DANH MỤC

Nhiều ngày nay, mỗi biểu hiện trên khuôn mặt, từng biến chuyển của cơ bụng kể cả những động tác chuyển mình của các bệnh nhân COVID-19 ở phòng cấp cứu Bệnh viện Dã chiến 10 (Thủ Đức, TP. HCM) đều được cử nhân gây mê Nguyễn Hữu Lộc đặc biệt chú ý.

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: “Con ruột cũng không làm được như thế…” (P2) - 3

Nhíu mày mạnh để mồ hôi tản ra nơi khóe mắt, Lộc chia sẻ: Mỗi lần bàn giao ca trực, quần áo của y bác sĩ ướt sạch. Làm việc công suất gấp 2-3 lần đã được từng người tập rèn. Có đến hàng chục nhiệm vụ phát sinh, trong nỗi lo âu và tự nguyện của thầy thuốc. Ví như, massage, dỗ dành bệnh nhân vào giấc ngủ, bón thuốc, dìu đỡ đi vệ sinh…

Bản thân cử nhân Lộc chưa quen những công việc này nhưng sự thúc giục của khát vọng nhanh giúp người bệnh phục hồi sức khỏe, nhanh chiến thắng COVID-19 đã tiếp thêm cho anh và đồng nghiệp sức mạnh. Để cổ vũ tinh thần người bệnh, ngay trên chiếc áo bảo hộ kín bưng, Lộc ghi dòng chữ "Biệt đội diệt COVID-19".

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: “Con ruột cũng không làm được như thế…” (P2) - 4

Như bao điều dưỡng khác, gần hết ca trực, đôi tay điều dưỡng Thu Hậu như yếu ớt hơn, phải gồng hết sức mình để massage, đấm bóp cho các bệnh nhân COVID-19 cấp cứu. Hậu bộc bạch: "Chưa qua trường lớp nào nhưng học rất nhanh thôi.

Có người bị nặng, lâu ngày gần như nằm một chỗ. Có người tỉnh lại hay bứt rứt. Mình phải dìu đưa họ vào giấc ngủ, tỉnh dậy thì đấm bóp khắp người. Có đêm cả phòng cấp cứu, tiếng động to nhất vang lên là tiếng bồm bộp của những nhịp massage.

Nhiều y bác sĩ chia sẻ, có hôm sau ca trực uống hết cả lít nước. Trung bình mỗi thầy thuốc kiêm ít nhất 6 nhiệm vụ như: Điều trị chuyên môn; dỗ dành; vệ sinh cá nhân; đấm bóp, massage; đút cơm, cháo; tư vấn tâm lý…

Mang hết sức trẻ của mình, tự nguyện dấn thân vào phòng cấp cứu chăm sóc bệnh nhân, mỗi khi thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trên, bác sĩ Phương Lan lại tự nhủ mình hãy cố gắng, xem bệnh nhân như cha, mẹ mình. 

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: “Con ruột cũng không làm được như thế…” (P2) - 6

BS. Lan bảo rằng có lúc phải dỗ bệnh nhân như "em bé". Vào đây, họ lạc lõng, cô đơn, run rảy, nhất là khi lúc gắn máy thở oxy vào mũi. Cứ nhìn thấy mà rưng rưng. Ám ảnh nhất là những đôi mắt đờ đẫn chứa ẩn nỗi buồn lo mênh mông. Lúc đó mỗi thầy thuốc đều ước mình trở thành "siêu nhân" làm việc mãi mà không mệt.

Như chạy đua với thời gian, cử nhân Nguyễn Văn Lộc chia sẻ: "Khi vận hành bệnh viện này với tổng công suất gần 3.000 giường, chúng tôi đã xuyên ngày đêm biến hầm để xe thành phòng cấp cứu đặc biệt. Từng phút giành giật sự sống cho bệnh nhân. Đến đêm 7/8 đã có nhiều người khỏi bệnh. Họ khóc mãi không ngừng vì hạnh phúc".

Ngồi dậy, tự đi đứng sau nhiều ngày thở oxy, bà Nguyễn Thị Th. run rẩy cầm tờ thông báo được chuyển lên phòng theo dõi bệnh nhân nhẹ. Đôi chân như bị níu lại bởi những nhịp điệu thân quen. Cố kìm lòng nhưng rồi sau vài câu nói, bà Th. khóc òa lên trong sung sướng. Bà thổ lộ rằng: Không diễn tả sao cho hết được. Sự hồi sinh kỳ diệu này không đến từ cao xa, không phải thần thánh ban cho mà đó là sự tận tụy của y bác sĩ. Sự tiến bộ của y học. Ngày nào cũng lau người, bón thức ăn, dỗ uống thuốc, đấm bóp… Giờ thấy mỗi thầy thuốc với mình hơn cả tình thân.

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: “Con ruột cũng không làm được như thế…” (P2) - 7

Chia tay phòng cấp cứu, chuyển qua phòng theo dõi bệnh nhẹ ít ngày để có thể xuất viện, ông Nguyễn T. C như có chút e ngại trong sự khâm phục và biết ơn. Ông C. giãi bày: "Mình vốn nóng tính lại hay dễ buông xuôi. Lúc vào đây cứ giẫy giụa chẳng thiết gì. Cơ thể cứ như rã rời ra. Xua hết thầy thuốc đi, nghĩ đến nước này rồi thì đường nào cũng "về với tổ tiên". Thế rồi từng y tá cứ lăn xả vào thay từng chiếc quần, xoa từng bàn chân, vuốt từng bắt tay, nắm bóp khắp mình. Dịch truyền rồi thuốc sau đó nạp vào đều đều, khỏe dần lên… Sự sống đã dần hiện ra trước mắt là có thật".

Quên khái niệm thời gian, những thầy thuốc ở Bệnh viện Dã chiến số 3 (Thủ Đức, TP. HCM) xem các mốc bệnh nhân ra viện là thời gian đáng nhớ nhất trong những ngày này.

Gác lại mọi chuyện riêng tư, xung phong vào điểm nóng, bác sĩ Trường An tâm tình: Ở đây ai cũng phải kiêm hàng loạt nhiệm vụ hết. Cái gì chưa thạo thì miệt mài làm dần thành quen. Ví như an ủi, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân. Lúc đầu cũng chưa trôi chảy, sau thành quen. Và hơn hết, họ nhìn thấy sự tận tình trong từng việc nhỏ của y bác sĩ nên bừng dậy khát vọng sống. Trong nhọc nhằn nhất, thỉnh thoảng lại xích lại bên nhau chụp tập ảnh đầy khỏe khoắn để biểu thị quyết tâm. Nhưng ngay sau đó về đến phòng nghỉ khi hết cả trực thì toàn thân rã rời.

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: “Con ruột cũng không làm được như thế…” (P2) - 9

Vượt qua cửa tử từ phòng cấp cứu Bệnh viện Dã chiến số 3, ông Mạnh H. nhớ nhất là những lời thủ thỉ của thầy thuốc như người con nói với cha.

Ông bảo mình mắc 3 bệnh nền, tuổi lại cao. Khi vào nằm phòng cấp cứu coi như sự sống chỉ còn tính từng ngày: "Nhưng trong miên man tôi vẫn nghe vẳng bên tai "Bác cố lên. Các bệnh nhân nặng khác vẫn hồi sinh, đã hồi sinh nhiều lắm rồi. Gia đình, người thân, sự tươi đẹp… vẫn đang ở phía trước".

Những chuyện ở phòng cấp cứu này đều giống như chuyện cổ tích nhưng đó lại là sự thật, những ai trải qua đều thấu rõ điều ấy.

Không còn xa lạ cảnh nhiều ca bệnh sốt cao, ho dữ dội, tiêu chảy ra giường, quần áo… nhưng các nhân viên y tế vẫn xúm vào dịu dàng dọn sạch.

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: “Con ruột cũng không làm được như thế…” (P2) - 10

Chưa từng lâm vào cảnh ở một mình, bệnh nhân Thanh Q. nghẹn ngào lòng cảm kích: "Thú thực con ruột mình cũng không ân cần chăm chút được như các thầy thuốc ở đây. Lúc khỏe chưa từng nghĩ có ngày những y tá tuổi đời còn rất trẻ lau chùi, vệ sinh, an ủi mình từng đêm như thế".

Túc trực công tác cấp cứu cả tháng trời, bỗng một ngày soi gương, BSCKI. Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3) thấy mái tóc mình ngả màu trắng.

BS. Công chia sẻ: "Mình là cán bộ nhiều năm ở Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM tăng cường sang đây. Vậy nên công tác chủ đạo là cấp cứu bệnh nhân nặng. Nhiều hôm để ăn cho nhanh cứ đổ cả canh vào để lùa vội sau đó lại lao vào phòng cấp cứu. Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn từng người một. Con COVID-19 này nó rất lợi hại, mình phải "thần tốc" nhanh mới chặn được nó".

Bên trong căn phòng cứu bệnh nhân COVID-19: “Con ruột cũng không làm được như thế…” (P2) - 11

Theo bác sĩ Công, chỉ cần sơ ý virus bùng lên "tác quái" trong người bệnh nhân nặng thì bệnh chuyển biến rất nhanh. Lo cứu người xong thì phải chạy đôn đáo đi lấy cơm, sữa đưa cho người bệnh. Các nhân viên y tế ở đây đều cùng lúc làm đủ các việc như thế.

Mỗi ngày trôi qua với họ đều để lại những dấu ấn khó phai nhạt. Phòng cấp cứu ở đây đã lên đến hơn 30 giường, tương lai còn mở rộng thêm nữa, nhiệm vụ lại nặng nề thêm. Chính vậy, ý chí vững vàng phải được rèn luyện từng ngày. Mỗi khi mệt mỏi, lại nhìn vào phòng cấp cứu để vượt qua. Bởi ở đó bao sự sống đang cần mình, từng phút.

Thôi không còn giật thót mỗi lần nghe tiếng máy monitor, nhiều bệnh nhân chia sẻ: Đựợc bón từng miếng ăn, đút từng thìa cháo khi bên ranh giới cái chết trở về mới thấu hiểu sự nỗ lực của y bác sĩ. Bệnh nhân đói khát lúc nào là được ăn uống ngay lúc đó còn thầy thuốc suốt ca trực 6-8 tiếng hầu như nhịn tất từ ăn uống, đi vệ sinh…

Có người mệt quá chỉ dám nghỉ trong chớp nhoáng. Và như phản xạ đã lập trình sẵn, bất cứ dấu hiệu nào bất thường của bệnh nhân họ lại lao đến nhanh như tia chớp. Từ đó, các ca nguy kịch giảm dần theo…

Sự kiện: Tin tức COVID-19
Thứ Ba, ngày 10/08/2021 14:00 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hà Văn Đạo - Kim Dung ([Tên nguồn])