Cười nghiêng ngả với người quê, người phố trong “Ao làng”

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ công chiếu hài kịch có tên Ao làng với khán giả Thủ đô. Đây là hài kịch được NSƯT Chí Trung dàn dựng.

Theo NSƯT Chí Trung, Ao làng sẽ mang khiến khán giả không nhịn được cười khi đề cập đến sự thay đổi của bộ mặt nông thôn, thành thị.

Hài kịch Ao làng gồm 5 chùm tiểu phẩm: Tên làng, Sống thử, Ghen xuôi, Tiếp thị cao cấp Ôsin.

Cười nghiêng ngả với người quê, người phố trong “Ao làng” - 1

Một cảnh trong tiểu phẩm "Sống thử".

Tiếng cười xuất phát từ những mâu thuẫn trong văn hoá của người nông thôn và thành phố. 5 tiểu phẩm là 5 câu chuyện có nội dung hoàn toàn tách biệt kể về cuộc sống của họ.

“Các nghệ sỹ sẽ thể hiện dí dỏm cái nhìn đả kích, châm biếm về những thói hư tật xấu đang tồn tại trong xã hội”, nghệ sỹ Chí Trung nói.

Tiểu phẩm Tên làng được coi như một khúc dạo đầu dẫn dắt, tạo bối cảnh để những người trẻ nông thôn bỏ làng lên thành phố. Một chi tiết sẽ xuất hiện ở đầu và cuối chùm hài kịch, đó là những người ở làng quê này có thói quen… nhổ nước bọt.

Còn với tiểu phẩm Sống thử khắc họa cuộc sống của những cặp đôi sinh viên từ nông thôn lên thành phố trọ học, sống xa nhà. Họ quyết định dọn về “góp gạo thổi cơm chung”, từ đây sẽ xảy ra những chuyện dở khóc dở cười.

Ghen xuôi là cuộc sống của những gia đình 2-3 thế hệ, họ có gốc gác ở nông thôn, nhưng đã chuyển hẳn lên thành phố sinh sống. Ở đó, có những bà mẹ chồng vốn cả đời người sống ở nông thôn được con cái đón lên thành phố ở cùng. Các bà mẹ chồng này mang nặng nét tâm lý “mất tiền mua mâm, phải đâm cho thủng”, nên đã “hành” con dâu thành phố… ra trò để chứng tỏ mẹ chồng nông thôn… chẳng vừa.

Cười nghiêng ngả với người quê, người phố trong “Ao làng” - 2

Cảnh trong tiểu phẩm "Ô sin".

Ô-sin là câu chuyện về mối quan hệ giữa ông bà chủ và người giúp việc. Trong đó, ô-sin vốn là người giúp đỡ bà chủ trong chuyện thu vén công việc gia đình, nhưng hai bên lại dễ dàng trở thành… kẻ thù khi ô-sin nhăm nhe chăm sóc, thu vén luôn cả… ông chủ.

5 tiểu phẩm hài kịch này được xâu chuỗi lại với nhau nhờ một người kể chuyện khá đặc biệt - nhạc sỹ Trương Quý Hải. Để chuẩn bị cho chùm hài kịch Ao làng, nhạc sỹTrương Quý Hải đã sáng tác hai ca khúc có tên Thả đỉa ba ba và Gió quê về thành phố, trong đó, nhạc sỹ viết về làn sóng người nông thôn đổ lên thành phố.

Cười nghiêng ngả với người quê, người phố trong “Ao làng” - 3

Nhạc sỹ Trương Quý Hải tham gia "Ao làng" với vai trò người dẫn dắt câu chuyện.

NSƯT Chí Trung cho biết: “Trương Quý Hải là một người Hà Nội gốc nhưng lại có gương mặt rất “quê”, rất phù hợp để làm người dẫn dắt mạch chuyện cho chuỗi tiểu phẩm hài, tạo ra sự dí dỏm, hài hước cho khán giả”.

Chương trình diễn ra ngày 18,19,20/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ 11 và Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Duyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN