Người Myanmar mê võ Việt

Biết Việt Nam từ khi còn nhỏ, rồi được xem các võ sĩ Việt Nam biểu diễn trên truyền hình, vậy mà một người phụ nữ Myanmar đã làm mọi cách để đưa môn võ Việt về quê hương mình.

Mảnh mai, nhỏ nhắn và chẳng liên quan gì với nghề võ, vậy mà nhờ đam mê võ thuật, kèm theo vai trò cố vấn của Ủy ban Olympic Myanmar kiêm tình nguyện viên của Tổ chức Dân số thế giới, bà Dolly Khin Lay Mon được chọn làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Myanmar. Càng tìm hiểu sâu về võ thuật, niềm đam mê càng thêm bùng cháy trong bà.

Trong một dịp được xem tư liệu về các môn võ cổ truyền của những nước lân cận, bà Dolly đã ngỡ ngàng đến ngây người về những đòn thế của môn Vovinam (Việt võ đạo). Bộc bạch về tình cảm của mình khi đó, bà Dolly không giấu được cảm xúc:

“Ngay khi vừa nhìn thấy những đòn chân tấn công từ môn võ đặc thù của người Việt, tôi không ngủ được. Cảm giác thật xúc động như mình vừa có được một điều gì đó mà trước giờ mình vẫn còn thiếu”. Vì thế, thay vì đề cử cho các VĐV Myanmar đi tập huấn nâng cao các môn võ khác, bà Dolly đã mạnh dạn đưa Vovinam vào chương trình huấn luyện của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Myanmar.

Người Myanmar mê võ Việt - 1

Bà Dolly Khin Lay Mon (bìa phải) tại Giải Vô địch Vovinam Đông Nam Á 2013 ở Myanmar. Ảnh: QUANG LIÊM

Trong giai đoạn vừa mở cửa, năm 2011, đất nước Myanmar hầu như chưa kết nối internet hay các phương tiện liên lạc phổ thông với cộng đồng quốc tế. Vì thế, bà Dolly biết rằng muốn hiểu Vovinam thì phải qua Việt Nam, theo như suy nghĩ bấy giờ của người phụ nữ Myanmar này. Bỏ tiền túi mua vé máy bay, bà Dolly nhập cảnh Việt Nam chỉ với một tờ giấy trắng trong túi có 3 chữ “Vovinam”. Tìm đến Ủy ban Olympic Việt Nam, được sự giúp đỡ của nguyên Chủ tịch Tập đoàn Vinatex Lê Quốc Ân, bà lại lặn lội vào đến TP HCM kèm theo cái tên Nguyễn Văn Chiếu ghi thêm trên tờ giấy ban đầu.

Ngồi cùng võ sư Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu tại căn nhà ven kênh Tàu Hũ (quận 8), nghe về chuyện đạo, phẩm chất dạy làm người sau từng thế võ của Vovinam, bà Dolly đã quyết định sẽ cử một đoàn HLV và VĐV qua tập huấn ngay trong những ngày sau đó.

Phương tiện liên lạc yếu kém của Myanamr khi ấy là trở ngại lớn. Do vậy, để có thể trao đổi thông tin, võ sư Nguyễn Bình Định, Trưởng Bộ môn Vovinam TP HCM và bà Dolly phải lập riêng một đường dây nóng để tổ chức công việc cho thật hiệu quả, bên cạnh những chuyến bay Myanmar - Việt Nam khá thường xuyên.

Liên tiếp trong 2 năm 2013-2014, việc tổ chức thành công 2 giải đấu tiền SEA Games và Vô địch Đông Nam Á 2014 cùng giải Vovinam trong chương trình SEA Games 27 (2013) đã khẳng định bước trưởng thành của môn võ Việt này tại Myanmar. Đặc biệt, Liên đoàn Vovinam Myanmar sau khi được thành lập đã đề nghị phía Việt Nam giúp xây dựng giáo trình phù hợp để có thể đưa môn võ này vào hệ thống giáo dục thể chất tại các trường học phổ thông và đại học của họ.

Sự phát triển của Vovinam tại Myanmar khiến bà Dolly hài lòng. Người phụ nữ mê võ Việt mỉm cười thổ lộ: “Tôi yêu Vovinam từ những cái gọi là đạo làm người của Việt Nam...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo báo Người Lao động
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN