DANH MỤC

Tinh thần làm nên Djokovic nhưng nó cũng là “con quái vật” quật ngã chính anh trên con đường chinh phục những kỷ lục vĩ đại.

Hai tuần sau sự cố vẩy bóng trúng cổ trọng tài dây ở US Open, Novak Djokovic chơi trận chung kết Masters 1000 thứ 52 trong sự nghiệp của anh. Nole đánh bại Diego Schwarztman sau hai set (7-5, 6-3) dù cho tay vợt số 1 thế giới đã thua ngay ba game đầu.

Sự cố ấy nói như Boris Becker rằng ông đoán một ngày rồi nó cũng xảy ra, nhưng ta có quyền tin rằng Becker cũng không nghĩ tới một kịch bản tồi tệ như thế.

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 3

Còn về sự trở lại nhanh chóng với những trận chung kết của Djokovic, chẳng có gì phải nghi ngờ cả. Sau cơn bão chỉ trích phải hứng chịu từ việc gây nên một sự hỗn loạn cho thế giới tennis khi tự tổ chức giải Adria Tour, Djokovic vô địch luôn Cincinnati Masters. 

Nó cũng giống như khi Djokovic vừa đập gãy một chiếc vợt, xé toang cái ngực áo, trút giận lên trái banh một cách nguy hiểm ở một khoảnh khắc trước đó, thì ít giây sau, anh có thể giao bóng một cú ace, hoặc tung ra một cú trái tay dọc dây cháy lưới. Hoàn toàn trái ngược so với số đông.

Video diễn biến trận chung kết Rome Masters 2020 giữa Novak Djokovic và Diego Schwartzman:

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 4

Quy luật về kiểm soát tâm lý hành vi trong quá trình thi đấu được đúc kết qua hàng thập kỷ với hàng ngàn trận tennis đỉnh cao với hàng vạn tay vợt chứ không hề liên quan tới Djokovic. Thực sự là như vậy suốt 10 năm qua.  

2011 là điểm khởi đầu cho một hành trình vươn lên của Djokovic. Tay vợt người Serbia phá vỡ sự thống trị của bộ đôi Nadal và Federer nhờ sự hoàn thiện về kỹ năng, nâng cao về mặt thể trạng và rõ rệt về tâm lý.

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 5 Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 6

Djokovic không chỉ vượt lên về hiệu số đối đầu. Mà cũng áp đảo về số lần chiến thắng ở set quyết định (set thứ ba hoặc set năm của thể thức 3 hoặc 5 set).

Djokovic còn là người cứu match point, rồi sau đó chiến thắng trong những trận chung kết đi vào lịch sử với Federer ở Wimbledon mấy năm gần đây. Djokovic, nói cách khác, làm lộ ra một hạn chế tâm lý của một Federer tưởng chừng vô cùng lạnh lùng và mạnh mẽ.

“Tình yêu và Hoà bình” không tồn tại trên sân tennis

T

háng 7/2016, tại Wimbledon, Djokovic giới thiệu với cả thế giới một nhân vật đầy bí hiểm, Pape Imaz. Huấn luyện viên? Không. Một chuyên gia thể lực? Không. Một chuyên gia về tâm lý? Mọi người chỉ có thể đoán như vậy.  Vì Djokovic tuyệt đối không giới thiệu, không công bố một chức danh cụ thể nào cho Pape Imaz, người từng là một VĐV tennis chuyên nghiệp, nhưng chẳng có thành tích nào để nhớ.

Rồi sau đó Pape Imaz cũng được nhận diện là ai? Djokovic cần gì từ người đàn ông có mái tóc dài bồng bềnh như một ảo thuật gia ấy? “Love and Peace” (Tình yêu và Hoà bình) là liệu trình tâm lý, hoặc cũng có thể là cái đích mà Djokovic muốn vươn tới, bên cạnh việc anh vẫn kiếm tìm những đỉnh cao trong sự nghiệp.

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 8

Gần 20 tháng gắn bó với Pape Imaz, Djokovic cho cả thế giới thấy những sự thay đổi mà sau này người ta mới biết cái nào là tốt xấu: Một cơ thể mỏng manh hơn khi chuyển sang chế độ ăn chay.

Người ta thấy anh di chuyển dẻo hơn, nhưng lại thiếu sức rướn và sức mạnh trong những màn đấu đỉnh cao. Một vẻ mặt “hoà bình” hơn hẳn, đôi khi không nhận thấy được sự khác biệt trong trạng thái cảm xúc giữa thất bại và chiến thắng. Thậm chí còn có cả những đồn đoán về sự rạn nứt trong gia đình, vì chỉ có em trai của Djokovic là ủng hộ và Marko Djokovic chính là người dắt mối Pape Imaz.

Lần hiếm hoi trong giai đoạn ấy có một sự cố, Djokovic sau khi mồi bóng cho Thiem đoa cháy sân ở trận đấu đầu tiên tại ATP Finals 2016, anh đã cầm trái banh nỉ và đánh nó lên phía khán đài. Bóng nảy lên về phía khu vực huấn luyện viên và người thân của anh, sượt qua chỗ Pape Imaz và may không trúng ai.

Hành vi ấy khiến Djokovic bị cảnh cáo, nhưng là quá hiền so với việc anh đập như ném vợt xuống mặt sân đất nện ở Roland Garros trước đó suýt trúng mặt trọng tài dây.

Phóng viên ở London đã hỏi anh về cả hai tình huống đó, “Tôi chưa từng bị cấm thi đấu, cũng chẳng phải mình tôi mới tức giận”, Djokovic đáp.    

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 9

Gần 20 tháng đi theo Pape Imaz, Djokovic không giành được danh hiệu Grand Slam nào. Chấn thương khuỷu tay là một nguyên nhân. Nhưng nỗ lực thay đổi con người, trở nên “hoà bình” hơn màn tẩu hoả mới là tất cả. 

Và Djokovic quyết định từ bỏ Pape Imaz, để trở về với Marian Vajda, người huấn luyện viên đã gắn bó với anh khi Nole mới chỉ là một nhà vô địch tiềm năng.

Hơn ai hết, Vajda là người hiểu và để cho Djokovic được sống theo đúng bản ngã, thậm chí sẵn sàng đồng điệu với Djokovic như cái cách ông thực hiện một điệu nhảy khiếm nhã trên nắp capô xe hơi trên đường phố Madrid năm 2011 sau khi Djokovic đánh bại Nadal ở trận chung kết Masters năm ấy.  

Số 3 vĩnh viễn

S

ự trở lại này đã đơm trái với 5 danh hiệu Grand Slam nữa cùng việc Djokovic trở lại vững vàng với ngôi số 1 thế giới, trở thành người thành công nhất ở Australian Open, là người đầu tiên và duy nhất cho tới lúc này thâu tóm được trọn bộ 9 ATP Masters 1000 của tennis hiện đại (thậm chí 2 lần).

Với Grand Slam, chưa bao giờ Djokovic gần với Nadal và Federer đến thế (17 so với 19 và 20). Với ATP Masters 1000, Djokovic đã vượt qua cả Nadal rồi cả về lượng (36 so với 35 danh hiệu) lẫn về chất (đủ mọi giải đấu).

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 10 Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 11

Trong giới tennis, thậm chí cả hành tinh thể thao, được so sánh với Federer và Nadal là một may mắn. Djokovic đã vươn tới ngày hôm nay là nhờ biến việc so sánh ấy trở thành động lực chính. Chứ nếu để trở thành vĩ nhân của dân tộc Serbia, nếu để là người hùng, nếu để biến mọi ước mơ khi bắt đầu cầm vợt, Djokovic đều đã đạt được từ rất lâu rồi.

Có điều, thứ dày vò nhất với Djokovic là một vị trí trong lòng của người hâm mộ mà anh không thể nào so được với Federer và Nadal. Cặp huyền thoại này đến với tennis đỉnh cao sớm hơn Nole. Họ truyền cảm hứng, chinh phục và đưa tennis lên một tầm cao mới trên bình diện của tính phổ biến, giá trị thương mại qua các hợp đồng quảng cáo, bản quyền truyền hình cũng như chuyên môn.

Nó giống như một sự ám ảnh đeo đuổi. Cũng có thể các áp lực chi phối cảm xúc và rồi các hành vi đầy rủi ro xuất hiện từ đấy.

Những lần đập vợt, gào thét, xé áo là để giải toả. Cú đánh bóng gần trúng mặt Pape Imaz ở ATP Finals 2016 là chuyển biến dở dang. Cú vẩy bóng về phía sau trúng cổ trọng tài dây giống với những cú vẩy bóng sang phần sân bên kia cho các cô cậu bé nhặt bóng, trong những lần đổi sân đổi giao bóng, là hành vi vô thức và là thói quen lâu năm khó bỏ.

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 12

Nhưng chỉ là số 3 (và khó đổi thay) trong thứ hạng mến mộ có lẽ nên được nhìn nhận như một điều đương nhiên để mở ra một giai đoạn mới: Không cần phải có Tình yêu và Hoà bình để thay đổi bản ngã, nhưng cũng không thể tự đặt mình vào những mối rủi ro đe doạ sự vĩ đại.

Tháng 5/2020, Tạp chí Forbes công bố danh sách những VĐV thể thao thu nhập khủng nhất thế giới, Federer đứng số 1 của mọi môn và tennis, tương ứng là Djokovic đứng thứ 23 và số 2 trong tennis, Nadal thứ 27 và số 3 làng banh nỉ.

Djokovic vượt lên trên Nadal không phải nhờ tiền thưởng (12,4 triệu USD so với 14 triệu USD), mà ở hợp đồng tài trợ (32 triệu USD và 26 triệu USD).      

Tiền quảng cáo tài trợ cũng là một chuẩn mực. Nó phản ánh mức độ nhận diện, phổ biến và tính đại diện cho các thương hiệu. Nó cũng là sự khẳng định chỗ đứng của Djokovic với tennis và cả thế giới thể thao.

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 13

30 tuổi, mong muốn thay đổi. 33 tuổi, nhận ra giới hạn của sự đúng sai. Djokovic chỉ cần để bản ngã được bao bọc bởi giới hạn của luật chơi, của các nguyên tắc tennis đỉnh cao, thì giới hạn về sự vĩ đại có khi là chẳng có giới hạn nào.

Djokovic: Ám ảnh hành trình đi tìm "Tình yêu và Hoà bình" - 14

Content: Phạm Tấn

Media: Đăng Đức

Thứ Tư, ngày 23/09/2020 13:02 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])