US Open không chỉ gọi tên Nadal
Nadal liệu đã trở thành ứng viên số 1 của US Open sau khi lên ngôi ở Cincinnati?
Nadal vừa trở thành người đầu tiên sau đúng mười năm vô địch Cincinnati sau khi đã vô địch Rogers Cup trước đó một tuần.
Điều lý thú là phải tới 13 năm chinh chiến trên đấu trường ATP, Nadal mới lần đầu tiên vào tới chung kết và vô địch trên mặt sân cứng ở hai giải liên tiếp.
Ở cả hai giải, Nadal đều chỉ thua đúng một set, trước những đối thủ kinh điển: Thua Djokovic set hai ở Rogers Cup và thua Federer set đầu ở Cincinnati.
Còn ở hai trận chung kết, Nadal đều thắng những cỗ máy giao bóng với tỉ số 2-0: Đánh bại Raonic với tỉ số 6-2, 6-2, và khuất phục Isner với tỉ số 7-6, 7-6.
Nadal bỏ túi danh hiệu thứ 9 trong năm sau 11 trận chung kết (qua 12 giải), cũng là chiếc cúp Masters thứ 5 trong năm 2013 và thứ 26 trong sự nghiệp. Nadal vẫn còn cơ hội để vượt qua Djokovic trở thành người đầu tiên trong lịch sử giành nhiều hơn năm Masters trong một năm với Paris Masters và Thượng Hải Masters còn ở phía trước.
Nadal liệu có thể lập lại thành tích của năm 2010?
Một Nadal xuất sắc nhất?
Có lẽ không, hay đúng hơn là chưa, bởi năm 2010, Nadal từng giành ba Grand Slam sau những màn trình diễn đỉnh cao: Gần như đè bẹp Djokovic trong trận chung kết US Open dù phải đánh bốn set, và vùi dập cả Soderling lẫn Berdych trong các chung kết Roland Garros và Wimbledon.
Nhưng Nadal đã cho thấy anh là một đối thủ đa dạng, rất khó để nắm bắt - một sự thay đổi rất lớn so với một Nadal trước kia ỷ lại sức trẻ hầu như không có các phương án B khi xét về chiến thuật.
Ở trận tứ kết với Roger Federer, Nadal từ chỗ đứng ôm sân trong set một đã lùi lại sâu hơn trong set hai ngay từ khi trả giao bóng, nhưng lại đứng trả bóng một gần hơn so với bóng hai.
Sự điều chỉnh ấy khiến Roger Federer dù có trận đấu hay nhất (đặc biệt là cú giao bóng) kể từ đầu năm 2013, vẫn chịu thất bại trận thứ 21 sau 31 lần đối đầu với Nadal.
Đến trận bán kết với Berdych, Nadal quay trở lại ôm sân, đánh bóng rất sớm để đương đầu với đối thủ là một tay vợt điển hình của lối chơi bóng bạt gợi nhớ lại những năm 80-90.
Và ở trận chung kết, Nadal kết hợp cực kỳ hiệu quả giữa lối đánh cuối sân với việc chọn thời điểm để lên lưới, đặc biệt là ở những thời điểm quan trọng để "giải quyết" John Isner.
Những trận thua tan nát và đau đớn trước Djokovic trong năm 2011 và 2012 đã dạy cho Nadal bài học: Phải có sự linh hoạt để giải quyết từng tình huống và từng đối thủ chứ không chỉ là chạy, cứu bóng, nhồi vào trái tay đối thủ rồi mới tấn công dứt điểm.
Cũng nên nhớ thành tích vô địch Rogers và Cincinnati mang tính lịch sử (với riêng Nadal) khi ông Toni Nadal không có mặt cùng với Nadal cả trên sân tập cũng như trên khán đài - một điều thường xảy ra khi Nadal tham dự các giải sân cứng ở Mỹ và châu Á.
Nó cho thấy Nadal giờ rất ổn định về tâm lý, tỉnh táo trong những trận đấu then chốt và các thời khắc quyết định. Không phải là may mắn khi Nadal đã thắng cả hai loạt tiebreak trước đối thủ cao 2m08 và có ưu thế tới mức có thể biến mỗi cú giao bóng thành một cơ hội ăn điểm (tỉ lệ ăn điểm bóng một từ đầu năm tới nay của Isner là 79%, đứng thứ hai ATP hiện tại). Và cũng không phải ngẫu nhiên khi Nadal trước kia luôn chơi dưới sức trước Djokovic, thì giờ anh là người chắc thắng hơn ở các bước ngoặt của trận đấu.
Lối chơi của Nadal giờ biến hóa khôn lường
Chừng đó cộng với thành tích vô địch và vào chung kết trong hai lần tham dự US Open 2010 và 2011 là đủ để xếp Nadal vào nhóm những ứng viên vô địch của giải đấu sẽ khai mạc ngày 26/8 tới.
Grand Slam là câu chuyện khác
Nhưng, dù lịch sử đứng về phía anh, vẫn không có nghĩa Nadal sẽ không vấp phải sức cạnh tranh đáng kể ở Grand Slam cuối cùng trong năm, kể cả khi các đối thủ chủ chốt của anh đang có đầy rẫy các vấn đề.
Djokovic đang làm người ta nghi ngờ về ngôi vị xuất sắc nhất trên sân cứng trong ba năm qua, bởi danh hiệu trên mặt sân này gần đây nhất của anh là ở Dubai hồi tháng Hai, và mới chỉ góp mặt trong một trận chung kết trên sân cứng duy nhất ở đẳng cấp Masters kể từ đầu năm.
Nhưng năm ngoái, sau khi thua Federer ở trận chung kết Cincinnati, Djokovic đã vào tới chung kết US Open với phong độ thuyết phục. Anh chỉ thua trước Andy Murray trong trận chung kết năm set đầy căng thẳng.
Bản thân Andy Murray cũng đang đi lại con đường của năm 2012, ít nhất là cho tới trước thềm US Open. Murray thua liểng xiểng kể từ sau khi trở lại sau giải Wimbledon. Anh mới chỉ được đánh năm trận cạnh tranh thực sự trên mặt sân cứng, điều khiến anh không thực sự thỏa mãn xét trên góc độ chuẩn bị và tìm kiếm cảm giác thi đấu cho nhiệm vụ bảo vệ ngôi vô địch.
Nhưng Murray thậm chí còn tồi hơn thế ở giai đoạn chuẩn bị của US Open 2012: chỉ có đúng ba trận để lấy đà. Và sau đấy, Murray lần đầu tiên vô địch Grand Slam với sự ghi nhận trận sau anh đánh hay hơn trận trước và thể lực không còn là sự hạn chế nữa.
Chỉ có Federer vẫn chưa thực sự cho thấy kết quả của một quá trình tập luyện miệt mài sau thất bại sốc ở Wimbledon. Suốt ba giải gần nhất (hai đất nện và một sân cứng), huyền thoại người Thụy Sĩ vẫn sa sút thể lực chỉ sau một set, và thua nhiều hơn thắng trong các loạt đôi công cuối sân.
Ngay cả việc rơi xuống vị trí thứ 7 ATP cũng đặt anh vào tình huống (lý thuyết) có thể phải vượt qua cả Murray, Nadal và Djokovic nếu muốn giành Grand Slam thứ 18.
Liệu Nadal có kịp hồi phục thể lực sau 2 giải Masters 1000 liên tục
Thể lực là mấu chốt của vấn đề
Nadal sẽ bước vào tập luyện ở New York từ thứ Tư, tức là anh chỉ có hai ngày nghỉ sau hai tuần thi đấu cả thảy mười trận. Nếu nhìn chi tiết, Nadal ở Cincinnati kém sung sức hơn so với Nadal ở Rogers Cup. Và Nadal ở trận chung kết với Isner kém nhanh nhẹn và thiếu uy lực hơn trong các loạt đôi công so với trận tứ kết trước Federer và Berdych.
Đó có thể là một bất lợi nếu so sánh với Djokovic và Murray, những người không bị vắt sức trong quãng thời gian tương tự.
Nếu nhìn vào Murray, chúng ta sẽ thấy thể lực chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt thực sự. Murray không có sự vượt trội về kỹ thuật so với các tay vợt trong top 10 như Del Potro và càng không thể đọ về cú quả với Djokovic, Nadal và Federer, nhưng anh lại thực sự thành công trong hai năm qua ở Grand Slam bởi nền tảng thể lực của Murray được xây dựng để trải qua các trận đấu kéo dài năm set bên cạnh việc anh hầu như không còn thiết tha vô địch các giải Masters 1000 như trước.
Nhưng, thể lực có thể không phải là trở ngại lớn với Nadal, bởi không phải lần đầu tiên Nadal bung sức ở hàng loạt giải đấu ngay trước khi bước vào một Grand Slam.
Nadal làm nên lịch sử với tám lần vô địch Roland Garros sau khi anh vô địch cả Rome và Madrid Masters. Thành tích đó gần như đã được Nadal lập thành quy trình, nếu như không tính tới vài lần hiếm hoi anh bị Djokovic hay Federer đánh bại trong trận chung kết.
Bài toán thể lực ấy được Nadal giải mã với phép tính, anh chưa cần chơi với tất cả sự thanh thoát trong tuần đầu tiên khi chỉ phải gặp các tay vợt không xếp hạt giống, để rồi đến tuần thứ hai, anh trình diễn một diện mạo hoàn toàn mới.
Chỉ có điều, cách tiếp cận ấy của Nadal đôi khi làm anh cực kỳ chật vật ở những vòng đầu của Grand Slam, kể cả ở Roland Garros, và thậm chí bị loại sốc ở Wimbledon hai lần liên tiếp.
US Open không phải Wimbledon, nhưng mặt sân nhanh ở New York cũng là lý tưởng cho những kết quả bất ngờ có thể xảy ra. Hơn ai hết Nadal hiểu điều này, như sự thú nhận, "tôi có thể chơi dở nhưng vẫn thắng ở sân đất nện, nhưng trên sân cứng, tôi cần phải chơi tốt, rất tốt thì mới không thua".
Thế nên, muốn vô địch US Open này, Nadal phải cần một chút may mắn và bắt nhịp nhanh để sống sót qua tuần đầu tiên. Như năm US Open 2010 mà Nadal đăng quang, anh đã phải trải qua hai set đầu có tiebreak trong trận thắng 3-0 trước Gabashvili (Nga), và nhánh bốc thăm năm ấy đưa anh gặp chỉ toàn các đối thủ dưới tầm như Istomin, Simon, Lopez, Verdasco, Youzhny trước khi đón Djokovic ở chung kết.