DN xăng dầu than lỗ 300-1000 đồng/lít
Giá xăng dầu thế giới liên tục giảm trong , song giá bán lẻ xăng dầu trong nước chưa có tín hiệu lạc quan khi các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đang kêu lỗ trên 300 đồng/lít xăng, gần 1.000 đồng/lít dầu hỏa.
Mặc giá thế giới giảm, DN xăng dầu vẫn "than" lỗ
Chiều 13/8, trao đổi với PV Infonet, ông Đặng Vinh Sang - Tổng giám đốc Saigon Petro thừa nhận, dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm nhưng DN vẫn đang phải chịu lỗ.
"Giá thế giới giảm nhưng hiện giá cơ sở cao hơn so với giá bán lẻ thì DN chắc chắn lỗ làm sao mà lãi được" – ông nói.
Bảng so sánh giá cơ sở với giá bán lẻ xăng RON 92 trong nước từ ngày 15/7 đến 12/8
Nguồn: VINPA
Dữ liệu giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore - thị trường nhập khẩu chính của DN xăng dầu trong nước cho thấy, ngày 1/8 giá xăng dầu thành phẩm ở mức 115 USD/thùng, tới ngày 12/8 giảm còn 112, 88 USD/thùng. So với thời điểm giá thế giới lên cao kỷ lục ngày 15/7 thì mức giá này đã "bốc hơi" 12,62%, nhưng giá trong nước vẫn "bất động".
Trước đó, liên Bộ Tài chính – Công thương đã đồng ý cho các DN bán lẻ xăng dầu tăng giá bán lẻ liên tiếp 3 lần vào 14/6; 28/6 và 17/7 nhưng các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn báo lỗ từ 684 - 848 đồng/lít. Tới ngày 12/8 mức lỗ của các DN đầu mối là 326 đồng/lít xăng RON 92, 694 đồng/lít với mặt hàng dầu diesel 0,05S là 694 đồng/lít và dầu hỏa lỗ 990 đồng/lít.
Thời điểm ngày 5/8, trả lời câu hỏi của báo giới về việc giá xăng dầu trong nước "dậm chân tại chỗ" trong khi giá thế giới đã giảm sâu, lãnh đạo Bộ Công thương thừa nhận,từ cuối tháng 7 giá xăng dầu thế giới đã giảm nhiệt mạnh so với trước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, việc tăng hay giảm giá bán lẻ đều phải căn cứ theo Nghị định 84, nghĩa là căn cứ vào giá thế giới bình quân 30 ngày và các yếu tố như thuế nhập khẩu, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu...
“Nếu sắp tới, giá bình quân thế giới tiếp tục giảm, các yếu tố khác theo Nghị định 84 yêu cầu phải giảm thì các DN đầu mối tất nhiên phải giảm giá” – ông Chiến nói.
Đã một tuần trôi qua sau phát ngôn của lãnh đạo Bộ Công thương diễn biến giá thế giới tiếp tục đà giảm, nhưng vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía cơ quan quản lý.
"Lổ hỏng" 30 ngày
Vì sao giá thế giới liên tục giảm trong khi giá trong nước lại vẫn "bình chân như vại"? Bất cập theo vị tổng giám đốc Saigon Petro, chính là ở cách tính giá cơ sở bình quân 30 ngày.
Quan sát đồ thị diễn biến giá xăng theo ngày, từ ngày 16/7 tới 12/8, thì rõ ràng giá bình quân 10 ngày lao dốc gần như thẳng đứng, từ mức giá 122,13 USD/thùng xuống 111,91 USD/thùng. Trong khi giá bình quân 30 ngày lại đi ngang, ở mức 117,47 USD/thùng vào ngày 16/7 và tới ngày 12/8 giảm về mức 117,28 USD/thùng.
Theo đó, giá cơ sở tính tới ngày 12/8 ở mức 24.570 đồng/lít xăng, cao hơn giá bán lẻ hiện hành 326 đồng/lít, tương ứng 1,25%. Đây chính là cơ sở để cơ quan quản lý luôn khẳng định, mặc dù giá thế giới giảm sâu nhưng giá bình quân 30 ngày vẫn cao, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ nên chưa thể điều chỉnh giảm.
Bảng diễn biến giá xăng bình quân 10 ngày và 30 ngày từ ngày 16/7 đến 12/8
Nguồn: VINPA
Thực tế, "điểm nghẽn" trong quy định điều hành giá xăng dầu của Nghị định 84 không phải tới thời điểm này mới hé lộ.
Còn nhớ tại cuộc họp tham vấn ý kiến sửa đổi Nghị định 84 do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức hồi tháng 5 đã có không ít ý kiến nảy lửa của chuyên gia, DN đề xuất sửa đổi cách tính giá cơ sở bình quân theo 30 ngày.
Theo các DN, việc căn cứ giá bình quân 30 ngày là quá dài và không phản ánh đúng diễn biến, xu hướng giá thế giới trong thực tế. Do đó, nên rút ngắn tần suất và cách tính giá cơ sở bình quân theo 10 ngày là hợp lý và phù hợp với diễn biến giá thế giới hơn.
Khẳng định với Infonet, tổng giám đốc một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu nhấn mạnh, đã theo thị trường thì thời gian tính giá nên ngắn đi, còn nếu để cách tính giá cơ sở bình quân 30 ngày như hiện nay không phản ánh đúng diễn biến giá thế giới trong thực tế. Vì thế, giá thế giới giảm từ lâu mà giá bình quân vẫn cao nên không thể giảm giá trong nước được.
"Kéo dài thời gian tính giá không có lợi. Cách tính giá bình quân 30 ngày quán tính lớn quá, khi giá thế giới giảm mà giá bình quân vẫn cao không thể giảm giá trong nước DN càng bị dân ghét, nhưng lúc giá thế giới lên cao, DN "chết" thì có ai thương mình đâu. Nếu tính giá bình quân 10 ngày, lúc đó giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ thì chắc chắn giá sẽ được điều chỉnh ngay.Phải giải quyết vấn đề từ gốc chứ không phải ngọn" – vị này buồn rầu.
Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) nhìn nhận, chỉ nên tính giá 10 ngày để giá xăng dầu trong nước sát với thế giới. Ông phân tích: các DN hiện nay đang mua bán theo phương thức 5-1-5. Khi thanh toán, DN lấy giá 5 ngày trước cộng với 5 ngày sau chia bình quân. Nên 10 ngày tính giá là phù hợp. "Tần suất điều chỉnh giá giữa 2 lần là 10 ngày là hợp lý, sát thị trường hơn" – ông Thỏa bình luận.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã cho rằng, ở thời điểm khi chưa có sự sửa đổi Nghị định 84, hoặc chưa có Nghị định mới thay thế Nghị định 84, người dân, DN và nhà nước vẫn phải chấp hành và tuân thủ quy định của Nghị định 84 trong việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, sau nhiều lần chỉnh sửa nhận thấy cần xây dựng một Nghị định mới thay thế hẳn Nghị định 84 và phải tới 30/9 dự thảo Nghị định mới này mới được trình Chính phủ xem xét trước khi ban hành.
Từ giờ cho tới lúc có một Nghị định mới thay thế toàn bộ Nghị định 84, chưa rõ có khắc phục những "lỗ hổng" khiến giá xăng dầu trong nước luôn bị "tiếng" là thiếu minh bạch có được sửa đổi hay không, thì người tiêu dùng sẽ vẫn phải sống trong nỗi lo "phập phồng" và "giật mình thon thót" mỗi giá xăng dầu trong nước bất thình lình tăng, giảm.