Chuyện gì sẽ xảy ra với ngành thể thao vào ngày 1/7?
Trong năm 2023, xen giữa SEA Games và ASIAD là một thời khắc trọng đại của thể thao Việt Nam. Từ một cơ quan cấp Tổng cục, ngành thể dục thể thao sẽ tái cơ cấu xuống thành một cơ quan cấp Cục vào ngày 1/7. Không chỉ khác về tên gọi, ngành thể thao sẽ phải thay đổi để nắm bắt xu thế trong tình hình mới.
Xu hướng tất yếu
Từ ngày thành lập cơ quan chuyên trách, ngành thể dục thể thao có phần lớn thời gian là một cơ quan ngang cấp Bộ, được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ. Nhưng kể từ năm 2007 đến nay, mô hình quản lý ngành thể dục thể thao tại Việt Nam đã dần thay đổi. Ngày 31/7/2007, Quốc hội ra Nghị quyết quyết định thành lập Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý chung 3 lĩnh vực.
Tổng cục TDTT sắp tái cơ cấu thành Cục TDTT trong 2 tháng tới.
Ngành thể dục thể thao, từ Ủy ban tương đương cấp Bộ, được sáp nhập trở thành một Tổng cục trực thuộc Bộ. 16 năm trôi qua, Tổng cục Thể dục Thể thao một lần nữa bước vào quá trình tái cơ cấu. Đơn vị này sẽ trở thành Cục Thể dục Thể thao từ ngày 1/7 tới. Trải qua gần 2 thập niên, ngành thể dục thể thao dần tinh giản bộ máy, và mức độ quản lý của nhà nước cũng không cao như trước nữa.
Việc cơ quan quản lý cấp cao nhất của ngành thể dục thể thao được tái cơ cấu từ cấp Tổng cục xuống Cục sẽ không chỉ thay đổi về mặt tên gọi. Ở thời điểm hiện tại, Tổng cục Thể dục Thể thao đang có 6 cơ quan cấp Vụ trực thuộc. Cả 6 đơn vị này cũng sẽ phải tái cơ cấu cùng Tổng cục Thể dục Thể thao, bởi Vụ là cơ quan quản lý tương đương cấp Cục và không thể tồn tại trong Cục.
Nói cách khác, Vụ Thể dục Thể thao quần chúng, Vụ Thể thao thành tích cao (I, II), Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ tái cơ cấu thành các phòng ban thuộc Cục Thể dục Thể thao từ ngày 1/7. Người quản lý cấp cao nhất của ngành thể dục thể thao lúc này là Cục trưởng, thay vì Tổng cục trưởng và các Vụ trưởng chuyên trách như trước.
Bên cạnh đó, quyết định tái cơ cấu ngành thể dục thể thao xuống còn cấp Cục hứa hẹn một làn gió mới trong việc phát triển thể thao chuyên nghiệp, cũng như đón nguồn lực xã hội hóa thể thao. Sau bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ, người hâm mộ sẽ có cơ hội chứng kiến nhiều món ăn tinh thần mới từ thể thao, khi các giải đấu chuyên nghiệp được tổ chức trong thời gian tới.
Học từ bóng đá
Là môn thể thao tiên phong trong phong trào phát triển thể thao chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam có thể được xem như hình mẫu cho những nhà quản lý hướng đến trong tương lai. Những người làm bóng đá Việt Nam đã tiến một bước rất dài trong việc xây dựng các văn bản pháp quy, cấp phép cho VĐV thi đấu, cũng như tổ chức các lớp đào tạo trọng tài, HLV cấp độ quốc gia và quốc tế.
Với bóng đá Việt Nam, quyền tổ chức giải đấu, tổ chức các khóa đào tạo trọng tài và huấn luyện viên thuộc về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Với kinh phí được dựa trên nguồn tiền tài trợ, và phần nào đó là ngân sách nhà nước, VFF sẽ trang trải toàn bộ các khoản tiền cần thiết. Đổi lại, họ có toàn quyền trong việc cấp phép cho VĐV, cấp chứng chỉ hành nghề cho trọng tài, VĐV trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Điều 71 Luật Thể dục Thể thao (ban hành năm 2006, sửa đổi năm 2018) ghi rõ: Liên đoàn Thể thao Quốc gia có quyền và nghĩa vụ trong việc: Tổ chức, quản lý các giải thể thao (khoản 7); Quản lý VĐV, HLV, trọng tài; cử VĐV, đội tuyển thi đấu quốc tế (khoản 8); Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển và tổ chức triển khai, quản lý, điều hành sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt (khoản 10).
Có thể nói, trong khuôn khổ và quyền hạn của mình theo pháp luật, VFF đã làm đúng để trở thành hình mẫu phát triển thể thao tại Việt Nam. Trên phương diện thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, và cả hình ảnh trong mắt công chúng, VFF đã đi trước nhiều môn khác rất xa. Những môn thể thao khác cũng có điều kiện làm được tương tự, nhưng cơ chế cũ khiến họ phần nào gặp khó.
Những ngày qua, câu chuyện về những tranh cãi liên quan đến môn Võ tổng hợp (MMA) tại Việt Nam đã cho thấy một hiện tượng "lạ" trong quản lý thể thao chuyên nghiệp. Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF) muốn đứng ra tổ chức Lớp tập huấn trọng tài quốc gia, với kinh phí do VMMAF chi trả. Ở góc độ quản lý, VMMAF có quyền hạn cấp chứng chỉ trọng tài như VFF, nhưng họ lại không được làm.
Vụ Thể dục Thể thao Quần chúng (Tổng cục Thể dục Thể thao) muốn VMMAF bỏ kinh phí tổ chức Lớp tập huấn, nhưng Vụ mới là bên cấp chứng chỉ trọng tài MMA quốc gia. Xung khắc trong công tác quản lý giữa đôi bên khiến Lớp tập huấn trọng tài MMA quốc gia cuối cùng bị hủy bỏ. Lớp tập huấn này chỉ có thông báo hủy từ Vụ Thể dục Thể thao Quần chúng chưa đầy 10 ngày trước ngày bắt đầu theo dự kiến.
Quan trọng hơn, Lớp tập huấn bị hủy diễn ra trong bối cảnh những người làm MMA Việt Nam đang cần bồi dưỡng công tác trọng tài, nhằm lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Nếu Lớp tập huấn trọng tài MMA quốc gia có bị hủy bỏ nếu được tổ chức sau ngày 1/7? Có lẽ là không, bởi khi ấy ngành thể thao sẽ không có quyền can thiệp vào hoạt động của các liên đoàn thể thao nữa.
Quản lý chồng chéo Những người phát triển MMA tại Việt Nam từ thời gian đầu đã luôn mong muốn quảng bá môn võ này ở trong nước và quốc tế. Họ nuôi khát vọng xây dựng hình tượng một võ sĩ kiêm người hùng như Conor McGregor hay Aung La Nsang (võ sĩ Myanmar từng vô địch ONE Championship). Nhưng việc bị hủy lớp tập huấn trọng tài có thể khiến MMA Việt Nam thiếu một số cán bộ làm công tác chuyên môn thời gian tới. MMA không phải môn thể thao duy nhất chứng kiến tình trạng quản lý chồng chéo giữa Liên đoàn thể thao quốc gia và các cán bộ trực thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao. Điều đó được chứng kiến ở nhiều môn thể thao khác như Bóng chuyền, Quần vợt, nơi danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia luôn là Tổng cục Thể dục Thể thao, thay vì Liên đoàn Thể thao quốc gia giống như trong bóng đá (VFF). Công tác cấp phép tổ chức các sự kiện thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam thuộc về Liên đoàn Thể thao quốc gia. Trong trường hợp sự kiện đó thuộc môn thi đấu chưa có Liên đoàn Thể thao quốc gia, Tổng cục Thể dục thể thao mới là đơn vị cấp phép, thẩm định. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Tổng cục TDTT lại cấp phép cho một số sự kiện Boxing chuyên nghiệp thay vì Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF). |
Nguồn: [Link nguồn]
TPO - Những tranh cãi đã xuất hiện tại SEA Games 32, khi nhiều quốc gia nhập tịch một loạt vận động viên ngôi sao để nhanh chóng gặt hái thành công. Trước vấn đề này, Thái...