Trò nghèo thiếu ‘máu’ và nhà vô địch thiếu… cúp
Kể về Nguyễn Văn Phương hay Lý Hoàng Nam, cựu HLV Becamex Bình Dương Trần Đức Quỳnh tếu táo bảo tụi nhỏ có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười từ thời thơ ấu.
Cựu HLV Becamex Bình Dương Trần Đức Quỳnh đã định cư bên Mỹ nhưng khi hay tin Nguyễn Văn Phương góp công vào chức vô địch của Becamex Bình Dương đã say sưa kể về thời khốn khó của một tài năng nghèo tha hương. Chưa hết cơn “say”, anh kể tiếp về kỷ niệm với cậu học trò Lý Hoàng Nam.
Cậu bé nhặt bóng mang giày rách
Nguyễn Văn Phương xuất thân từ gia đình nghèo ở miền Bắc. Gia cảnh khó khăn, vì mưu sinh em cùng cha mẹ bôn ba vào Sài Gòn kiếm sống. Lúc Phương chín tuổi, em có tên trong đội năng khiếu TP.HCM nhưng các thầy chê em thiếu “máu” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Họ chê Phương con nhà nghèo không có tiền ăn làm sao chơi tennis nổi. Nói vậy cũng không sai. Khi Phương về đội Becamex Bình Dương, ngoài số tiền trợ cấp ăn uống cho từ đội, các HLV thay nhau mỗi tuần mua tặng Phương thùng sữa nhằm giúp em thêm sức tập luyện.
Ngoài ra, HLV Anh Vũ còn giúp Phương một chân nhặt bóng. Mỗi buổi tối khi thầy dạy thì trò lượm bóng kiếm thêm thu nhập.
Một ngày của Phương bận rộn vô cùng. Sáng em tập cùng đội từ 8 giờ đến gần 12 giờ, trưa về đi học từ 13 giờ đến 17 giờ, chiều tối lại đi nhặt bóng phụ gia đình đến 21 giờ. Cứ thế đều đặn mỗi ngày.
Một buổi tập nọ, thấy Phương không chạy thể lực như các bạn, tôi tiến lại hỏi: “Sao em không chạy?”. Phương lúc đó khoảng 10 tuổi, lí nhí: “Dạ... đau, đau lắm không chạy được”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Em đau gì?”. Khi Phương giở giày lên, chiếc đế lủng lòi cả bàn chân ra ngoài. Chúng tôi nhiều lúc nghẹn ngào với hoàn cảnh của em. Kể từ đó Phương có thêm phần kiểm tra giày mỗi buổi tập. Từ những tình thương như thế, Phương lớn lên, đánh tennis… hay hơn.
Nguyễn Văn Phương từng là cậu bé đi nhặt bóng và không có đôi giày lành lặn để mang tập. Ảnh: HUY PHẠM
Bây giờ nhà vô địch đồng đội nam quốc gia 2017 Nguyễn Văn Phương luôn được gắn mác “vua ngược dòng”. Nhớ lại kỷ niệm hai lần thắng ngược tay vợt số một tuyển U-10 Thái Lan. Hòa 1-1 đánh ván cuối super tie-break 10 điểm, lần em nào cũng bị dẫn 3-9 nhưng Phương lội ngược dòng thắng lại 11-9.
“Có lẽ bản năng sinh tồn con nhà nghèo trỗi dậy mạnh mẽ trong Phương khi phải đối mặt sự thua cuộc!
Và rồi Phương được Becamex tài trợ tham dự trại hè quần vợt Joel Ross (gần New York, Mỹ nơi các tay vợt trẻ Mỹ giỏi, hay con nhà giàu mới có thể tham dự). Tôi hết sức ngạc nhiên là lúc tham dự trại hè, tuần đầu Phương không biết một câu tiếng Anh nhưng chỉ ba tuần sau em bắt đầu nói như gió. Các bạn bè Mỹ ở trại hè đều thích Phương vì sự phá phách, nghịch ngợm rất dễ thương lẫn tài chơi tennis của Phương. Họ dạy Phương tiếng Anh, Phương dạy họ tiếng Việt. Thằng nhóc con nhà nghèo thiếu máu ngày nào cũng đến được New York. Và hôm nay Nguyễn Văn Phương, 16 tuổi, tỏa sáng trong vòm sao quần vợt Việt Nam.
Riêng với tôi, tôi học được từ Phương rất nhiều. Hãy luôn là chính mình dù bạn là ai, dù bạn xuất thân từ đâu!
Nhận cúp vô địch trễ nhất trong lịch sử
Lần đầu tiên Lý Hoàng Nam vô địch quốc gia năm 15 tuổi (năm 2012) cũng vô cùng đặc biệt hơn các nhà vô địch khác.
Có lẽ ban tổ chức (BTC) không bao giờ nghĩ Lý Hoàng Nam, 15 tuổi có thể đánh bại được “tượng đài” Đỗ Minh Quân (khi đó đang là số một) ở trận chung kết. Nên dù chúng tôi đề nghị đổi lịch, BTC vẫn khăng khăng Nam qua được Quân đi rồi tính.
Nếu Nam vào chung kết, em sẽ không kịp ở lại thi đấu và nhận giải bởi ngay sau đó em phải lên đường đi Nhật theo suất đặc cách tài trợ của ITF trao cho VĐV trẻ tiến bộ.
BTC nghĩ thế hẳn không sai bởi trước đó hai tuần, ngay trên sân TP mới Bình Dương (sân nhà của Nam), em dự giải Men’s Futures đã thúc thủ trước Quân 1/6, 0/6. Đó cũng là trận thua thứ ba liên tiếp của Nam trước Quân. Trận nào cũng có cách biệt 0/6. Tôi còn chọc Nam lần nào anh Quân cũng cho Nam ăn trứng hết, vậy là anh Quân rất thương Nam (nhìn Nam có vẻ tức lắm nhưng em vẫn cười cười… không nói gì).
Trước trận bán kết Nam hạ quyết tâm với tôi: “Anh xem trận này sẽ khác”. Và thật vậy, Nam tạo nên bất ngờ khiến BTC giải lúng túng, phải đổi lịch trận chung kết đánh trước dự kiến một ngày.
Nam đánh bại Minh Quân và vô địch. Ngay buổi trưa hôm đó, Nam tất tả ra sân bay Nội Bài về Tân Sơn Nhất cho kịp chuyến bay sang Nhật buổi tối.
Báo hại lễ trao cúp vô địch cho tay vợt trẻ nhất lịch sử quần vợt Việt Nam (15 tuổi) không có “nhà vô địch”. Một tháng sau Lý Hoàng Nam mới cầm chiếc cúp dành cho nhà vô địch trẻ nhất, lãnh cúp… trễ nhất.
Lý Hoàng Nam không còn nằm trong top 500 thế giới do bị trừ tới 17 điểm.