Võ sư một chân sáng bán báo, tối dạy võ ở Sài Gòn
Mất chân trái sau một tai nạn ở tuổi đôi mươi, chàng thanh niên Tạ Anh Dũng lúc ấy đã không từ bỏ cuộc sống, không từ bỏ môn võ của dân tộc Việt để hôm nay có một võ sư 55 tuổi đầy nghị lực với cuộc sống hằng ngày khiến nhiều người khâm phục.
Một ngày của võ sư Tạ Anh Dũng bắt đầu từ lúc 5h sáng để đi lấy báo đem giao cho khách. Mặc dù lang thang khắp các ngả đường, nhưng ông vẫn cố gắng kết thúc sớm công việc để dành ít thời gian còn lại của buổi sáng tập thể lực ở trung tâm TDTT quận 5 (TP HCM).
Ông Dũng cho biết các bài tập này bổ trợ nhiều cho di chuyển và cầm binh khí: "Người ta hai chân đầy đủ, mình thiếu một chân thì càng phải cố gắng tập cho chân còn lại thật khỏe. Rồi tập cơ lưng thật khỏe để bật dạy được nhanh trong lúc đánh võ nữa".
Buổi trưa, ông tự mình đi chợ và nấu cơm cho 3 đứa cháu nhỏ trong nhà. Căn nhà đơn sơ thiếu vắng bàn tay phụ nữ do ông đã ly hôn với vợ từ lâu và các con người làm ăn xa, người về trễ. Võ sư 55 tuổi cho biết các đứa cháu là một trong những niềm vui lớn nhất của mình.
"Nhiều lúc mệt cũng muốn ăn cơm ngoài cho xong, nhưng tội mấy đứa cháu. Ăn cơm hộp lại tốn tiền quá nên tự nấu nướng cho khỏe. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó", ông Dũng cho biết.
Võ sư Tạ Anh Dũng (ngoài phải) đang dạy học viên
Mới đây, câu chuyện của ông Dũng đã được nhiều người biết đến khi ông tham gia một chương trình truyền hình.
"Thật sự khi chương trình mời, tôi tham gia vì nghĩ kiếm được chút tiền cát-xê. Nghèo mà, có được đồng nào hay đồng ấy. Nhiều người nghĩ tôi sau khi tham gia chương trình truyền hình được vài chục triệu trao tặng chắc khấm khá lắm, nhưng họ đâu biết chỉ vài ngày sau số tiền đó hết sạch. Tôi đem trả các khoản nợ mượn người ta lúc trước để trang trải cuộc sống. Giờ có tiền trả người ta, mai mốt thiếu thốn người ta mới dám cho mình mượn nữa", võ sư Dũng kể về kỷ niệm được lên truyền hình của mình.
Vốn đam mê thể thao và chơi tốt nhiều môn nên buổi chiều, thầy Dũng có lúc nhận đứng kèm thêm cho học viên chơi bóng bàn.
Đến tối, trường THCS Lý Phong (quận 5) lại nhộn nhịp tiếng hô hào của hơn chục học viên đang miệt mài tập luyện môn võ cổ truyền Kim Kê Tây Sơn Nhạn dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của võ sư Tạ Anh Dũng.
Một phụ huynh mới đưa con mình ngày đầu đến lớp chia sẻ: "Biết được về hoàn cảnh sống của thầy qua báo đài, tôi quyết tìm cho bằng được để con mình theo học thầy. Không chỉ cho con học võ để tăng cường sức khỏe hay tự vệ, tôi muốn qua hình ảnh của thầy Dũng, con tôi học được lòng nghị lực vượt qua sự mặc cảm, khó khăn".
Nói về ước mơ của mình, võ sư Dũng trầm giọng: "Võ cổ truyền nước mình học hai kiếp người cũng không hết được. Tôi nghiên cứu cả đời thấy cũng không đủ. Chỉ mong một ngày nào đó có thể mở một câu lạc bộ để dạy riêng và rộng bộ môn võ của dân tộc này".
Ông Trang Như Trân - Phó Giám đốc Trung tâm TDTT Quận 5, nhận xét: "Ông Dũng là người rất đam mê thể thao với tinh thần rất cao. Có lúc không muốn môn võ của dân tộc mất đi, ông Dũng lặn lội xuống tận các trường để tìm "gà nòi". Thấy được sự tâm huyết của ông Dũng, trung tâm tạo điều kiện về sân bãi cũng như thời gian đứng lớp giảng dạy cho ông có thêm thu nhập".
* Clip võ sư Dũng biểu diễn võ công trước học trò:
* Những hình ảnh cuộc sống đời thường của võ sư Tạ Anh Dũng:
Võ sư Dũng với cây nạng lang thang khắp chợ để giao báo
Sự khiếm khuyết cơ thể càng khiến ông nỗ lực hơn trong tập luyện
Tự mình nấu ăn cho các cháu để đỡ chi phí sinh hoạt
Võ sư 55 tuổi đứng lớp dạy võ buổi tối tại trường THCS Lý Phong (TP HCM)
Sự tâm huyết của thầy Dũng trong việc truyền bá lại môn Kim Kê Tây Sơn Nhạn cho học trò
Màn đấu binh khí đẹp mắt không chỉ thu hút các học viên mà còn có các học sinh ở trường
Võ sinh nhí tích cực tập luyện