Obama không cứu được tennis Mỹ
Kể từ ngày vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama mời các tay vợt của xứ cờ hoa tới Nhà Trắng, tennis nước Mỹ vẫn tuột dốc không phanh.
Những gì Serena Williams làm được khi trở lại từ giường bệnh (bệnh tụ máu) là phi thường: Bốn danh hiệu lớn trong năm, trong đó có hai Grand Slam, thêm tấm huy chương vàng Olympic và danh hiệu cuối năm ở WTA Championships.
Nhưng đó không phải thành tích của tennis Mỹ hiện tại, và cũng chỉ là với cá nhân cô. Serena là sản phẩm và là hiện thân của tennis Mỹ thập kỷ cuối thế kỷ 20. Ở tuổi 31, rồi cô cũng sẽ giống chị gái của mình, già đi và mệt mỏi chỉ trong năm tới hoặc năm sau nữa.
Và khi đó, phía sau nước Mỹ là khoảng trống mênh mông. Như người ta cảm nhận được trong một nửa còn lại, khi các tay vợt nam của Mỹ làm được quá ít những điều để người ta tin rằng Mỹ là một cường quốc của môn thể thao này.
Cả năm 2012, chỉ có ba tay vợt Mỹ tìm kiếm được vinh quang trong hệ thống của ATP, là Andy Roddick, John Isner và Sam Querrey. Nhưng cả năm danh hiệu họ đạt được là những thứ không được xếp làm chuẩn mực để đánh giá phong độ, đẳng cấp của các tay vợt lớn. Roddick, người từng vô địch Grand Slam cách nay một thập kỷ, vì thế đã gác vợt sau những thất bại đau đớn ở Grand Slam và Masters 1000.
Khi các tay vợt Mỹ thất bại, các giải đấu thuộc hệ thống ATP 500 và 250 tổ chức trên đất nước này trở thành sàn diễn của những tay vợt hạng hai hoặc đến từ các quốc gia khác nhau.
Tổng thống Bush (cha) thường mời ngôi sao tennis hàng đầu tới Nhà Trắng
Mùa Xuân năm nay, trận chung kết ở Delray Beach, Florida giữa Kevin Anderson (Nam Phi) và Marinko Matosevic (Australia) diễn ra trong sự chứng kiến của chỉ hơn ngàn khán giả (nếu chỉ tính những người bỏ tiền mua vé vào sân).
Mùa hè 2012, cả hai tay vợt chủ nhà là Mardy Fish và Sam Querrey bị chặn đứng ở bán kết Citi Open ở thủ đô Washington D.C. Nên trận chung kết giữa hai tay vợt có tên tuổi hơn chút, là Alex Dolgopolov và Tommy Haas trên sân có sức chứa 7.500 chỗ ngồi vẫn còn hơn một nửa ghế trống.
Thậm chí, cả khi Querrey trước đó vừa vô địch giải Farmer Classic ở Los Angeles, thì giải đấu này vẫn không thoát khỏi cảnh bốn năm liền lỗ nặng về tài chính do thiếu quảng cáo và tiền bán vé không đủ bù chi.
Một thực tế cay đắng là các ngôi sao hàng đầu thế giới như Roger Federer hay Rafael Nadal không còn muốn tới Mỹ đánh những giải đấu nhỏ khi phí ra sân khổng lồ ở các giải đấu tuơng đương tại châu Âu hay châu Á đã quyến rũ họ.
Bán giải đấu để cắt lỗ
Kết quả là Farmer Classic hay còn được gọi là LA Open được bán cho thành phố Bogota, Colombia. Mất LA Open như một đòn giáng mạnh vào tennis Mỹ. Khung cảnh các ngôi sao Hollywood dắt díu nhau tới xem tennis, chứng kiến những huyền thoại như Bill Tilden, Arthur Ashe, Stan Smith, Pete Sampras, Boris Becker, Andre Agassi... phô diễn tài năng và nâng cao chiếc cúp ở đó chỉ còn là kỷ niệm.
Người ta chất vấn, chì chiết giám đốc giải đấu Bob Kramer về vụ mua bán này, nhưng thực tế, lỗi không phải là của ông. Ông rao bán giải đấu ấy hai năm rồi nhưng chẳng có một nhà đầu tư Mỹ nào hào hứng để giữ nó ở lại Mỹ. Ngay cả Larry Ellison, người giàu thứ tư thế giới, rất đam mê tennis và hiện là ông chủ của Indian Wells cũng chỉ hỏi chứ không mua.
Bán giải đấu để giải quyết vấn đề tài chính dường như là một xu hướng mới ở Mỹ, nếu có thể coi việc một giải đấu khác cũng đã bị thanh lý không phải là điều bình thường.
San Jose Open, giải đấu lâu đời thứ hai của Mỹ, ra đời từ năm 1889, cũng bị đem bán cho nước ngoài. Từ năm 2014, nó sẽ bị xóa sổ, và ATP sẽ điền tên Rio de Janeiro (Brazil) là chủ nhà của giải đấu.
Cả một vùng bắc California rộng lớn của nước Mỹ từ năm 2014 sẽ trở thành hoang mạc tennis. Nếu ai đó muốn giải khát, họ phải đi xuống phía nam California vào tháng 3 để xem Indian Wells hoặc chờ cho tới mùa thu bay sang bờ đông để xem US Open ở New York.
Huy hoàng chỉ còn trong quá khứ
California với tennis cũng giống như vai trò của tiểu bang này đối với sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nếu như ở đấy, người ta tạo nên thung lũng Silicon với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đưa thế giới loài người đến với những giới hạn không tưởng để California, nếu là một quốc gia độc lập, sẽ có sức mạnh kinh tế đứng thứ tám thế giới.
Thì cũng ở đó, gần một thế kỷ trước, Bill Johnston, một người California chính hiệu, đã chinh phục cả thế giới với cách cầm vợt mới khi đánh cú thuận tay. Cách cầm vợt ấy của ông sau này được gọi là kiểu Western (số bốn), được sử dụng rộng rãi và giúp các thế hệ như Bjorn Borg, Ivan Lendl rồi Sampras, Agassi và tiếp nối là Nadal, Novak Djokovic vươn lên cùng nhau thống trị thế giới.
Western ở đây không phải là phương tây mà chính là sự ám chỉ tới bờ tây của nước Mỹ tiếp giáp với biển Thái Bình Dương (bên kia là châu Á), so với kiểu cầm vợt cổ điển của châu Âu lục địa gọi là Continental và sau đó là kiểu cầm vợt Eastern gắn với bờ đông nước Mỹ gồm 13 bang tiếp giáp với Đại Tây Dương.
Chưa hết, California còn là đất tổ của thứ tennis đang thống trị thế giới hiện nay: Lối đánh toàn sân với Federer và Djokovic là hiện thân xuất sắc nhất.
Ngay chính ở giải đấu San Jose lịch sử, tay vợt vĩ đại Don Budge được Tom Stow, huấn luyện viên huyền thoại, một người California khác, truyền thụ lối đánh toàn sân do ông nghiên cứu, đã chinh phục tất cả.
Ông Obama đã biến sân tennis ở Nhà Trắng thành sân bóng rổ từ năm 2009
Và nỗi đau từ ông Obama
Hồi giữa năm nay, ông Obama đã mời các tay vợt Mỹ tới Nhà Trắng để chơi tennis cùng ông và các em nhỏ được lựa chọn từ khắp các bang nhân ngày Lễ Phục sinh truyền thống của người Mỹ. Nó được USTA, Hiệp hội quần vợt Mỹ, coi như một sự kiện hô hấp nhân tạo cho tennis phong trào Mỹ cũng đi xuống giống như tennis đỉnh cao.
Nhưng từ những hình ảnh truyền đi, người ta giật mình. Ông Obama mặc sơ mi, quần âu và giày tây đế cứng, cầm vợt theo kiểu chẳng giống ai. Và đau đớn hơn (cho USTA), cái sân tennis nằm trong khuôn viên Nhà Trắng, nơi mà cựu tổng thống Gerald Ford từng quần thảo với những trợ lý của ông năm 1975, hay tổng thống George Bush cha từng cặp đôi với Sampras, đã bị ông Obama hoán cải thành sân bóng rổ với hai cột rổ di động và những đường kẻ tròn, cong cong chằng chịt.
Mà cũng nên biết, một niềm đam mê lớn khác của Tổng thống Obama lại là golf, người đã bay tới hơn 50 trận trên những thảm cỏ xanh mướt với bó gậy trong tay cùng quả bóng màu trắng bé xíu chỉ trong ba năm đầu làm ông chủ Nhà Trắng!