Rối loạn cương dương gây "bất lực"?

Dù đã cưới vợ được 2 năm nhưng anh Việt 29 tuổi chưa một lần làm tròn nghĩa vụ của người chồng trong “chuyện ấy”. Và có rất nhiều quý ông trong độ tuổi sung mãn nhưng vẫn bị bất lực như anh Việt. PV đã có cuộc trao đổi với TS. Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội về những “trục trặc” mà quý ông hay gặp phải.

PV: Thưa ông, rối loạn cương dương có phụ thuộc vào tuổi tác? Ông có thể chia sẻ một vài ca rối loạn cương dương “dở khóc dở cười”?

TS.Vương Văn Vệ: Rối loạn cương dương gặp ở nhiều lứa tuổi và tăng theo tuổi tác. Nhưng không có nghĩa là người trẻ không bị bệnh, thậm chí tuổi đôi mươi vẫn không quan hệ tình dục được. Trường hợp này, bệnh là do rối loạn cương dương, không phải không quan hệ thì bệnh tăng lên.

Trong thực hành lâm sàng chúng tôi gặp không ít bệnh nhân hoàn toàn không quan hệ tình dục từ khi cưới và kéo dài suốt 5 năm. Anh N. 30 tuổi, kỹ sư kinh tế cao 1,8m, nặng 74 kg, thân hình cao to vạm vỡ nhưng không thể quan hệ tình dục được. Sau khi đến bệnh viện khám anh N. bị rối loạn cương dương hay (mãn dục sớm). Sau điều trị, anh N. đã “cải thiện được tình hình”, quan hệ tình dục bình thường. Theo tôi, nếu quý ông nào gặp tình trạng này nên đến cơ sở chuyên khoa khám để xác định mức độ bệnh để điều trị kịp thời.

Rối loạn cương dương gây "bất lực"? - 1

Theo TS. Vương Văn Vệ, rối loạn cương dương không phụ thuộc vào tuổi tác. (Ảnh.Bee.net)

PV: Ông có thể lý giải tình trạng “chưa đi đến chợ đã hết tiền” và hiện tượng “yêu” hàng giờ mà không xuất tinh?

TS. Vương Văn Vệ: Tình trạng “chưa đến chợ đã hết tiền” được gọi tên khoa học là hiện tượng xuât tinh sớm. Đây được coi là bệnh lý. Xuất tinh sớm là triệu chứng của suy sinh dục. Trong điều trị, chúng tôi thường gặp các ca xuất tinh sớm hoặc lâu xuất tinh. Cho đến nay, cơ chế của 2 hiện tượng này vẫn chưa rõ ràng. Theo tôi, những quý ông xuất tinh sớm hoặc lâu xuất tinh là do rối loạn cung phản xạ thần kinh tuỷ sống - thẹn.. và rối loạn nội tiết sinh dục như lượng prolactin cao hay suy sinh dục, đặc biệt suy sinh dục tiên phát. ...

Rối loạn cương dương gây "bất lực"? - 2

Xuất tinh sớm là triệu chứng của suy sinh dục. (Ảnh minh họa)

PV: Biểu hiện sớm của “bất lực” ở quý ông là gì thưa ông?

TS. Vương Văn Vệ: Bất lực là một hiện tượng rối loạn sinh lý ở nam giới, còn gọi là “rối loạn cương cứng dương vật”. Đây là một vấn đề rất tế nhị và ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình. Bất lực là mất khả năng hoàn toàn để đạt đến sự cương cứng, không khả năng để làm việc đó hoặc có xu hướng chịu được sự cương trong thời gian ngắn. Những thay đổi này gây khó khăn cho định nghĩa cũng như xác định tỉ lệ bất lực. Bất lực thường có nguyên nhân thực thể như: chấn thương, tác dụng phụ của thuốc. Bất kỳ ảnh hưởng nào làm suy giảm tốc độ máu trong dương vật có ảnh hưởng đến nguyên nhân gây ra bất lực.

Dấu hiệu ban đầu là cương dương kém, ham muốn giảm, tần xuất quan hệ thưa dần, tâm trạng luôn mệt mỏi...lao động hiệu suất giảm, ngủ không ngon giấc, bồn chồn, tâm bât an. Khi có các triệu chứng này nên đi khám và điều trị.

Đa số bác sĩ gợi ý điều trị bất lực là con đường dài, từ ít xâm nhập đến xâm nhập tối đa. Điều này có nghĩa là từ việc đầu tiên là ngưng thuốc có hại. Kế đó là điều trị tâm lý và sửa đổi những thói quen, tiếp sau là dụng cụ hút, thuốc uống, thuốc chích tại chỗ và phẫu thuật đưa thân giả vào (và trong một số hiếm phẫu thuật liên quan với động tĩnh mạch).

PV: Điều trị bất lực như thế nào, thưa ông?

TS. Vương Văn Vệ: Điều trị bất lực có thể áp dụng bằng những phương pháp sau: Điều trị tâm lý: những chuyên gia điều trị dựa trên kỹ thuật làm giảm lo âu trong giao hợp. Người bạn đời giúp áp dụng kỹ thuật này bao gồm sự phát triển dần dần những động tác vuốt ve và kích thích. Những động tác đó cũng được áp dụng khi BL do nguyên nhân thực thể.

Điều trị thuốc: thuốc điều trị bất lực có thể dùng đường uống hoặc chích trực tiếp vào dương vật. Testosterone uống có thể điều trị những người giảm testosterone trong máu. Một số bệnh nhân cũng tuyên bố đạt hiệu quả với một số loại thuốc như: yohimbine hydrochloride, dopamine, serotonin và trazodon nhưng không có một nghiên cứu khoa học nào cho thấy hiệu quả của những thuốc này.

Rối loạn cương dương gây "bất lực"? - 3

Ham muốn tình dục giảm do bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch. (Ảnh minh họa)

PV: Nhiều quý ông mới ở độ tuổi 30 đã cảm thấy nhàm chán khi quan hệ tình dục. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS. Vương Văn Vệ: Quý ông ở lứa tuổi 30 hay còn gọi là “ông ba mươi” là đỉnh cao của tình dục mà lại cảm thấy nhàm chán thì thật đáng báo động. Ham muốn tình dục giảm do nhiều nguyên nhân như tiểu đường, mỡ máu cao, huyết áp cao, bệnh tim mạch... Khi xuất tinh không có cảm giác cực khoái hay mệt mỏi. Quý ông cần đến cơ sở chuyên khoa khám và tìm nguyên nhân để chữa trị hợp lý. Ở lứa tuổi 30 , việc điều trị mang lại hiệu quả rất cao.

PV: Rối loạn cương dương có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, thưa ông?

TS. Vương Văn Vệ: Rối loạn cương dương ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh sản. Trên thực tế, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân vô sinh vì không thể quan hệ tình dục, không xuất tinh được. Thông thường tình dục và sinh sản đồng hành.

PV: Có nhiều người cho rằng thuốc kích dục có thể điều trị rối loạn cương dương. Theo ông, điều đó đó đúng hay sai?

TS.Vương Văn Vệ: Rất nhiều người bị rối loạn cương dương dương đã tự tìm mua thuốc kích dục để điều trị. Có trường hợp còn “hỏng luôn súng” bởi dùng thuốc kích dục sẽ gây cương cứng liên tục. Khi dùng thuốc tuyệt đối phải theo chỉ định của bác sỹ.

PV: Hiện nay có những quý ông tìm đến thuốc Đông y để chữa rối loạn cương dương nhưng cuối cùng“tiền mất tật mang”. Ông có lời khuyên gì với họ?

TS. Vương Văn Vệ:Trong lịch sử ngành Y, Đông y vẫn được đánh giá đúng mức. Trước đây, chưa có Tây Y thì Đông Y có nhiệm vụ chữa bệnh cứu người. Các lương y như Hải Thượng Lãn ông, Biển Thước, Hoa Đà đã để lại nhiều bài thuốc hay chữa bệnh rối loạn cương dương và bệnh nam khoa. Chỉ có những quý ông nào sốt ruột, nhanh chóng tìm đến mấy ông lang băm, bà mế thì dễ “tiền mất tật mang”. Theo tôi nếu muốn điều trị bằng Đông y để “cải thiện tình hình” cần đến những cơ sở Đông y có uy tín và được cấp phép của Bộ Y tế.

PV: Xin chân thành cảm ơn TS!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN