Trận đấu nổi bật

alize-vs-jessika
L'Open 35 de Saint Malo
Alize Cornet
2
Jessika Ponchet
1
taylor-vs-andrey
Mutua Madrid Open
Taylor Fritz
0
Andrey Rublev
2
felix-vs-jiri
Mutua Madrid Open
Felix Auger-Aliassime
0
Jiri Lehecka
0
iga-vs-aryna
Mutua Madrid Open
Iga Swiatek
-
Aryna Sabalenka
-

Pallacorda: Sân tennis đẹp nhất thế giới

Pallacorda là sân đấu diễn ra các trận đấu tại giải Rome Masters.

Mỗi nhà hát, thư viện, bảo tàng... ngoài chức năng sử dụng của nó, đều là một tác phẩm nghệ thuật. Ngay cả ngôi nhà của ta cũng là một tác phẩm nếu bạn biết chăm chút nó. Vậy tại sao ta không ngắm nhìn các sân tennis như một tác phẩm nghệ thuật nhỉ?

Sân tennis nào đẹp nhất thế giới? Là những sân nhìn ra ngoài khơi Địa Trung Hải ở Monte Carlo? Là sân số 1 ở Roland Garros với biệt danh “trường đấu bò”? Là những thảm cỏ xanh mướt ở Wimbledon? Mỗi người có thể có một đáp án cho mình. Nhưng với đa số những người duy mỹ, họ sẽ trả lời: Pallacorda.

Pallacorda: Sân tennis đẹp nhất thế giới - 1

Khi nhìn từ trên cao

Cần nhắc từ xa lại gần để bạn hình dung. Khu liên hợp thể thao Foro Italico nằm phía bắc thành phố Rome, bên cạnh dòng sông Tiber, được bắt đầu xây dựng năm 1928. Trong khu này có sân bóng Stadio Olimpico với sức chứa hơn 70.000 khán giả đang được hai câu lạc bộ bóng đá AS Roma và Lazio sử dụng chung.

Trong Foro Italico còn có một sân bóng nữa là Stadio dei Marmi, một trung tâm thể thao dưới nước và một khu tennis với 11 sân đất nện, hàng năm tổ chức giải Italian Open, về sau này đổi thành Rome Masters và bây giờ mang tên nhà tài trợ Internazional BNL d’Italia.

Pallacorda là sân lòng chảo, nghĩa là cốt nền của sân âm dưới mặt đất, bậc ngồi cao nhất là ngang mặt đất. Điểm đặc biệt thứ hai: các bậc ngồi của sân làm bằng đá cẩm thạch trắng. Điểm thứ ba: Chung quanh sân là tượng 18 vị thần Hy Lạp cổ đại, mỗi vị đại diện cho một môn thể thao khác nhau, cao khoảng 12m.

Người cho xây dựng Pallacorda vào năm 1935 là nhà độc tài Benito Mussolini và sân đấu đúng là mang tính hoa mỹ, khoa trương của Mussolini. Bản thân ông ta cũng là một tay vợt khá, dù chỉ biết chơi cú forehand. Trong bảng lương của Mussolini cũng có một số tay vợt có hạng của Ý. Mussolini cũng là người ghét Pháp và Anh nên ông nhất quyết loại từ “tennis” ra khi có một số gợi ý về tên sân. Ông chọn cái tên Pallacorda, nghĩa là “trò bóng lưới”.

Khi Pallacorda khánh thành năm 1939 thì tennis quốc tế không còn tổ chức ở Ý nữa. Để phản đối chủ nghĩa phát-xít ở Ý, liên đoàn tennis quốc tế không tổ chức giải đấu ở Ý từ năm 1936. Đến năm 1950, lệnh cấm mới được dỡ bỏ. Cũng cần nhắc lại, giải Italian Open được tổ chức lần đầu ở Milan năm 1930. Đến năm 1935, Italian Open chuyển về Rome được đúng một giải thì bị cấm.

Ubaldo Scanagatta, nhà báo Ý, người được coi là “quên nhiều điều về tennis Ý hơn hiểu biết về tennis Ý của bất kỳ ai” đã nói “khi đó, Mussolini đã phạm lỗi giao bóng kép”. “Giao bóng một lỗi là khi ông ta phát động cuộc chiến ở Bắc Phi rồi thua”, Scanagatta nói, “giao bóng hai ra ngoài là toàn bộ thập niên 1940, không ai chơi tennis ở Pallacorda”.

Nhưng từ năm 1950, khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Pallacorda với sức chứa 3.500 khán giả trở thành sân đấu chính của Italian Open. Một thời gian dài, giải này được gọi là “Grand Slam thứ năm trong năm”, bởi tất cả các tên tuổi lớn nhất thế giới đều muốn đến đây thi đấu: Rod Laver, Bjorn Borg, Chris Evert, Martina Navratilova, Steffi Graf, Pete Sampras... Năm 2006, Pallacorda được đổi tên thành Stadio Nicola Pietrangeli theo tên của tay vợt xuất sắc Ý vào thập niên 1950 nhưng mọi người vẫn quen gọi cái tên Pallacorda hơn.

Pallacorda đúng là một chảo lửa đối với các tay vợt ngoại quốc. Nếu thi đấu với một tay vợt chủ nhà mà anh hay cằn nhằn trọng tài thì thế nào anh cũng là mục tiêu của sự chế nhạo, la ó, ngón tay thối và mưa đồng xu từ khán đài. Trận bán kết năm 1978, Jose Higueras (người Tây Ban Nha) dẫn trước tay vợt chủ nhà Andriano Panatta 6-0, 5-1, ông bắt đầu trở thành mục tiêu công kích của khán giả và những tay trọng tài dây. Sau khi thua ngược ở set thứ hai với tỉ số 5-7, Higueras bỏ cuộc vì lo ngại cho sự an toàn của mình.

Tất nhiên, những chuyện như vậy bây giờ không còn nữa. Song người Ý vẫn mang chút của dân tifosi bóng đá vào sân tennis. Mỗi khi các tay vợt chủ nhà như Andreas Seppi hay Fabio Fognini thi đấu là các sân lại ầm ầm tiếng hét.

Sau này, một sân khác với 8.000 chỗ ngồi thay thế Pallacorda trở thành sân chính của Rome Masters. Rồi đến năm 2010, sân mới nữa được gọi là Campo Centrale với sức chứa 12.500 khán giả được khánh thành, đẩy Pallacorda xuống địa vị hàng thứ ba.

Nhưng dù thế, không ai có thể lấy đi vẻ đẹp nghẹt thở của Pallacorda. Từ trên xuống dưới là hàng thông xanh đến hàng ghế cẩm thạch trắng rồi đến mặt sân màu đỏ gạch, Pallacorda nom như lá cờ “tre colore tableau” của nước Ý. Vào một buổi chiều trời trong, dưới ánh mắt dõi xuống của 18 vị thần, bạn dám “chết” với cây vợt trong tay lắm chứ.

- Rome Masters 2013 được tổ chức từ 13 đến 19.5

- Những tay vợt nam vô địch nhiều nhất: Rafael Nadal (6 lần), Jaroslav Drobny, Marty Mulligan, Thomas Muster (3).

- Những tay vợt nữ vô địch nhiều nhất: Chris Evert (5), Gabriela Sabatini, Conchita Martinez (4), Margaret Court (3).

- Đương kim vô địch: Rafael Nadal (nam), Maria Sharapova (nữ)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế giới Tennis
ATP World Tour Masters 1000 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN