùng lừa dân, quấy rối doanh nghiệp - 1

Ảnh minh họa

Để tránh bị những tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu lợi dụng, Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng thận trọng trước những thông tin mạo danh nêu trên.

Trước đó, Cục quản lý cạnh tranh cũng nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc bị xâm phạm quyền lợi trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng. Trong đó, đáng chú ý là hành vi nhân viên thu hồi nợ có dấu hiệu đe dọa, quấy nhiễu người tiêu dùng và người thân  trong quá trình thu hồi nợ. 

Ông Cao Xuân Quảng-Trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết: “Tất cả các vụ việc hiện đang được Cục Quản lý cạnh tranh xem xét, giải quyết. Người tiêu dùng và cả người thân thường xuyên, liên tục bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ. Những cuộc điện thoại và tin nhắn này liên tục kèm theo nội dung đe dọa, dùng lời lẽ thiếu tôn trọng người nghe. Thậm chí, rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện lúc tối muộn và tần suất liên hệ trên dưới 10 cuộc/ngày”.

Không những thế, theo ông Quảng trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng, do thiếu kinh nghiệm nên người vay thường không tìm hiểu kỹ các điều khoản của hợp đồng. Trong khi đó, nhân viên của các bên cho vay có thể không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; cách thức tính lãi phạt; thời hạn phải trả tiền hằng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt. Trong nhiều trường hợp, khi người tiêu dùng thắc mắc về mức tiền phạt thì không nhận được sự hợp tác từ phía công ty cho vay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN