“Giấy phép hành nghề” của ca sĩ là khán giả

Sự kiện: Sao Việt

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. "Thẻ có chăng chỉ giúp giải quyết vấn đề quản lý thuế. Công cụ hành chính chỉ là hành lang cưỡng bức con người, văn hóa Việt Nam không đi lên bằng một tờ giấy." - Chủ tịch Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam lên tiếng.

Ông Nguyễn Chí Tân, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, cho rằng: Nghệ sĩ chịu trách nhiệm, chịu sự quản lý của khán giả về hình ảnh, tư cách của họ, còn nhà tổ chức chương trình đó phải chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Thưa ông, cấp giấy phép hành nghề cho ca sĩ, người mẫu… có khả thi không?

Ông Nguyễn Chí Tân: Thứ nhất, tôi thấy cấp giấy phép hành nghề dành cho nghệ sĩ cảm giác những nghệ sĩ này không được trân trọng lắm. Thứ hai, về mặt từ ngữ thì đây cũng là từ không hay.

Hơn nữa, Bộ dự định cấp hai loại thẻ, loại dành cho nghệ sĩ được đào tạo bài bản và loại nghệ sĩ không được đào tạo. Nếu thế này thì nghệ sĩ cải lương của phía Nam này được cấp thẻ loại 1 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì cải lương xuất phát từ đờn ca tài tử, họ nghêu ngao hát, học trong dân gian… sau đó tìm hiểu thêm để hát. May mắn hơn nếu được lên thành phố thì có thể đi học lên. Như người được giải “Chuông vàng vọng cổ” mới đây là một em học chưa hết tiểu học, chẳng lẽ lại không được cấp thẻ, hay cấp thẻ loại 2. Vấn đề này thuộc về tài năng. Một số ca sĩ không học trường lớp nhưng họ vẫn đang còn vơ đét trong làng giải trí thì cấp thẻ loại 2 chăng.

Nghệ sĩ chịu trách nhiệm với khán giả

Thưa ông, ở nước ngoài các người mẫu, ca sĩ có giấy phép hành nghề hay không?

+ Theo tôi thấy ở nước ngoài dường như nghệ sĩ không có giấy phép hành nghề, chỉ có các đơn vị tổ chức, sản xuất chương trình mới cần giấy phép. Bởi nghệ sĩ có trách nhiệm trước công chúng. Trách nhiệm này quyết định tình cảm, sự yêu mến của khán giả. Còn vấn đề vi phạm trong quá trình biểu diễn, cơ quan tổ chức, sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Nghĩa là nghệ sĩ được ăn mặc tự do, ngay cả khi lộ nội y, gây phản cảm, thưa ông?

+ Tại liên hoan phim Cannes, ngày 18-5, diễn viên phim Bà nội trợ kiểu Mỹ Eva Longoria diện chiếc váy xẻ tới buổi chiếu phim Psychotherapy Of A Plains Indian, vì vén váy quá cao làm lộ hết vùng nhạy cảm trong khi cô ấy không mặc đồ lót. Ngôi sao Rosario Dawson cũng lại gặp sự cố “lộ hàng” trên thảm đỏ Cannes vì váy xẻ… Tại đây trang phục của các nghệ sĩ là tự chọn, đó là quyền tự do và sở thích của họ. Còn nếu khán giả cảm thấy khó chịu vì sự phản cảm thì cá nhân đó sẽ hứng chịu. Công chúng mà khó chịu, không ủng hộ nữa thì đó là thiệt thòi cho nghệ sĩ. Chứ cơ quan quản lý không can dự. Nhất là môi trường ở châu Âu, vấn đề tự do cá nhân được đặt lên đầu. Nói chung trong nhiều lĩnh vực, ăn mặc hay hành vi ứng xử trong xã hội… nằm ở phạm vi tư cách của người nghệ sĩ.

Nhưng môi trường ở Việt Nam khác so với các nước châu Âu, thưa ông?

+ Đúng vậy, tôi cũng không ủng hộ ăn mặc phản cảm. Nhưng phản cảm ở đây có nhiều kiểu chứ không chỉ ăn mặc hở hang. Nếu trong buổi diễn long trọng mà nghệ sĩ lại mặc bộ trang phục lao động lên sân khấu thì cũng là phản cảm. Tuy nhiên, tôi thấy rằng ở nước ngoài người ta quy định rất rõ nơi nào trẻ con được đến xem, nơi nào người lớn xem. Còn khán giả của mình là tổng hợp. Lâu lâu cả gia đình dẫn nhau đi xem một chương trình. Vì thế khuyến khích các nghệ sĩ không nên ăn mặc phản cảm mà thôi.

“Giấy phép hành nghề” của ca sĩ là khán giả - 1

Ca sĩ Mỹ Lệ là người từng được cấp thẻ hành nghề cách đây gần 15 năm, cô cho biết cô chưa khi nào sử dụng tấm thẻ đó. Trong ảnh: Ca sĩ Mỹ Lệ và diễn viên Khương Ngọc. Ảnh: CTS

Nhà quản lý rối trí

Nhưng sẽ ra sao nếu họ cứ cố tình tạo scandal để nổi tiếng, thưa ông? Nên nếu quy định rõ ràng thì sẽ hạn chế được điều này?

+ Trên thế giới cũng có những chuyện như thế xảy ra, thậm chí một số nhà sản xuất chương trình họ vin vào đó để triển khai tổ chức này nọ. Nhưng việc cấp giấy hành nghề là điều khó có thể làm được. Và thực tế mấy năm trước chúng ta đã từng nhắc đến nhưng không làm được. Ý tưởng này một phần do các trang điện tử trong thời gian qua giật tít, cắt xén khúc này lắp ghép khúc kia để tạo độ “hot”, sau đó một số nghệ sĩ cũng phải lên đính chính. Nhà quản lý cũng trở nên rối trí.

Nhưng khi tổ chức chương trình, nhà quản lý phải biết rõ người tham dự là ai mới cấp phép, thưa ông?

+ Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhiều lần chúng tôi mời ca sĩ nước ngoài về đài biểu diễn thì đâu cần giấy phép hành nghề của họ. Chỉ có điều trước khi tổ chức chúng tôi đưa công văn lên Bộ VH-TT&DL, Cục Tổ chức biểu diễn, trong đó cụ thể có hồ sơ lai lịch và họ sang Việt Nam hát bài này là được. Ca sĩ nước ngoài biểu diễn, họ không có giấy phép hành nghề nhưng mình xem qua các chương trình, qua nhiều con đường ngoại giao, văn hóa, mình mời và họ đồng ý. Đơn vị tổ chức cũng xem lai lịch, xem thành phần ca sĩ này chứ đâu cần giấy phép hành nghề. Ca sĩ nước ngoài hay ca sĩ ở Hà Nội vào hát ở TP.HCM cũng vậy mà thôi. Chương trình này nhà tổ chức muốn mời ca sĩ Ngọc Anh vào hát, chúng tôi cũng sẽ xem cô ấy hát dòng nhạc đó được không, có scandal nào không…

1995-1999: Giấy phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật (cấp cho nghệ sĩ) đã từng được quy định tại Nghị định số 87/CP ngày 12-12-1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Và Quyết định số 32/1999/QĐ-BVHTT ngày 29-4-1999 của bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành Quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

1999-2002: Sau hơn hai năm thực hiện, giấy phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật đã biến tướng thành giấy phép con làm khó khăn cho nghệ sĩ, nhà tổ chức nên đã bị bãi bỏ theo Nghị định số 59/2002/NĐ-CP về việc bãi bỏ một số giấy phép và thay thế một số giấy phép bằng phương thức quản lý khác.

2013: Bộ tiếp tục đưa ra dự thảo Đề án tăng cường quản lý, thực thi quy định pháp luật về biểu diễn nghệ thuật qua cấp chứng chỉ hành nghề. Đề án này đang tiếp tục lấy ý kiến để tháng 9-2013 hoàn thiện ban hành và từ ngày 1-1-2014 sẽ áp dụng vào thực tế - Có chứng chỉ hành nghề mới được diễn.

QUỲNH TRANG

Ông đã từng phải khó xử trong vấn đề trang phục của nghệ sĩ khi mình là người kiểm duyệt chương trình trước khi phát sóng chưa?

+ Dự thảo Quy chế biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cấm trang phục hở rốn nhưng đâu nói là ca sĩ không được mặc hở rốn. Trong khi đó biển diễn có nhiều thứ như ba lê nếu mặc quần dài áo dài thì sao, vũ đạo cũng không thể mặc váy giống ca sĩ được. Có lần tôi tổ chức ở Nhà hát TP.HCM, cô diễn viên khi mặc bình thường không sao nhưng tung tay lên là hở rốn. Khi đó tôi chỉ đạo mua băng đeo của trẻ con đeo vô thì thành không hở rốn, trông vào nghệ thuật không ra gì hết. Lúc đó tôi cũng nói với lãnh đạo Sở Văn hóa Du lịch thực tế như vậy. Tôi nghĩ những người quản lý biết hết nhưng do dư luận nên có phần hốt hoảng.

Nếu có thẻ hành nghề thì liệu khi vi phạm ai sẽ là người xử lý. Nếu ca sĩ hát ở khắp cả nước, vi phạm ở Thái Nguyên thì TP.HCM hay Thái Nguyên xử lý?

Nhưng nghệ sĩ cũng cần công nhận ngành nghề của mình là chính thức, thưa ông?

+ Đúng vậy, nghệ sĩ cũng được xã hội công nhận ngành nghề của mình là chính thức chứ không phải như xưa là gọi là xướng ca vô loài. Nếu là nghệ sĩ có đóng góp cho xã hội thì chúng ta có nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân…

Tôi vẫn cho rằng không nên có giấy phép hành nghề mà nên có thẻ tạm gọi hội viên chẳng hạn. Chúng ta có Hiệp hội Người mẫu, Hội Nông dân, Hội Khuyết tật… thì hoàn toàn có thể có Hiệp hội Nhạc nhẹ. Trong hội có một số luật chính thức của Nhà nước còn một số không. Và hội này là do tự nguyện các nghệ sĩ tham gia.

Nên có hiệp hội

Theo ông, để giải quyết vấn đề này thế nào?

+ Một số nghệ sĩ nằm ở các cơ quan như Nhà hát giao hưởng, đoàn ca nhạc Bông Sen… thì thuộc cán bộ công chức nhà nước và cơ quan này quản lý. Ví dụ ca sĩ Thanh Thúy thuộc biên chế trong quân đội có cần cấp thẻ hành nghề hay không. Chắc chắc là không, vì họ có đơn vị quản lý sự nghiệp rồi. Chỉ đơn vị tổ chức khi mời ca sĩ phải có giấy phép mà thôi. Còn những nghệ sĩ tự do thì đơn vị tổ chức biểu diễn phải chịu trách nhiệm.

Nghĩa là nên bỏ giấy phép hành nghề của nghệ sĩ thưa ông?

+ Nói chung quản lý nên quản lý theo dạng một nghề nghiệp, có nghiệp đoàn và tốt nhất sau khi họ là thành viên các nghiệp đoàn đó. Như Hội Nhà báo có những người là thành viên của Hội Nhà báo. Ngoài ra có thẻ nhà báo do Bộ cấp dành cho những người làm báo đang hoạt động tại một cơ quan báo chí. Tuy nhiên, Hội Nhà báo không quản lý hành nghề mà cơ quan chủ quản quản lý. Nên nghệ sĩ không nên có thẻ hành nghề mà thẻ tạm gọi là hội viên.

Theo ông, từ đâu mà có đề xuất này?

+ Gần đây có chương trình “Đêm hội chân dài” biểu diễn một số nghệ sĩ ăn mặc phản cảm. Duyệt phúc khảo như vậy nhưng thực hiện sai thì cơ quan quản lý đó bị phạt. Do rối loạn trong điều hành mà một phần là do một số trang mạng nên nhà quản lý có phần hơi hốt hoảng. Một bên là muốn tạo scandal, một bên thì muốn giật gân nên cắt xén này kia, cũng có nghệ sĩ phải lên tiếng để đính chính rồi. Chuyện này giống như bán rượu lậu trong quán bar bị cấm nhưng người ta vẫn bán. Nếu sai phạm bị phát hiện thì nơi đó bị xử phạt và vì nhu cầu xã hội như vậy nhưng Nhà nước cấm nên họ phải theo.

Xin cảm ơn ông.

Ông NGUYỄN XUÂN THẮNG, Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội UNESCO Thế giới, Chủ tịch Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam:

Văn hóa Việt Nam không đi lên nhờ một tờ giấy

Quản lý biểu diễn nếu làm không khéo sẽ bất lợi cho Nhà nước lẫn nghệ sĩ. Tôi cho rằng lo âu vì biểu diễn lộn xộn là đúng nhưng áp dụng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực biểu diễn sẽ gây tiêu cực, tệ nạn về mặt xã hội hơn. Đó là đi lùi chứ không phải đi tiến trong quản lý.

Quan điểm của tôi, không phải ca múa hát đều là văn hóa. Văn hóa phải đem lại ý nghĩa, giá trị tích cực cho cuộc sống, tính hướng thượng của văn hóa rất cao. Dù bài hát đó là bài hát buồn, vở kịch đó là bi kịch nhưng người xem vẫn thấy động lực tích cực đó mới là văn hóa.

Xã hội Việt Nam hiện nay biểu diễn hoàn toàn thương mại, vì vậy phải rất cẩn thận khi dùng cụm từ văn hóa cho loại hình này. Thương mại tức kiếm tiền bất luận những giá trị văn hóa mà chú trọng yếu tố giải trí. Giải trí lại xoáy vào những cái dễ dàng được chấp nhận và đi ngược đạo lý, mục đích cao cả, hướng đến những cảm xúc dễ dãi, dục tính miễn sao bán được hàng cho số đông. Không quản lý loại hình này thì nguy hiểm nhưng không thể quản lý bằng tấm thẻ, chứng chỉ hành nghề hay nói rộng ra là công cụ hành chính mà phải bằng phân loại các loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí.

Thẻ có chăng chỉ giúp giải quyết vấn đề quản lý thuế. Công cụ hành chính chỉ là hành lang cưỡng bức con người, văn hóa Việt Nam không đi lên bằng một tờ giấy.

Ở nhiều nước văn minh, nghệ sĩ tên tuổi được công chúng thưởng thức, đón nhận đâu phải bằng giấy phép. Nếu có phổ biến giấy phép thì chỉ có một số nước mê quản chế mới làm.

Ông VÕ TRỌNG NAM, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM:

Tôi không tin thẻ hành nghề có thể khôi phục lại trật tự

Quản lý hoạt động biểu diễn có nhiều cách quản lý chứ thẻ không phải là cây gậy.

Nếu nói một năm qua lộn xộn để cần thiết một thẻ hành nghề tôi cho là không hợp lý. Một năm qua sau khi thực hiện Chỉ thị 65/CT-BVHTTDL về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thì những lộn xộn trong biểu diễn đã tốt hơn.

Điển hình như TP.HCM, mỗi năm vi phạm về biểu diễn nghệ thuật cao nhất khoảng 20 vụ. Trong đó có những vụ do người tổ chức biểu diễn chứ không phải nghệ sĩ; nghệ sĩ vi phạm mỗi năm chỉ vài vụ. Cấp thẻ hành nghề làm gì khi nghệ sĩ vi phạm chỉ một vài trường hợp mỗi năm?

Tôi cũng thấy các nước khác không cần thẻ này. Một sinh viên, học sinh tốt nghiệp trường đào tạo nghệ thuật thì có thể hoạt động bằng tấm bằng tốt nghiệp đó. Bên cạnh đó, nghệ thuật còn là năng khiếu, phải chứng minh qua quá trình biểu diễn và phải thật sự sống trong lòng công chúng là quan trọng nhất chứ không phải sống bằng tấm thẻ. Quản lý nhà nước là quản lý nội dung hoạt động, nội dung chương trình không ổn thì cấm cả chương trình, 1-2 tiết mục không ổn thì bỏ 1-2 tiết mục đó…

Bên cạnh đó, nếu nghệ sĩ hay chương trình vi phạm nặng, sở địa phương đều đề xuất lên bộ yêu cầu cấm hành nghề đối với nghệ sĩ hoặc rút giấy phép kinh doanh với đơn vị tổ chức; trường hợp nào đáng phạt bộ hoặc sở ra thông báo… Chỉ cần như vậy, các đài truyền hình không dám mời, không chương trình nào dám mời… cả nước đã răm rắp làm theo chứ đâu cần phải có một thẻ hành nghề để rút phép người ta?

Quan trọng nhất của quản lý hiện tại không phải là tấm thẻ mà phải bằng chế tài mạnh, tăng cường hậu kiểm. Bộ nên chú tâm lo quy hoạch phát triển nghệ thuật tốt hơn chứ không nên bàn hoài về thẻ hành nghề. Tôi không tin thẻ hành nghề có thể khôi phục lại trật tự của hoạt động biểu diễn!

QUỲNH TRANG

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật HCM)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN