SEA Games & “bi kịch mặc cả” huy chương

Những ngày vừa qua, dư luận thể thao nước nhà “nóng” lên về thông tin Đại hội thể thao lớn nhất khu vực đã trở thành cuộc “mặc cả” huy chương giữa các quốc gia vốn được người trong cuộc công khai.

Trong cuộc “mặc cả” này, nước chủ nhà bao giờ cũng có lợi nhất bởi mình là người có tiếng nói quyết định trong việc chọn số lượng bộ huy chương cũng như các nội dung thi đấu, để rồi từ đó “giải làng” đã xảy ra không ít “sự cố”.

Chưa khai mạc, chủ nhà cầm chắc ngôi vô địch

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là SEA Games 2013 chính thức diễn ra tại Myanmar. Đây chính là thời điểm các quốc gia “thương thảo” với nhau về chuyện huy chương tại đại hội. Trước đó, ngay từ đầu năm, sân chơi khu vực này đã “nóng” lên bởi ý đồ “vơ vét” huy chương của nước chủ nhà. Theo đó, Myanmar đã tính toán rất kỹ trong việc cắt giảm hàng loạt các thế mạnh của đối thủ và đưa vào những môn sở trường của mình vào chương trình thi đấu.

Tại cuộc họp Hội đồng thể thao ĐNA phiên họp thứ nhất chuẩn bị cho SEA Games 2013, theo một quan chức ngành thể thao Việt Nam kể lại, các đoàn đã cãi nhau to chẳng khác nào một cái chợ. Ai cũng phản đối việc quốc gia mình bị mất nhiều thế mạnh, đồng thời yêu cầu phía Myanmar phải chơi đẹp. Phản đối là vậy nhưng tất cả đều hiểu, thật khó thay đổi được điều gì bởi đó đã là một “luật riêng” của SEA Games.

Theo điều lệ của Liên đoàn thể thao ĐNA, các quốc gia đứng ra đăng cai SEA Games, sẽ chỉ phải bắt buộc đưa vào chương trình thi đấu các môn trong nhóm 1, thuộc hệ thống thi đấu Olympic như: Bơi lội, điền kinh, bắn súng. Còn các môn thuộc nhóm 2 và những môn mang bản sắc riêng của đội chủ nhà, sẽ do các đoàn tự thỏa thuận với nhau.

SEA Games & “bi kịch mặc cả” huy chương - 1

Sea Games vẫn mang đặc thù "giải làng"

Với điều lệ “đặc trưng” của khu vực này, việc các quốc gia thậm chí không tổ chức bóng đá cũng chẳng vi phạm luật. Vì thế mà ở SEA Games 2011, Indonesia đã gạt hẳn bóng đá nữ ra khỏi chương trình thi đấu, bất chấp sự phản đối của các quốc gia tham dự, trong đó Việt Nam đang là đương kim vô địch.

Cũng vì điều lệ có nhiều điểm rất bất cập này, mà Myanmar năm nay đã loại nhiều môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic, trong đó có những môn là “mỏ vàng” của Việt Nam như Wushu, đấu kiếm …Còn các môn khác cũng bị cắt giảm số lượng huy chương đáng kể.

“Ý đồ của Myanmar không có gì khác chính là muốn giành huy chương nhiều nhất để đứng đầu kỳ đại hội lần này”, một quan chức ngành thể thao Việt Nam (không muốn nêu tên) đã nói.

Có thể nhiều quốc gia đã bức xúc, nhưng chuyện “ép người quá đáng” đã từng nhiều lần xảy ra ở SEA Games. Philippines từng đưa vào nội dung võ gậy ở kỳ đại hội năm 2005, khi chẳng có nước nào chơi được môn này. Để đáp trả, Indonesia đưa vào các môn tủ của mình như đua thuyền, dù lượn, đua ngựa…để rồi vô địch về số lượng HCV. Ngay cả Việt Nam khi tổ chức SEA Games trên sân nhà năm 2003, cũng đưa vào rất nhiều thế mạnh như lặn, đá cầu…rồi cũng không có đối thủ trên BXH tổng sắp.

Không chỉ chuyện “mặc cả” ở vovinam

Không chỉ “mánh khóe” trong việc đưa vào các môn thi đấu, nhằm kiếm nhiều huy chương nhất, các quốc gia còn “mặc cả” với nhau. Hôm 4/9, Phó Chủ tịch kiêm TTK UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết, nước chủ nhà Myanmar muốn Việt Nam phải nhường…7 HCV trong tổng số 18 bộ HCV thì mới chấp nhận đưa môn Vovinam vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 27 diễn ra cuối năm nay.

Vovinam đang có sự phát triển rộng lớn trên toàn thế giới, nhưng muốn có mặt tại sân chơi “ao làng” như SEA Games, Việt Nam phải chấp nhận “nhường” huy chương. Thực tế, không chỉ có nước chủ nhà đòi HCV ở vovinam, mà có ít nhất 3 quốc gia nữa cũng muốn được “chia sẻ”, nếu không sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để phản đối việc môn võ này có trong chương trình thi đấu (theo điều lệ phải có 4 quốc gia tham dự trở lên, nội dung đó mới được tổ chức).

Không chỉ có vovinam, mà rất nhiều thế mạnh khác của Việt Nam cũng sẽ phải nhường huy chương nếu như không muốn bị loại khỏi chương trình thi đấu. Điều này chắc chắn khiến Việt Nam mất một số lượng lớn HCV, nhưng bù lại chúng ta cũng sẽ “mặc cả” lại những nội dung “lạ” mà Myanmar, hay các quốc gia đưa vào. Và để một kỳ SEA Games “mang tính nhân văn cao”, các quốc gia sẽ cử chuyên gia của mình đến đào tạo cho đối thủ, tránh tình trạng khi vào thi đấu gặp những chuyện dở khóc dở cười, như trường hợp các đội biểu diễn vovinam theo phong cách “tự do” tại AIG 3 năm 2009 tại Việt Nam.

SEA Games bên cạnh những cuộc tranh tài đỉnh cao đã xảy ra vô số những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Ở một đại hội mà tiêu chí giành nhiều huy chương bằng mọi giá được đặt lên hàng đầu, khiến cho chất lượng ngày một đi xuống. Thế mới hiểu vì sao thế giới đến giờ vẫn luôn coi thể thao ĐNA là vùng trũng, là “ao làng”…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN