Giá bia tăng, doanh nghiệp nội sẽ chết!

Bộ Công Thương đề nghị nếu tăng thuế TTĐB mặt hàng bia, cần có lộ trình 3-5 năm, sau đó cần giữ ổn định ít nhất năm năm.

Tại buổi công bố nghiên cứu vai trò của ngành bia trong phát triển kinh tế-xã hội do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30-9, nhiều đại biểu cho rằng nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thì nguy cơ giá bia trong nước sẽ tăng, hoạt động buôn lậu ngày càng nhiều và doanh nghiệp (DN) bia nội sẽ chết.

Mâu thuẫn mục tiêu tăng thuế TTĐB

Theo TS Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay mặt hàng bia đang phải chịu rất nhiều loại thuế như thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu 45%, thuế TTĐB 50%. Việc tăng thuế này sẽ làm giá bia tăng lên và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Mặt khác, nếu so sánh mức thuế TTĐB với một số nước khác sẽ thấy mức thuế mà Việt Nam áp dụng cao hơn nhiều so với Đức, Campuchia, Trung Quốc…

Ông Giám dẫn chứng thêm, tăng thuế TTĐB và GTGT sẽ không tối ưu hóa được nguồn thu ngân sách từ bia. Tăng thuế sẽ dẫn đến giá bia cao hơn và người mua ít hơn nên doanh thu các lĩnh vực đi kèm như nhà hàng, khách sạn… sẽ giảm, dẫn đến chuyện mất việc làm. Từ đó nguồn thu thuế ít hơn, đóng góp an sinh xã hội cũng ít hơn và việc hỗ trợ thất nghiệp sẽ gia tăng. Theo tính toán tại Việt Nam, so sánh giữa thời điểm quý I-2014 và cùng kỳ năm 2013 thì tổng số lao động liên quan đến ngành bia giảm 5%, tổng thu ngân sách giảm 6% khi tăng thuế TTĐB từ tháng 1-2013.

Giá bia tăng, doanh nghiệp nội sẽ chết! - 1

Sự khác biệt của thuế tiêu thụ đặc biệt lên mỗi lít bia. (Nguồn của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương)). Đồ họa: KD

Bên cạnh đó, ông Giám cho biết khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do trong những năm tới, nhất là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều dòng thuế sẽ được bãi bỏ cho các loại bia nhập khẩu. Lúc đó bia nhập từ các nước sẽ rẻ hơn trên thị trường bia Việt Nam, sẽ có sự gia tăng của bia ngoại và sự giảm sút sản lượng bia nội. Nếu tăng thuế bia ngay, tất cả nhà máy bia ở địa phương có nguy cơ đóng cửa hết.

Lý giải cho việc tăng thuế TTĐB, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết nhiều ý kiến đánh giá thuế đối với bia đang thu ở mức cao nhưng mặt hàng này các nước đều thu thuế TTĐB. Dự kiến từ 1-7-2015 sẽ tăng thuế TTĐB từ 50% lên 55%; sau đó mỗi năm tăng thêm 5%; đến năm 2018 tăng lên 65%. “Mặc dù tăng thuế sẽ làm cho giá bia tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm; với kinh nghiệm người làm chính sách 20 năm, tôi khẳng định mức tăng này sẽ không quá lớn. Các đại biểu Quốc hội còn đề xuất tăng cao hơn nữa do mức tăng đưa ra chưa bù đủ mức tăng lạm phát” - ông Thi giải thích.

