Tâm pháp trong thơ và tranh thiền của Đoàn Quang Anh Khanh

Để giữ “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, Đoàn Quang Anh Khanh cho biết ngày xưa anh cũng bị cuốn theo vòng xoáy đam mê, bận vật lộn với cuộc sống, luôn muốn khẳng định bản thân trong giới showbiz, nhưng sau này đến với thiền định, sống tĩnh lặng giữa thiên nhiên, anh đã tỉnh ngộ và mài mòn luôn “bản ngã” của mình…

Tác giả Đoàn Quang Anh Khanh

Tác giả Đoàn Quang Anh Khanh

Tuyển tập thi - họa “Rỗng”

Tuyển tập thi - họa “Rỗng”

Những ngày đầu tự nghiên cứu về thiền (zen), anh mất rất nhiều thời gian để quán chiếu tâm mình, anh thiền liên tục trên mười năm ròng rã… gần như anh đã đạt được sự quản trị cho thân, tâm. Thiền định giúp anh quan sát mọi ý nghĩ, trước những vọng tưởng đang nhảy múa… khiến tâm khó giữ được bình an, anh đã đối diện và “chặt đứt” những tạp niệm trong suy nghĩ! Cuối cùng, anh có một đời sống nhẹ nhàng, thong dong. Mới đây, anh vừa ra mắt Tuyển tập thi - họa Rỗng mang đậm hơi thở của zen. Bằng tâm thế chủ động để hóa giải những nghịch cảnh, khổ đau, trong trích đoạn bài thơ “Tất cả thuộc về bao la”, anh viết: “…Ngày gãy khúc/ Linh hồn treo theo sợi gió/ Tình chỉ là hai mặt của một đồng xu/ Vòng xoáy càn khôn là đường viền cõi tạm/ Cấu trúc vô thường là cuộn chỉ rối xoăn/ Đôi khi muốn rỗng chỉ để chứa cái không/ Ngụp lặn trong cái mớ bòng bong/ Cái thong dong chắc chắn bị trầy xước...”. Để có được chút bình yên trong “Ngắm nắng rơi thềm”, anh đã: “Không tranh, không giành, không đoạt lợi/ Không thi, không thố, mãi chẳng thua/ Hoạ đến phúc đi sao lường hết/ Sân hiên an tịnh nắng rơi thềm”. Khi đọc thơ anh, chúng ta như bước vào khu vườn thiền của sự an nhiên, hạnh phúc.

Có thể nói, thơ của Đoàn Quang Anh Khanh có sức hút chiêu cảm người đọc, như những chiếc búa giáng từng đòn mạnh vào những vọng tưởng, ảo ảnh của tâm trí, câu từ mang tính thức tỉnh cao. Những lời thơ anh sáng tác được chắt lọc qua trải nghiệm tinh tế trong đời sống thiền định, đã lan tỏa đến bạn đọc nguồn năng lượng trong lành, bình an, giúp chúng ta dễ dàng quán chiếu về “tánh không”, vô thường…

Tâm pháp trong thơ và tranh thiền của Đoàn Quang Anh Khanh - 3

Có những lúc anh thả hồn phiêu du để ngắm cảnh đẹp lộng lẫy của thiên nhiên: “…Hồn vút lên trời bay bỗng thoát thân/ Bước vào vườn mây rung rinh trắng xoá/ Dòng nước trong ngần cheo leo thác đổ/ Có ngọn cỏ nghiêng hình hài giữa trần gian/ Ta thả gió, nghịch mây, cưỡi nắng vàng… Đón lấy yêu thương trong từng nhịp thở/… Cõi ta bà đẹp chẳng khác chốn bồng lai” (trích bài “Sáng nay thức dậy”). Say đắm trước vẻ đẹp vi diệu của thiên nhiên, yêu thiên nhiên trong từng hơi thở nên “cánh rừng bản ngã” trong tâm trí anh như bị triệt hạ, mọi vọng tưởng tan biến, lúc này tâm thức anh trở nên bình yên lạ thường… Có một sự thay đổi không hề nhẹ đang chuyển hóa con người bên trong của anh trưởng thành hơn về mặt cảm thức: “Sâu thẳm từ bên trong ta bỗng hóa rỗng không/ Con số không đẹp lung linh lộng lẫy/ Thật trọn vẹn khi ta bằng chừng ấy/ Chẳng có gì đập nát khi ta bằng không/ Móng vuốt sắc nhọn chẳng cào cấu được cái không/ Rỗng để chứa đựng, rỗng khởi sinh tuệ giác/ Rỗng để yêu thương, rỗng quay về Phật tánh/ Chốn an lành, không màu, không vị, không hương/… Rỗng cho tâm can không còn khởi vọng/ Rỗng để trống không... trống rỗng... không vướng gì!” (trích bài “Không”).

Đi xuyên vào “tánh không”, sự rỗng, anh ngộ ra chân lý của thiền là vô ngôn: “Không pháp, không kinh, không hình tướng. Không nói, chẳng gieo, chẳng trở thành. Tĩnh lặng chìm sâu vào vô ngã. Một trời an lạc bỗng vỡ oà… Ngộ, đôi khi là khoảnh khắc. Cười vang một trận giữa mênh mông”(trích bài “Chợt ngộ”). Anh cho biết: “Mình cần phải tĩnh lặng để quay về suối nguồn hạnh phúc tận sâu bên trong”. Đó là trạng thái “rỗng” của tâm trí: “… Rỗng, không phải ta vắng mặt. Rỗng, không có nghĩa ta không có ở đó. Chẳng qua là một trạng thái trống không. Phúc lạc sẽ kết tủa trong sự rỗng. Một tiếng rỗng vang vọng giữa trời không”. (Trích thơ Rỗng).

Tranh “Rỗng”

Tranh “Rỗng”

Có lẽ khi trở về “tánh không”, nguồn sáng tạo trong anh cứ tuôn trào vô tận từ thi ca đến hội họa, đây là phương tiện kỳ diệu giúp anh truyền tải thông điệp của “Rỗng”... Lần đầu anh vẽ tranh nhưng màu sắc trong tranh thật hài hòa, đường nét dứt khoát, bố cục chắc chắn. Với 24 bức tranh mang tính triết lý về “tánh không”, anh đã tạo nên bữa tiệc tranh ý niệm mới lạ cho người xem. “Con số không đẹp lung linh lộng lẫy” mang hình tượng triết lý trong thơ thiền của anh cũng hiện hữu trong thông điệp của các họa phẩm: “Ngón tay chỉ trăng”, “Chỉ trỏ”, “Khiêm nhường”, “Rỗng”, “Trống”, “Tỉnh giác”, “Tỉnh thức”, “Chợt ngộ”, “Ngộ”, “Vô thường”… Đây chính là sự giao duyên nhịp nhàng của “tánh không” trong vũ điệu thi - họa “Rỗng” mà tác giả đã tự do sáng tạo từ trong tâm tưởng!

Tranh “Khiêm nhường”

Tranh “Khiêm nhường”

Tâm pháp trong thơ và tranh thiền của Đoàn Quang Anh Khanh - 6

Riêng phần tự bạch trên sách “Rỗng”, anh khuyên mọi người đừng trì hoãn mà hãy cứ sống trọn vẹn trong từng phút giây thực tại, lúc đó điều kỳ diệu sẽ mỉm cười với ta: “… Nếu bạn muốn nhảy thì đắm say với vũ điệu của chính mình. Cuộc sống là thi ca nhạc họa, là giai điệu, là vũ hội… Đừng trì hoãn thực tại, hạnh phúc là cái đang diễn ra. Đừng khất hẹn!... Phúc lạc khi ta về giữa hiện tại”. Đến đây, có thể dư luận cho rằng anh là một đạo diễn lập dị nhưng về nghiên cứu tâm linh trên một phương diện nhất định, anh có những tri kiến và trải nghiệm của một nhà huyền môn.

Minh Thi

Photo: Master Fiap Hoàng Quốc Tuấn

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN