TTVN & chuyện “học nữa, học mãi”
Nhìn lại lịch sử, Thể thao Việt nam (TTVN) tại sân chơi Olympic thật sự là những bước thăng trầm.
Chúng ta đã có tấm HCB để đời năm 2000 của võ sĩ Trần Hiếu Ngân, nhưng rồi 4 năm sau đó, TTVN đã không thể giành nổi một tấm huy chương. Năm 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn thi đấu xuất thần mang về tấm HCB “quý như vàng” ở môn cử tạ, nhưng sau đó 4 năm, tức là kỳ Olympic này, TTVN lại ra về tay trắng. Tất cả đã cho thấy một thực tế, TTVN tham dự Olympic vẫn chỉ trông chờ vào may mắn, còn khi tranh tài bằng thực lực những “niềm hy vọng vàng” của chúng ta gần như không có cửa...
* Ca mãi bài…thiếu may mắn
Những quốc gia có nền thể thao còn nhiều hạn chế như Việt Nam, luôn có tâm lý trông chờ vào may mắn mỗi khi ra thi đấu quốc tế. Ở sân chơi Olympic, yếu tố may mắn nhiều lần được người trong cuộc nhắc đến như một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định tới thành tích của các VĐV. Ngay cả tấm HCB đầu tiên của TTVN ở Olympic 2000 của võ sĩ Hiếu Ngân, cũng có dấu ấn rất nhiều của sự may mắn, cụ thể là kết quả bốc thăm của võ sỹ quê Phú Yên rơi vào nhánh thi đấu nhẹ ký.
Riêng trường hợp của Hoàng Anh Tuấn 8 năm sau đó thì đô cử này có thể tranh đua với các đối thủ ở hạng cân 56kg một cách sòng phẳng vì Tuấn đã được tôi luyện khá nhiều ở các giải đấu tầm cỡ thế giới và thường xuyên nằm trong top 3 thế giới nhiều năm trước khi đến Olympic Bắc Kinh. Những người làm chuyên môn của thể thao nước nhà cho đến giờ vẫn khẳng định, trong lịch sử tham dự Olympic của đoàn TTVN, chỉ có Hoàng Anh Tuấn là thi đấu bằng đúng sức mình, không phải trông chờ vào may mắn. Đáng tiếc là khi đã lên đến đỉnh cao, VĐV người Bắc Ninh đã mắc bệnh ngôi sao và đã dính không ít “sự cố” để thành tích dần tuột dốc.
Trước giờ lên đường tham dự Olympic lần này, trong phát biểu của các nhà quản lý thể thao đã nhấn mạnh những ngôn từ kiểu như: “Chúng ta có hy vọng ở môn A, môn B, nhưng còn phải phụ thuộc vào may mắn rất nhiều”.
Cái may mắn đó đã không tới khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chỉ cần 1 điểm nữa là đã có thể vào đến vòng chung kết ở nội dung 10m súng ngắn. May mắn đã không xảy ra khi Văn Ngọc Tú (judo) gặp đối thủ hạng 3 thế giới ngay từ vòng loại. Còn Trần Lê Quốc Toàn, VĐV được kỳ vọng nhất sẽ có huy chương, cũng được xem là kém may mắn khi chỉ cần cố thêm 2 kg ở nội dung cử giật, đã có thể có ít nhất tấm HCĐ. Người trong cuộc đã rất tiếc nuối trong những thất bại của đoàn TTVN và cho rằng, chúng ta đã thiếu đi 1 chút may mắn.
Xạ thủ Xuân Vinh suýt giành HCĐ
Sự thật là yếu tố may mắn rất cần cho những thành công, nhưng không thể là yếu tố đóng vai trò quyết định trong cuộc tranh tài đỉnh cao như ở Olympic. Olympic là sân chơi hội tụ của những VĐV hàng đầu thế giới nên dù có bốc thăm vào bảng đấu nào, nếu không có trình độ, bản lĩnh thực sự ngang sức ngang tài với đối thủ thì VĐV của Việt Nam vẫn cứ bị sớm “bật bãi” như thường. Những thất bại của những Tiến Minh (cầu lông, hạng 11 thế giới), Hà Thanh (TDDC, từng giành HCĐ thế giới)…đã nói lên tất cả điều đó.
Không chỉ kém may mắn dẫn đến không có huy chương, một lý do rất “phổ biến” khác luôn được đem ra để lý giải cho những thất bại là VĐV của Việt Nam còn yếu tâm lý.
Thực tế, vấn đề tâm lý đã được nói quá nhiều thời gian qua với các VĐV Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như những trường hợp lần đầu tham dự Olympic bị tâm lý còn dễ hiểu, chứ quanh năm thi đấu quốc tế như Tiến Minh mà bị tâm lý thì kể cũng khó hiểu. Như vậy, tâm lý có lẽ đã trở thành vỏ bọc để “né” trách nhiệm của những nhà quản lý và cả VĐV.
Không phủ nhận, kỳ Olympic này vận may đã không đứng về phía đoàn TTVN và chúng ta có quá nhiều những VĐV lần đầu tham dự. Tuy nhiên, lý do dẫn đến thất bại lớn nhất của đoàn TTVN, vẫn nằm ở hai chữ trình độ. Chỉ có thua về trình độ, mới có những thất bại quá chênh lệch với tỷ số 1-13 như taekwondo, 0-5 như vật, rồi những thành tích kém cỏi ở rowing, điền kinh (nhảy cao nữ), judo...Nói một cách khác, các VĐV của Việt Nam vẫn chưa đủ tầm ở sân chơi Olympic.
* Nghịch lý lượng và chất
Dù xếp trên nhiều quốc gia trong khu vực ở một vài kỳ SEA Games nào đó nhưng ở bình diện sân chơi Olympic, TTVN lại trở nên rất “nhỏ bé” so với các nước “láng giềng” tại Đông Nam Á. Olympic năm nay, TTVN có thể tự hào khi mang tới 18 VĐV bằng cửa chính thức, nhưng chúng ta không thể có nổi một tấm huy chương. Điều đó thật sự là một nghịch lý.
Trên bảng tổng sắp huy chương Olympic, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia...đều có mặt. Còn nhớ, tại kỳ Olympic Bắc Kinh 2008, Việt Nam xếp hạng 71 (1 HCB), còn Thái Lan hạng 31 (2HCV, 2 HCB, 4 HCĐ), Indonesia hạng 42 (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ). Như vậy là xét theo số lượng huy chương, Việt Nam đã từng kém xa các đối thủ lớn trong khu vực, những đối thủ mà chúng ta từng có thời điểm vượt qua ở các kỳ SEA Games gần đây. Và đến Olympic lần này, đoàn TTVN thậm chí còn không có nổi 1 tấm HCĐ để có thể so sánh thứ hạng với các nước cùng khu vực.
Đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích về việc TTVN luôn chú trọng đầu tư, tham dự rầm rộ ở sân chơi khu vực, nhưng cứ ra sân chơi châu lục, chứ chưa kể Olympic, là VĐV của Việt Nam lại rơi vào cảnh khát huy chương.
12 năm trước, tấm HCB của Hiếu Ngân ở môn taekwondo khiến TTVN mở mày mở mặt. Sau thành công ấy, ngành TDTT đã quyết tâm hơn rất nhiều trong việc đầu tư mạnh tay để chinh phục đấu trường Thế vận hội. Thế nhưng, cũng phải đến 8 năm sau TTVN mới lại có thêm tấm HCB nữa sau khi sản sinh ra “quái kiệt” ở môn cử tạ, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn. Ngôi á quân của lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn giúp đoàn TTVN đứng hạng 71 trong tổng số 87 đoàn giành huy chương, tức là còn xếp trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác tham dự Đại hội. Song, nhìn nhận thành tích được xem là ấn tượng này để khẳng định cho sự phát triển của thể thao nước nhà có lẽ là sai lầm.
Thực tế từ các kết quả tranh tài đã cho thấy hành trình của TTVN mang tới sân chơi Olympic vẫn quá nghèo nàn khi đa số các VĐV tham dự đều ở dạng “học hỏi là chính”, hay phấn đấu “vượt lên chính mình”. Câu chuyện về mục tiêu “cọ xát, học hỏi kinh nghiệm” của các VĐV Việt Nam ở Olympic đang là nỗi trăn trở của không ít người hâm mộ khi câu hỏi “học nữa, học mãi” của TTVN bao giờ có đáp án vẫn còn bị treo lửng lơ.
Với thất bại lần này của đoàn TTVN, không khó để chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ quá nhiều yếu tố, từ khâu chuẩn bị, tâm lý, may mắn, chiến thuật, trình độ... Thất bại cũng chỉ ra, TTVN đang thụt lùi ngay trong khu vực và không biết hiện tại chúng ta đang đứng ở đâu?