Bộ Tài chính lý giải về áp trần giá đối với DN sữa
Ngày 13-6, đoàn doanh nghiệp (DN) do ông Jean Jaquaes Bouflet - Phó Đại sứ Liên minh châu Âu tại Hà Nội có buổi đối thoại với Bộ Tài chính về áp trần giá sữa.
Buổi đối thoại gồm đại diện sứ quán Hoa Kỳ và bốn hãng sữa là Abbott, Friesland Campina Việt Nam, Mead Johnson, Nestlé.
Cục Quản lý giá đã giải đáp cơ sở tính giá tối đa với 25 sản phẩm sữa theo Quyết định 1079/QĐ-BTC (thực hiện bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi). Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết kết quả thanh tra năm DN sản xuất, kinh doanh sữa năm 2013 và hai tháng đầu năm 2014 cho thấy nhiều chi phí bất hợp lý như hoa hồng, khuyến mãi… có thể tiết kiệm được và có thể tiết giảm để giảm giá thành sản phẩm. Theo ông Tuấn, qua theo dõi giá sữa nguyên liệu thế giới và mức giảm giá sữa ở Việt Nam thì thấy rằng dù giá sữa thế giới nguyên liệu chính có tăng, giảm nhưng giá sữa tại Việt Nam không giảm trong những năm qua.
Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng có sự chuyển giá của một số sản phẩm sữa.
Vì vậy để minh oan cho các DN về vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị cung cấp những tờ khai hải quan và mức giá bán của các sản phẩm tại một số nước Thái Lan, Malaysia… Cơ quan quản lý sẽ có cơ sở giải đáp thông tin cho người tiêu dùng và báo chí.
Đại diện vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính nêu quan điểm của Chính phủ và Bộ là không can thiệp quá sâu vào việc định giá cũng như không hạn chế hiệu quả kinh doanh của DN. Song, một khi thị trường khiếm khuyết Nhà nước phải có sự can thiệp. Với mức lợi nhuận quá cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, người tiêu dùng khó tiếp cận với nguồn hàng là điều cần phải điều chỉnh.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính không mong duy trì việc áp giá trần. Khi nào yếu tố thị trường lành mạnh, yếu tố đầu vào tăng hợp lý, minh bạch đáp ứng yêu cầu quản lý giá thì sẽ dừng biện pháp này.
Đoàn DN bày tỏ trong 12 tháng áp dụng Bộ Tài chính và DN tiếp tục đối thoại để đánh giá thị trường và có những điều chỉnh hợp lý.