Theo ông Thi, hiện có ba cách thu thuế: Thu thuế tuyệt đối, thu thuế tương đối (giá bán ra x tỉ lệ lãi suất = mức thuế) và hỗn hợp giữa tương đối và tuyệt đối. Các nước phát triển thì khuyến khích Việt Nam áp thuế theo tuyệt đối vì tính minh bạch. Tuy nhiên, với đặc thù của Việt Nam, nếu áp dụng cách tính đó, DN không thể tồn tại.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu-Nước giải khát (VBA), nêu vấn đề việc tăng thuế TTĐB là đúng hay sai? Đặt ra mục tiêu vừa tăng thu ngân sách vừa giảm tiêu thụ là mục tiêu sai lầm và đối ngẫu. “Giảm tiêu thụ thì sản xuất giảm, làm sao tăng thu ngân sách. Tức là theo đuổi mục tiêu này thì phải triệt tiêu mục tiêu kia chứ không thể đồng thời hai mục tiêu được. Hay nói cách khác, nếu đánh thuế giảm tiêu dùng thì phải có chính sách đi kèm; còn đánh thuế để tăng thu ngân sách thì lại phải có chính sách khác. Hai chính sách này đi theo hai hướng khác nhau” - ông Việt phân tích.

Bia nội sẽ chết?

Chia sẻ thêm về điều này, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Tổng Công ty Bia, Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho rằng: “Tăng thuế TTĐB làm giá bia tăng, người tiêu dùng sẽ đi tìm thức uống nước khác có cồn thay cho bia như rượu tự nấu. Đó là điều vô cùng nguy hiểm vì không thể kiểm soát được chất lượng. Việc đánh thuế cao vào bia có hệ lụy cực lớn nên mục tiêu đảm bảo sức khỏe của người dân khó đạt được”.

Ông Tuất cũng nêu quan điểm: “Nếu tăng thuế TTĐB để tăng thu ngân sách thì càng dở vì tăng thuế thì sản xuất của DN chắc chắn sẽ đình đốn, sản lượng giảm. Doanh thu giảm thì đóng thuế sẽ giảm. Thu ngân sách với ngành bia, rượu không chỉ mỗi thuế TTĐB mà còn có thuế GTGT, thuế nhập khẩu, TNCN, thuế thu nhập DN… DN đình đốn thì làm sao thu được thuế, nguy cơ thất thu cao”.

Mặt khác, đại diện Sabeco cho rằng biên độ lợi nhuận giữa các DN khác nhau. Do đó, khi tăng thuế TTĐB thì DN trong nước sẽ “dính đòn” vì hầu hết sản xuất ở phân khúc bia trung bình. Còn các hãng bia ngoại vẫn chịu được do biên độ lợi nhuận của họ cao. “Nếu thuế tăng vút theo lộ trình thì ngành bia nội sẽ gặp khó. Một ngày nào đó sẽ chỉ còn bia ngoại, vô hình trung là triệt nội, tăng ngoại” - vị này ví von.

Từ đó đại diện Bộ Công Thương và VBA đều kiến nghị nếu tăng thuế TTĐB cần có lộ trình 3-5 năm, sau đó cần giữ ổn định ít nhất năm năm. Và nên có chính sách thuế TTĐB hợp lý nhằm hạn chế rượu tự nấu trong dân và các đồ uống có cồn khác.

Bác thông tin người Việt quán quân uống bia

Theo ông Dương Đình Giám, tốc độ tăng trưởng sản lượng bia những năm gần đây đang có xu hướng giảm, giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 10,63%/năm, 2011-2013 giảm xuống 6,64%/năm. Dự kiến đến năm 2015, sản lượng bia ước đạt 3,7-3,8 tỉ lít, thấp hơn so với mục tiêu 4 tỉ lít trong quy hoạch ngành bia của Bộ Công Thương. Về tiêu thụ, ông Giám dẫn báo cáo năm 2013 của Tập đoàn Kirin Brewery (một công ty bia hàng đầu thế giới của Nhật Bản), Trung Quốc là nước tiêu thụ bia lớn nhất thế giới (44 tỉ lít) liên tục trong 10 năm. Riêng Việt Nam chỉ xếp thứ 50 với mức tiêu thụ gần 30 lít/người/năm và không được xem là quốc gia uống nhiều bia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN