"Góc khuyết" của điện ảnh Việt

Sự kiện: Phim Việt Nam hay

Phim truyện lịch sử đang là một "góc khuyết" của điện ảnh Việt Nam.

Sau 60 năm hình thành và phát triển, Ðiện ảnh Việt Nam sản xuất được khoảng 20 đầu phim lịch sử, một con số quá khiêm tốn. Và hầu hết những tác phẩm này chưa thật sự xứng tầm lịch sử và cũng chỉ dừng lại ở sự kiện chứ chưa khắc họa được rõ nét nhân vật trong phim, trong đó có nhiều danh nhân, anh hùng, những người luôn đồng hành cùng tiến trình lịch sử dân tộc.

Nhìn ra các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc, hầu hết điện ảnh nước nào cũng thực hiện có hệ thống các đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử và từ lâu được coi là trọng điểm sáng tác.

"Góc khuyết" của điện ảnh Việt - 1

Ðêm hội Long Trì, bộ phim truyện lịch sử tương đối thành công của điện ảnh Việt Nam.  

Các tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử của những nước này không chỉ thu hút sự chú ý của công chúng trong nước mà còn có sức lôi cuốn với cả khán giả nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Không ít bộ phim về đề tài lịch sử của họ đã để lại ấn tượng cho người xem Việt Nam như: "Truyền thuyết Ju Mông"; "Vô ảnh kiếm"; "Tư Mã Thiên"; "Thủy Hử"; "Ngọa hổ tàng long"; "Thập diện mai phục"...

Ở Việt Nam, năm 1971, bộ phim Trần Quốc Toản ra quân đã đặt nền móng đầu tiên cho dòng phim lịch sử của điện ảnh nước ta. Từ đó đến nay, chúng ta cũng có được một số bộ phim về đề tài lịch sử như: Ðêm hội Long Trì; Ðường về Thành Thăng Long; Thái sư Trần Thủ Ðộ; Lý Công Uẩn; Tây Sơn hào kiệt; Khát vọng Thăng Long; Long thành Cầm Giả Ca, v.v. Gần đây, khán giả còn có dịp đón nhận hình ảnh nhân vật lịch sử cận đại Hồ Chí Minh qua bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công và Vượt qua bến Thượng Hải.

"Góc khuyết" của điện ảnh Việt - 2

Phim Trung Quốc về đề tài lịch sử đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem (Cảnh phim Tân Thủy hử)

Tuy nhiên, nhìn lại thực tiễn sáng tác nhiều năm qua, có thể nhận thấy, ở mảng đề tài lịch sử, điện ảnh Việt Nam luôn trong "trạng thái ngập ngừng". Ðể sản xuất một bộ phim lịch sử đúng tầm, chúng ta còn hạn chế nhiều mặt như kinh phí, trường quay, trang thiết bị kỹ thuật và đặc biệt là chưa có nhiều kịch bản hay về đề tài này.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số phim Việt Nam về đề tài, nhân vật lịch sử chỉ quan tâm đến mục tiêu như "góp phần tăng cường sự hiểu biết về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc" hay "Giúp thế hệ sau để ghi nhớ, tự hào, biết ơn với những giai đoạn và con người làm nên lịch sử"... mà coi nhẹ ý nghĩa khái quát, những bài học và triết lý mang tính nhân văn.

Chính vì lý do đó, phim về đề tài lịch sử thường không lâu bền và khó vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhà biên kịch Lê Phương khẳng định: Ở mảng phim đề tài lịch sử, cần chọn mặt gửi vàng, phải đầu tư cho người có tài.

Một trong những lý do nữa khiến cho mảng phim về đề tài lịch sử chưa thật sự được quan tâm trong sáng tác, dàn dựng chính là sự thiếu tin tưởng. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, sự thiếu tin tưởng ở đây không phải của công chúng mà của chính những người hoạch định chính sách của ngành điện ảnh nói riêng, của lãnh đạo ngành văn hóa nói chung.

Ngành văn hóa và điện ảnh Việt Nam chưa có chiến lược dài hơi cho phim lịch sử. Vậy phải làm thế nào để điện ảnh nước ta tiến tới một quy trình sản xuất phim ngày càng chuyên nghiệp hơn. Chúng ta rất cần một trường quay chuyên dụng cho phim lịch sử cùng với hệ thống phục trang, đạo cụ được quản lý và khai thác đúng cách, là cơ sở để mỗi dự án sau lại được chiết giảm kinh phí hơn dự án trước đó.

Ðể nhận xét về một bộ phim lịch sử, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, công luận, báo chí hãy phân tích sự thành công, thất bại về mặt chuyên môn của tác phẩm chứ đừng chỉ nhằm vào vấn đề tài chính của dự án đó, hay thời điểm phát sóng, phát hành chiếu rạp, số vé bán được là bao nhiêu.

Sự ồn ào mang hơi hướng tiêu cực từng khiến cho một nhà đầu tư có khát vọng tạo nên một dòng phim lịch sử cho điện ảnh Việt Nam đành ngậm ngùi "cất" kỹ cái khát vọng ấy. Ðó là một trong những nguyên nhân khiến một dòng phim mới manh nha những bước đi chập chững đã dừng bước và có xu hướng lụi tàn.

Cùng chung suy nghĩ trên, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh nhận xét: "Chúng ta chưa hình thành dòng phim lịch sử và luôn gặp phản biện. Có những phản biện không chỉ làm nản chí những ai đã và đang dấn thân vào dòng phim này, mà còn khiến các nhà đầu tư, các nhà phổ biến phim không dám mở hầu bao".

Ðối với các nhà biên kịch, đạo diễn, để thực hiện một bộ phim đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử, bên cạnh việc đặt câu hỏi về các chứng cứ lịch sử luôn phải đặt dấu hỏi về những giai thoại thêu dệt và cả những tình tiết đang nằm trong trí tưởng tượng của mình về nhân vật muốn mô tả.

Những hư cấu đưa vào phim có ý nghĩa, tác dụng gì với hình tượng nhân vật. Mọi thay đổi và sáng tạo trong phim phải thích hợp với ngữ cảnh chung của hoàn cảnh lịch sử bộ phim mô tả. Nhà lý luận phê bình Tô Hoàng cho rằng:

Ngoài tính nghề nghiệp, tính chuyên môn của bản thân, quy trình làm phim truyện lịch sử còn đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên môn (theo kiểu các nhà nghiên cứu) của bản thân biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên, nhân viên hóa trang...

Theo tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Ðiện ảnh: Phim lịch sử Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu cũng do sự lưu trữ hoặc do sự bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta không được toàn vẹn. Khi không có chất liệu lịch sử, các nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim, hóa trang... sẽ khó hình dung ra một cách cụ thể để đưa vào tác phẩm của mình.

Nếu không hội tụ một vốn liếng văn hóa nói chung, vốn liếng lịch sử sâu sắc nói riêng, không có cách đối xử công phu, thận trọng và khách quan, v.v. thì những người làm phim truyện lịch sử khó có thể tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bích Hiệp (Nhân dân)
Phim Việt Nam hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN