Đầu tư phí phạm, tài năng Việt lụi tàn
Điền kinh và bơi lội được xác định là 2 mũi chủ công giúp thể thao Việt Nam tiếp cận đỉnh cao châu lục và thế giới nhưng chính cách đầu tư thiếu khoa học trong nhiều năm đã và đang khiến 2 môn thể thao này lâm cảnh lao đao.
Khi Nguyễn Huy Hoàng lập kỳ tích với 1 HCB và 1 HCĐ bơi lội tại Á vận hội 2018, ít ai biết kình ngư trẻ này chỉ được tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ từ đầu năm 2015 với HLV người Trung Quốc Hoàng Quốc Huy. Trong khi đó, nhiều kình ngư khác đi tập huấn ở các cường quốc bơi như Mỹ, Hungary nhưng thành tích chỉ dừng ở "ao làng" SEA Games.
Ánh Viên (bìa phải) tỏa sáng ở Giải Vô địch châu Á 2016 với 1 HCV, 3 HCĐ Ảnh: Tuấn Đăng
Được đánh giá là một tài năng đặc biệt, Ánh Viên 7 năm qua đã nhận được sự đầu tư cực lớn trong lịch sử thể thao Việt Nam với chi phí tập huấn nước ngoài dao động 4-8 tỉ đồng/năm. Thành tích mà kình ngư quê Cần Thơ mang về thực sự ấn tượng. Ngoài tổng cộng 16 bộ HCV cùng vô số kỷ lục ở 2 kỳ SEA Games, cô còn có thêm tấm HCĐ Á vận hội 2014, HCĐ World Cup 2016, 1 HCV cùng 3 HCĐ châu Á 2016, 2 ngôi vô địch AIMAG 2017… Tuy nhiên, Ánh Viên đang chững lại, thậm chí thụt lùi khi cô trắng tay ở Á vận hội 2018 và mới đây là thất bại toàn diện ở Giải Vô địch thế giới 2019.
Trong khi đó, Nguyễn Huy Hoàng dù chỉ nhận được sự đầu tư thấp hơn rất nhiều lại vươn lên trở thành kình ngư số 1 Việt Nam bằng những thành tích vượt ngoài mong đợi: 1 HCB và 1 HCĐ bơi lội tại Á vận hội 2018; 1 HCV Olympic trẻ 2018, vượt chuẩn A ở cự ly 800 m để giành suất tham dự Olympic Tokyo.
Câu chuyện của Ánh Viên và Huy Hoàng tiếp tục đặt ra cho những nhà quản lý của thể thao Việt Nam bài toán về đầu tư trọng điểm và hiệu quả.
Một năm trước, khi Ánh Viên "chìm" tại Á vận hội 2018, ngành TDTT đã nhắc đến việc điều chỉnh kế hoạch tập luyện, cả việc thay thế hoặc tăng cường HLV cho cô. Sau gần 12 tháng, mọi việc vẫn "án binh bất động" khi những người có trách nhiệm tiếp tục "mù mờ" về những chuyến tập huấn của HLV Đặng Anh Tuấn và cô học trò nổi tiếng của ông. Trong khi đó, Tổng cục TDTT không thể hiện được vai trò đồng hành và trách nhiệm giám sát của mình.
Ở môn điền kinh cũng có những "chuyện khó nói" như vậy. Nhiều người đến giờ vẫn tiếc vì VĐV Lê Tú Chinh chưa thể trở lại Mỹ tiếp tục tập huấn theo chương trình đầu tư đặc biệt của TP HCM, trong khi "nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á" đang rất cần có HLV thích hợp để phát triển tài năng.
Nhiều người nhớ chuyến tập huấn bất thành tại Bulgaria năm 2013 khi các tuyển thủ Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Phương phải tức tốc quay về… Malaysia để tránh rét châu Âu! Hay chuyến đi Mỹ tháng 5-2014 của Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền… với kinh phí dự trù đến 3 tỉ đồng nhưng phải đổi địa điểm tập huấn bởi "lò" đào tạo ở New Jersey là "lò dỏm"!
Những chuyện như trên cho thấy tiền ngân sách đã được xài một cách phí phạm. Cách đầu tư đó chỉ đem đến kết quả duy nhất là làm cho các tài năng dần lụi tàn!
Đấy là quan điểm của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn.