DN xuất khẩu "rùng mình" vì giá điện

Giá điện mới chỉ công bố tăng được một ngày mà đã có nhà cung cấp nguyên vật liệu gửi thông báo sẽ tăng giá cung cấp từ 5-10%, DN xuất nhập khẩu vải sợi lo lắng cho biết.

Là DN chuyên kinh doanh, xuất nhập khẩu vải sợi cung ứng cho DN may mặc, đại diện Công ty TNHH Hiền Gia cho biết, chưa có tính toán cụ thể nhưng tác động của việc tăng giá điện lần này đối với giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ tăng vọt theo giá điện. Việc thông báo tăng giá vào thời điểm "hiểm" đã gây "sốc" cho DN.

Ông Phạm Gia Hiền – Giám đốc công ty chia sẻ, chi phí sản xuất sẽ đội lên không ít do hầu hết nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá. Giá điện mới chỉ công bố tăng được một ngày mà đã có nhà cung cấp nguyên vật liệu gửi thông báo sẽ tăng giá cung cấp từ 5-10%. "Nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng thì dù có muốn DN cũng khó lòng kìm giá thành sản phẩm đầu ra, dù biết nếu tăng giá sức tiêu thụ sẽ giảm"- ông Hiền nói.

Vị Giám đốc Công ty Hiền Gia cũng thừa nhận tiêu thụ sản phẩm thời gian qua rất khó khăn, nay giá điện tăng thêm sẽ càng đẩy DN vào thế bí. "Với những đơn hàng cũ chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán, nhưng các đơn hàng ký tới đây giá chắc chắn là phải tăng rồi dù không hề muốn. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp không thể nào ngóc đầu lên được nói gì đến tích lũy để phát triển sản xuất, thị trường cho tương lai"- ông Hiền nói.

Cùng chung nỗi lo Giám đốc một công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại TP. Hồ Chí Minh băn khoăn, hệ lụy lớn nhất là DN không dám tiếp nhận thêm nhiều đơn hàng vào dịp cuối năm, dù thường nửa cuối năm mới là "mùa vụ" làm ăn của các DN sản xuất thủ công mỹ nghệ. Theo ông, ngoài chuyện cú sốc tăng giá điện lần này động trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của DN, ảnh hưởng gián tiếp phải kể tới là niềm tin của DN với chính sách đang suy giảm. "Đơn hàng không dám nhận nhiều, chi phí đầu vào tăng, không biết từ giờ tới cuối năm DN gắng gượng được bao lâu"- ông lo lắng.

Rõ ràng, động thái tăng giá điện thêm 5% từ 1/8 của ngành điện sẽ bồi thêm đòn đau cho các DN sản xuất kinh doanh, dịch vụ. DN sẽ phải "gồng mình" giữ giá và duy trì sự tồn tại trong bối cảnh khó khăn bủa vây.

DN xuất khẩu "rùng mình" vì giá điện - 1

Điện tăng giá sẽ kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng giá "ăn theo"

Chủ một xưởng sản xuất nhỏ chuyên thức ăn chăn nuôi trên địa bàn quận Long Biên cho hay mỗi tháng chi phí tiền điện phải trả cho "nhà đèn" trên dưới 200 triệu đồng. Giá điện tăng thêm 5%, ước tính mỗi tháng số tiền điện "đội" thêm lên khoảng 10 triệu đồng. "Số tiền tăng thêm này bằng đúng lương trả cho 2 nhân viên. Hoàn cảnh với các DN bây giờ hầu hết là đang cầm cự sản xuất, thì việc phát sinh bất cứ chi phí tăng nào cũng khiến DN thêm chật vật"- ông chủ tên Long chán nản.

Thông tin tăng giá điện như đổ "thêm dầu vào lửa" trước những khó khăn chồng chất các DN "ngốn" nhiều năng lượng nhất hiện nay là thép, xi măng. Theo ông Lại Quang Trung – Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Thép Việt Úc, giá điện tăng đúng lúc này chẳng khác nào "bồi" thêm khó khăn cho DN. Về giá thành, lãnh đạo Thép Việt Úc cho hay chắc chắn điện tăng gíá sẽ khiến chi phí sản xuất và giá thành phẩm tăng lên, nhưng hiện tại DN cũng chưa thể tăng giá ngay do còn phải tính toán và cân đối chi phí. "Ai cũng biết giá điện trước sau gì cũng tăng giá nhưng đáng lý tăng phải theo lộ trình thì sẽ thuyết phục hơn" – ông nói.

Tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, giá điện hiện chiếm 11-12% chi phí sản xuất, điện tăng giá 5% sẽ tác động lên giá thành phẩm bình quân khoảng 50.000 đồng/tấn. Ngoài chuyện không thể tăng giá bán vì sức tiêu thụ hàng thấp, nay số tiền điện "đội" lên từ tăng giá cũng không hề nhỏ, không biết sẽ lấy nguồn từ đâu để bù đắp.

“Tất nhiên phải tính đủ chi phí thì ngành điện mới có vốn đầu tư, nhưng việc tăng giá điện phải có lộ trình cụ thể để doanh nghiệp có sự chuẩn bị, chứ không phải cứ nói tăng là tăng ngay được. Điện tăng không chỉ là ngành thép mà còn rất nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế sẽ cảm thấy sốc nếu không có lộ trình”, ông Cường nói.

Thời gian qua chỉ tính riêng ở Hải Phòng đã có 4 DN luyện thép công suất 1 triệu tấn phải đóng cửa, 3 DN cán thép công suất 60.000 tấn cũng đã ngừng hoạt động, chưa kể một số khác đang hoạt động cầm chừng. Giá điện tăng thêm, theo ông DN sẽ càng "chết" nhanh hơn, nền kinh tế sẽ càng suy giảm chứ không thể tăng trưởng.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, điều gây bức xúc nhất có lẽ là do EVN độc quyền nên khi EVN quyết tăng giá thì người dân, doanh nghiệp cũng phải "ngậm ngùi" chấp nhận, và dù qua mỗi lần tăng giá dư luận xã hội đều lên tiếng không mấy hài lòng, đồng tình nhưng đều bị "nhà đèn" làm ngơ.

"Dù được sự cho phép của Chính phủ tăng giá điện 3 tháng/lần nếu các thông số đầu vào tăng, nhưng EVN phải có lộ trình tăng cụ thể, rõ ràng trong câu chuyện chi phí giá, giảm tổn thất điện năng thế nào ... để tránh gây cú sốc hay bức xúc của dư luận qua mỗi lần công bố tăng giá điện"- TS. Ngô Trí Long lên tiếng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Lam (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN