Giải mã phim "Cô gái mất tích" đang gây sốt rạp Việt

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Bộ phim “Cô gái mất tích” khiến Bắc Mỹ phát sốt, truyền thông Việt khen ngợi nhưng cũng có những ý kiến trái chiều.

Bộ phim tạo hiệu ứng nhất mùa thu 2014

Gone Girl (Cô gái mất tích) là tác phẩm tâm lý giật gân ra mắt ở Bắc Mỹ đầu tháng 10 vừa qua và ngay lập tức trở thành phim được "mọt phim" bàn tán. Phim còn được một số nhà phê bình đánh giá cao. Gone Girl đang trở thành hiện tượng trong giới nghiền phim khắp hành tinh.

Giải mã phim "Cô gái mất tích" đang gây sốt rạp Việt - 1

Gone Girl là tác phẩm được người hâm mộ phim thế giới chú ý nhất mùa thu này.

Tờ Huffington Post của Mỹ đưa tin, Gone Girl là tác phẩm được truyền miệng nhiều nhất trong vài tháng trở lại đây, trong khi đó hơn 100 nhà phê bình Bắc Mỹ từng viết bài đánh giá về phim đều đánh giá phim tích cực. Có 90% trong tổng số 124 bài bình luận của giới phê bình được tổng hợp trên chuyên trang điện ảnh Rottentomatoes đều dành lời khen có cánh cho phim.

Nhà phê bình Xan Brooks viết trên Guardian của Anh Quốc về cách bố cục cốt truyện của phim: “Bộ phim của đạo diễn Fincher hấp dẫn chúng ta chạy suốt một kịch bản kịch tính và không hề sơ hở, khiến chúng ta gần như chưa kịp ngỡ ngàng với chi tiết ly kỳ này thì chi tiết khác đã ập đến. Đạo diễn gói câu chuyện căng thẳng tới nỗi chúng ta chỉ việc dán mắt vào đó.”

Manohla Dargis của tờ The New York Times gọi đạo diễn David Fincher là “ông hoàng bóng tối” của màn bạc và nhận định Gone Girl có “bố cục góc máy, dựng phim trên cả tuyệt vời cũng như nhạc trong phim xứng đáng ứng cử giải Oscar.”

Còn cây viết Todd McCarthy của tờ The Hollywood Reporter lại đánh giá cao khả năng diễn xuất của nam chính Ben Affleck và nữ chính Rosamund Pike. Ông nhấn mạnh: “Affleck diễn xuất cân bằng nhất trong phim này, đóng vai một gã chồng vừa khiến người xem đồng cảm vừa gây hoài nghi như một kẻ giết người vô lương tâm. Còn Rosamund Pike thể hiện cả về cảm xúc lẫn thể chất như một nhân vật có tính toán đầy nham hiểm. Và kết quả thật tuyệt vời.”

Tác phẩm ăn khách kỷ lục đến rạp Việt gây tranh cãi

Với đa số lời khen trên truyền thông và hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ ở khán giả, Gone Girl ăn khách kỷ lục ngay từ tuần đầu công chiếu ở Bắc Mỹ. Sau bốn ngày, phim thu về 38 triệu đô, và trở thành một trong số hiếm phim tâm lý ăn khách đến vậy.

Hiện tại, Gone Girl đã thu về 124 triệu đô tính riêng khu vực Bắc Mỹ và 242 triệu đô toàn cầu, một con số ấn tượng với bộ phim có ngân sách 61 triệu đô. Đây cũng được coi là tác phẩm bộc lộ nhiều tài năng nhất của đạo diễn David Fincher kể từ phim “phải xem với sinh viên điện ảnh” Fight Club 1999 (có tài tử Brad Pitt tham gia).

Giải mã phim "Cô gái mất tích" đang gây sốt rạp Việt - 2

Gone Girl đang chiếu tại rạp Việt và gây tranh cãi với người hâm mộ.

Gone Girl công chiếu ở rạp Việt từ ngày 24/10 vừa qua nhưng lại khiến không ít người xem phim Việt tranh cãi. Cùng với nhiều lời khen ngợi còn là những bình luận “bộ phim gây hoang mang” bởi cách xử lý cốt truyện thực sự khó hiểu. Khi phim hết, nhiều người xem đứng dậy trong tâm trạng không đủ thỏa mãn với cách phim kết thúc.

Để lý giải, phải lần ngược về cốt truyện của câu chuyện được chuyển thể từ tiểu thuyết từng ăn khách số 1 trên New York Times năm 2012 của nhà văn Gillian Flynn (bà cũng là biên kịch của phim này).

Cốt truyện của Gone Girl xoay quanh một ông chồng tìm mọi cách đi tìm người vợ đột nhiên bị mất tích, trong khi chính người chồng này đang bị cả cảnh sát, truyền thông và người xem nghi ngờ đã giết vợ. Liệu người chồng có thực sự giết vợ mình hay điều gì đang diễn ra trong câu chuyện vợ chồng gia đình nhiều uẩn khúc này.

Cú chuyển tông gây sốc

Phải nói rằng, Gone Girl có một sự chuyển tông gây bất ngờ - làm không ít người xem phim ngạc nhiên và hoang mang. Nửa đầu phim rất mang tính giải trí, bố trí theo phong cách một phim giật gân và có phần hình sự. Các kỹ thuật bố cục câu chuyện và kể chuyện được đưa ra để khiến khán giả tò mò, hồi hộp. Phim dùng giọng kể của cả hai nhân vật là vợ và chồng. Người vợ kể chuyện bằng những trang nhật ký trong khi đó người chồng khai báo với cảnh sát về chuyện vợ chồng khi bị tra hỏi.

Cốt truyện giữa phim có bất ngờ lớn và thuyết phục, hóa ra khán giả bị cả 2 người kể chuyện lừa. Vai trò của nhân vật người vợ tăng dần. Sau cú bất ngờ này, người xem đã biết rõ tình huống hiện tại của cả hai vợ chồng sau ngày mất tích. Với tâm lý được đạo diễn dẫn dắt từ nửa đầu phim, người xem vẫn đang bị cuốn nhịp giải trí, rất mong chờ anh chồng giải quyết ra sao với cô vợ.

Giải mã phim "Cô gái mất tích" đang gây sốt rạp Việt - 3

Câu chuyện từ tiểu thuyết lên phim đổi tông đột ngột.

Thế nhưng hồi kết của phim khác hoàn toàn với một phim giải trí thông thường – một cao trào lớn trong đó nhân vật chính diện đối đầu với nhân vật phản diện chính và mâu thuẫn kết thúc. Tuy vậy, không có cao trào nào như vậy diễn ra sau đó cả. Thay vào đó, phim đổi tông khá đột ngột và đưa ra cái kết khác thường, bắt người xem phải ngẫm nghĩ về chủ đề ngầm – mối quan hệ vợ chồng sau nhiều năm hôn nhân trước khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Có lẽ nhịp dựng trong tác phẩm điện ảnh kéo dài 139 phút này nhanh hơn nhịp tiểu thuyết gốc, một phần bởi nhà làm phim phải dồn nén hay cắt bỏ nhiều chi tiết được dàn trải trong tiểu thuyết. Vì thế, cái kết đột ngột như “hãm phanh” của phim khiến khán giả có phần bị hẫng và không thỏa mãn, nếu họ mong chờ cái kết của một phim giải trí thông thường. Điểm khác biệt này rất có thể sẽ giúp Gone Girl lọt vào danh sách năm phim cuối cùng tranh Oscar 2015.

Gone Girl phiên bản phim đã dồn nén cả yếu tố nghệ thuật và giải trí. Thắng lớn phòng vé và được lòng nhiều nhà phê bình, nhưng ko hẳn sẽ thuyết phục tất cả. Có lẽ một số người sẽ thích một câu chuyện tự nhiên, không cài cắm, không kỹ thuật nhưng vẫn đưa ra những sự thật hạnh phúc, đau đớn hoặc gây bàng hoàng! Hoặc họ thích một câu chuyện giải trí hoàn toàn để thực sự được sảng khoái

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Vũ ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN