Mỹ-Trung khẩu chiến vì kình ngư 16 tuổi
Jiang Zhixue, người đứng đầu cơ quan chống doping thuộc tổng cục thể thao Trung Quốc bác bỏ mọi nghi vấn vô lý đối với HCV của Ye tại London 2012.
Cách đây không lâu, John Leonard, người đứng đầu hiệp hội HLV bơi lội thế giới đăng đàn đặt dấu hỏi về thành tích "không thể tin nổi" của "Super Girl" Shiwen Ye. Trong 50m cuối nội dung 400m hỗn hợp nữ, Ye còn bơi nhanh hơn cả nam VĐV Ryan Lochte - người đoạt HCV nội dung tương tự dành cho nam - tới 0,17 giây.
Leonard lật lại hàng loạt vụ việc đoàn thể thao Trung Quốc vướng phải scandal doping. Ví dụ như 7 VĐV nước này cho kết quả dương tính với chất cấm tại Asian Games 1994 hay 4 người khác bị trục xuất về nước do sử dụng hóc môn tăng trưởng tại giải vô địch bơi lội thế giới 1998.
Bên cạnh đó, ông còn nêu trường hợp nữ VĐV Michelle Smith của Cộng hòa Ireland từng đoạt 4 HCV tại thế vận hội Atlanta 1996. Cô gái này đã bị cấm thi đấu 4 năm do dương tính với các cuộc xét nghiệm doping vào năm 1998.
Kết luận, vị chiến lược gia kỳ cựu của làng thể thao Mỹ cho rằng: Hầu hết những nữ kình ngư lập nên kỳ tích tại một sự kiện lớn đều bị phát hiện sử dụng doping một vài năm sau đó. Ông khẩn thiết kêu gọi một cuộc điều tra từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Ngoài Leonard, cộng đồng mạng trên khắp thế giới cũng không ngừng bàn tán về thành tích gây chấn động của Ye. Phần lớn ý kiến đồng quan điểm với chuyên gia nguời Mỹ.
Thủ trưởng cơ quan phòng chống doping tổng cục thể thao Trung Quốc Jiang Zhixue bác bỏ lời cáo buộc của chủ tịch hiệp hội HLV bơi lội thế giới John Leonard
Đáp trả, thủ trưởng cơ quan chống doping thuộc tổng cục thể thao Trung Quốc, Jiang Zhixue vừa lên tiếng bác bỏ mọi nghi vấn "hết sức vô lý và thiếu cơ sở" nhằm vào Shiwen Ye.
"Tôi thấy chẳng có gì đặc biệt khi một kình ngư Trung Quốc có kết quả tốt cả. Một vài người đã quá bất công với cô bé. Chúng tôi chưa bao giờ đặt dấu hỏi về 8 HCV của Michael Phelps tại Bắc Kinh 4 năm về trước", ông Jiang Zhixue phát biểu trên Tân Hoa Xã.
Ông Jiang còn tiết lộ bí quyết thành công của các VĐV Trung Quốc là chế độ tập luyện và ngủ nghỉ khoa học, điều độ. Trước khi lên đường, tổng cục thể thao nước này còn lấy 100 mẫu thử doping đối với các thành viên tham dự Olympic. Thậm chí, chế độ ăn rất kiêng khem (như hạn chế tối đa dùng thịt) cũng được thiết lập.
"Rất nhiều mẫu thử đã được gửi tới cơ quan chống doping của Anh và tôi khẳng định 100% với các bạn, không có một VĐV nào của chúng ta cho kết quả dương tính với chất kích thích".
Cấp phó của ông Jiang, Zhao Jian chĩa mũi dùi về phía Leonard khi chỉ đích danh vị quan chức này: "Ông Leonard đã cả nghĩ quá rồi. Đừng nghi ngờ bất cứ kết quả tốt nào trong thể thao. Bạn không thể quy chụp một VĐV điền kinh không phải người thường chỉ bởi vì anh ta chạy nhanh. Như vậy quá bất công".
Zhao cung cấp một số thông tin về chương trình chống doping của Trung Quốc: "Hàng năm chúng tôi thực hiện 15.000 mẫu xét nghiệm. Đây là con số gấp đôi nếu so với Úc và chính nước Mỹ".
"Những năm 1990, chúng tôi chỉ thực hiện 65 mẫu xét nghiệm. Đó là lý do có những scandal trong quá khứ. Giờ đây, hệ thống của chúng tôi đã hoàn thiện và các VĐV cũng được đào tạo, giáo dục về việc chống doping. Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều".
Bơi lội Trung Quốc những năm gần đây liên tục dính doping
rái ngược với những tuyên bố hùng hồn về sự trong sạch của VĐV Trung Quốc từ hai quan chức Jiang và Zhao, thông tin một kình ngư bị phát hiện dương tính với doping tại giải vô địch thế giới hồi tháng Ba vừa qua khiến tất cả phải hoài nghi. Li Zhesi, một nữ VĐV 16 tuổi khác của làng bơi lội Trung Quốc đã bị truất quyền tham dự London 2012 do bị phát hiện sử dụng chất cấm. Xa hơn nữa, vào năm 2009, 5 kình ngư trẻ tuổi nước này bị đình chỉ thi đấu do liên quan tới chất Clenbuterol tại giải VĐQG.