Có những ước mơ chắp cánh từ Wawrinka
Chức vô địch Australian Open của Stan Wawrinka mở ra những ước mơ tươi đẹp nhất cho thế giới tennis rộng lớn.
Giấc mơ của Wawrinka
Trước hết, nó phải là giấc mơ của chính anh. Một giấc mơ vĩ đại mà Wawrinka từ khi còn là một cậu bé đã mong mỏi có ngày vô địch Grand Slam. Chỉ có điều, sau này, khi đứng dưới cái bóng của người đàn anh khổng lồ Federer, nói ra và thực hiện ước mơ ấy không dễ dàng chút nào. Thậm chí, giấc mơ ấy đã chết trong Wawrinka.
Ngay cả năm 2012, Wawrinka chỉ biết nín lặng khi Federer công khai trên báo, chỉ trích phong độ tệ hại của Wawrinka đã khiến họ thất bại ngay từ vòng 2 nội dung đôi nam tennis ở Olympic London 2012. Wawrinka lúc ấy hầu như không có quyền phản bác.
Hay cách đây vài tháng thôi, ngay cả khi Wawrinka suýt thắng Djokovic ở bán kết US Open 2013, cũng không thể tin chức vô địch vĩ đại lại đến ngay từ Grand Slam đầu tiên trong năm 2014, dù anh được cho là một trong hai tay vợt có khả năng tạo bất ngờ nhất bên cạnh Juan Del Potro.
Chỉ hơn ba tháng là quãng thời gian quá ngắn. Bởi từ suýt thắng một trận đấu cho tới vô địch một giải đấu lớn là cả sự khác biệt trong tennis. Thậm chí, đã làm nên một trận đấu để đời cũng không đồng nghĩa với việc anh đã hội tụ đủ các phẩm chất của một nhà vô địch. Đó là câu chuyện của Robin Soderling, người hai năm liên tiếp vào chung kết Roland Garros với một cuộc lật đổ vĩ đại trước Nadal nhưng vẫn tay trắng.
Chức vô địch này đã mở ra rất nhiều hy vọng cho các tay vợt khác
Thế nên Wawrinka cực kỳ xứng đáng, trình diễn thứ tennis tấn công mẫu mực ở Australian Open 2014 thì việc anh lên ngôi ở đó thực sự là những giấc mơ chồng lấn lên nhau. Đó là giấc mơ lần đầu thắng được Nadal sau 13 lần đối mặt để hoàn tất giấc mơ khi bắt đầu theo đuổi sự nghiệp banh nỉ.
Giấc mơ của những người ngoài cuộc
Wawrinka mới chỉ là người thứ hai kể từ sau US Open 2009 giành được Grand Slam ngoài bộ tứ Federer, Nadal, Djokovic và Murray. Người còn lại là Del Potro.
Gần mười năm với 35 Grand Slam đã có tới 34 danh hiệu thuộc về họ với 26 Grand Slam chia đều cho Federer và Nadal, còn sáu Grand Slam khác thuộc về Djokovic và hai cái cho Murray.
Không có môn thể thao nào mà sự thống trị của một nhóm thiểu số nhất định lại đạt tới mức độ đó. Bóng đá không, bóng bầu dục không và Golf, một môn thể thao cá nhân có nhiều nét tương đồng, cũng không.
Điều tích cực của sự thống trị ấy là bộ tứ nói trên đã và đang làm cho môn thể thao này trở nên vĩ đại xét về tầm ảnh hưởng, thu hút fan hâm mộ, biến tennis thành môn thể thao thương mại lớn.
Nhưng mặt trái của nó là tennis đỉnh cao của đỉnh cao trở nên nhàm chán hơn khi mà nhiều cuộc đấu thực sự chỉ bắt đầu từ bán kết ở các giải Grand Slam.
Hàng loạt thế hệ các tay vợt tài năng như Ferrer, Verdasco, Berdych, Almagro, Tsonga, Monfils, Tipsarevic, Gasquet… giống như người thừa ở các giải Grand Slam.
Dĩ nhiên, vấn đề trước hết ở bản thân họ, mà trong số đó có những người thừa tài năng nhưng lại thiếu ý chí. Nhưng nỗ lực thất bại liên tục thì ngay cả mơ ước cũng dần biến mất trong họ. Như đã nói về giấc mơ của Wawrinka ở trên, chứng kiến Federer và Nadal thâu tóm các danh hiệu, anh đã không còn mơ ước nữa. Trên tờ New York Times, Wawrinka nói, “Trước hôm nay (hôm vô địch Australian Open), tôi đã không mong chờ mình lại được chơi một trận chung kết Grand Slam. Tôi cần vài ngày để nhận ra nó (chức vô địch)”.
Và chức vô địch ấy thậm chí còn có thể tác động tích cực tới thế hệ các tay vợt trẻ của hiện tại và tương lai trong một thời điểm mà những tay vợt nằm ngoài top 100 khó có thể kiếm đủ tiền để tái đầu tư, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp chứ chưa nói tới chuyện làm giàu.
Ai bảo trái một tay đã hết thời?
Giấc mơ của trái một tay
Trước buổi tối Wawrinka đăng quang, có một thực tế chắc chắn rằng ở khắp nơi trên thế giới, người ta đang hướng những người bắt đầu đến với tennis dù là đào tạo trẻ hay chơi phong trào sử dụng hai tay để chơi cú trái.
Hiệu ứng từ Nadal, Murray và đặc biệt là Djokovic là không thể cưỡng lại trong xu thế sân tennis ngày càng chậm hơn và bóng càng xoáy hơn.
Mười năm chờ đợi kể từ ngày Gaston Gaudio, người chơi trái bằng một tay cuối cùng (nếu không tính Federer) vô địch Grand Slam (ở Roland Garros) là quá dài.
Và vì thế, cũng có thực tế chắc chắn khác nữa, khi Wawrinka bung cú trái một tay dọc dây để ghi một trong những điểm trực tiếp đầu tiên trước Nadal (kẻ hủy diệt những đối thủ trái một tay) trong trận chung kết, thứ cảm xúc tưởng đã chết theo với cú trái một tay của Federer bỗng sống dậy.
Ở thời điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng Wawrinka là người xuất sắc nhất trong việc sử dụng cú trái một tay. Việc đánh bại được cả Nadal và Djokovic– người có cú trái hai tay siêu việt trong một giải đấu, tự bản thân đã nói lên tất cả.
Có hai điểm đã giúp Wawrinka tạo nên sự khác biệt trên phương diện này, thứ nhất là khả năng đè bóng trái tay giúp anh vẫn đứng ôm sân để tấn công, và thứ hai là Wawrinka dám và rất tự tin bung trái dọc dây ngay trong cú đánh đầu tiên để vượt qua mọi sự phán đoán thông thường.
Từ Wawrinka, có thể tin rằng, khi mặt sân nhanh hơn (chúng ta đã từng bàn về việc Australian Open bí mật làm sân nhanh hơn), và bóng thuận lợi hơn (nặng hơn), các tay vợt chơi trái một tay vẫn có thể có hy vọng. Một thế hệ tương lai mà người gần nhất là Grigor Dimitrov (vào tới tứ kết) đã và sẽ được truyền niềm tin.
Thế giới tennis thực sự cần họ, cho sự đa dạng trong kỹ thuật và lối chơi, bởi chúng ta biết rằng một trong những điều làm nên sự vĩ đại của cặp đấu Federer và Nadal chính là sự khác biệt, tương phản như giữa ngày và đêm.
Thế giới này không chỉ có Big 4
Và hiện thực từ Magnus Norman âm thầm
Australian Open 2014 tưởng như là màn trình diễn của Djokovic và HLV mới của anh, huyền thoại người Đức, Boris Becker. Mãi cho tới khi đánh bại Fognini, tay vợt người Italy, dễ như lấy đồ trong túi, vẫn có thể tin như thế. Djokovic kết thúc trận đấu bằng pha diễn hài trên sân, trong đó có màn quen thuộc là bắt chước động tác của một tay vợt nào đó. Djokovic đã chọn cách giao bóng Boris Becker để mô phỏng lại – không thể có cách tung hứng nào hơn thế.
Rồi Stefan Edberg, một huyền thoại người Thụy Điển (cũng từng giành sáu Grand Slam như Becker) lần đầu xuất hiện ở Australian Open trong vai trò HLV của Federer. Edberg trái ngược với Becker. Edberg hay giấu mình sau cặp kính đen, rất ít nói, và luôn cố tránh báo chí.
Nhìn lại cả quá trình của Federer ở giải đấu này, có những nét tích cực mà có thể tin rằng nó đến từ sự xuất hiện của Edberg bên cạnh việc anh sử dụng cây vợt mới.
Nhưng chỉ có Magnus Norman mới được tôn vinh khi ông là thày của nhà vô địch. Norman có lợi thế hơn Becker hay Edberg, khi ông bắt đầu dẫn dắt Wawrinka từ thasg 4-2013, nhưng so với họ, Norman kém nổi tiếng hơn hẳn. Norman cả sự nghiệp cầm vợt chỉ lọt vào tới chung kết Grand Slam một lần (ở Roland Garros 2000).
Vậy mà ảnh hưởng của Norman lên Wawrinka rất lớn. Ông thay đổi được cho tay vợt người Thụy Sĩ được về lối chơi và tư tưởng (trước đây tự cho mình là một chuyên gia đất nện), về tâm lý thi đấu (tự tin hơn rất nhiều) khi chấm dứt những chuỗi trận thất bại liên tiếp trước cả Djokovic và Nadal, đánh bại Murray (ở US Open) và tỏ ra ở cửa trên so với các tay vợt khác trong top 10 như Berdych (thắng ba trận liên tiếp), quật ngã Ferrer ở trận chung kết ATP tại Bồ Đào Nha.
Và nếu trên thế giới này có một người mà chú Nadal và bản thân anh phải tôn trọng hết mực (ngoài cặp Vajda – Djokovic năm 2011), đó chỉ có thể là Norman.
Chính Norman đã dẫn dắt hai học trò đánh bại Nadal, làm nên hai trong số những cú sốc lớn nhất trong khoảng nửa thập niên. Trước Wawrinka, năm 2009, Norman đã ngồi trên khán đài xem câu học trò của ông lúc ấy là Soderling chấm dứt chuỗi 31 trận thắng liên tiếp của Nadal ở Roland Garros.
Khi Norman khởi nghiệp HLV, ông cùng với những người bạn xây dựng một học viện và chuyên cung cấp các HLV đỉnh cao cho cá tay vợt nhà nghề. Học việc của Norman có tên là “Good to Great” (tạm dịch: Từ Giỏi thành Vĩ đại).
Nếu cái tên đó cũng phản ánh giấc mơ của Norman, việc Wawrinka chiến thắng Australian Open chính là giấc mơ đã thành hiện thực – một chức vô địch vĩ đại.