Ngậm ngùi phận VĐV khi chấn thương
Nữ kiếm thủ hàng đầu Đông Nam Á Nguyễn Thị Lệ Dung đang chật vật đấu tranh với chấn thương mà nhiều khả năng chị không thể tham dự SEA Games 2017.
Điều này cũng đồng nghĩa Lệ Dung sẽ không hoàn thành được tâm nguyện đoạt chiếc HCV khu vực thứ 10 cho đoàn thể thao Việt Nam.
Kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung (thứ 2 từ trái sang)
Chấn thương của kiếm thủ 32 tuổi không phải mới bột phát. Nó dai dẳng theo Dung từ thời còn là VĐV trẻ. Hai năm trước, chị lặng lẽ rời bục đấu để chữa trị thì đấu kiếm Việt Nam không thể xưng hùng xưng bá ở khu vực Đông Nam Á.
Điều mà trước đó Lệ Dung đã cùng đồng đội góp công giúp đội nhà đoạt tổng cộng 8 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Một năm sau đó, Lệ Dung tiếp tục nén đau để chiến đấu khắp các mặt trận quốc tế… cũng chỉ để giành suất tham dự Olympic Rio 2016. Hậu quả chấn thương của Dung ngày một nặng hơn.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Brazil, bộ môn đề xuất với Tổng cục TDTT đưa Dung sang Singapore chữa trị. Kinh phí dự trù khoảng hơn 1 tỉ đồng vào cuối năm 2016 cũng đã được phê duyệt. Thế nhưng sau đó thì hết gặp khó với thời điểm cận tết, lại đến ngân sách 2017 ngành thể thao bị thu hẹp cùng “lý do” kinh phí 2016 đã quyết toán khiến việc chữa trị chấn thương của Lệ Dung không thể thực hiện được.
Theo chẩn đoán của bác sĩ, nếu chấn thương được chữa trị, Lệ Dung phải mất sáu tháng để hồi phục sau hậu phẫu. Điều này cũng có nghĩa “nữ hoàng kiếm chém Đông Nam Á” không thể thực hiện mục tiêu giành 3 HCV SEA Games cho đấu kiếm Việt Nam tại Malaysia sắp tới.
Sự phản ứng chậm chạp của ngành thể thao đối với chấn thương của các “VĐV con cưng” không phải chưa có tiền lệ. Mới đây nhất, trường hợp của lực sĩ Thạch Kim Tuấn tại Olympic Rio là một minh chứng rõ nét nhất. Từ một trong những ứng viên giành huy chương thế vận hội, Kim Tuấn trắng tay rời Olympic chỉ vì chấn thương của anh trước đó đã không được chữa trị rốt ráo.
Dư luận lo lắng khi với những VĐV đang cống hiến và thu hoạch vàng mà còn gặp nhiều rắc rối trong việc đối xử và chữa trị chấn thương như thế thì những trường hợp như “nữ hoàng vượt rào” Vũ Bích Hường (từng nằm liệt giường) hay VĐV đá cầu Nguyễn Huyền Trang (mắc bệnh ung thư)… bị ngành ngó lơ cũng chẳng có gì lạ.
Trao đổi với chúng tôi, không ít VĐV than thở rằng họ cứ được khuyên là “cứ cháy hết mình đi!” nhưng khi cháy hết rồi lại không có những cư xử đúng mực thì liệu có còn muốn cháy hoặc hướng con em theo nghiệp thể thao?