Khi tài xế lên tiếng: “Xin đừng hôn em!”
Trên đường phố Đà Nẵng thỉnh thoảng lại xuất hiện những lời cầu khẩn “Nới em vài sai”, Xin đừng hôn em”… Không phải chuyện cự tuyệt tình yêu.
Đó là những lời cảnh giác mà các tài xế thường ghi phía đuôi xe để các xe đi sau nhìn thấy mà khỏi… tông vào mình!
Lời cảnh báo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia được dán phía sau các xe khách, xe buýt, taxi, xe công vụ của ngành GTVT... (Ảnh: HC)
Gần đây người ta thấy các xe buýt, xe taxi, xe công vụ của ngành GTVT... thường dán phía sau xe câu "khẩu hiệu" được Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia in sẵn: "Phía trước TAY LÁI là cuộc sống. NHANH một phút CHẬM cả đời". Đây rõ ràng là lời nhắc nhủ các tài xế phải hết sức thận trọng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là các xe chở khách. Và theo đánh giá của giới tài xế thì câu "khẩu hiệu" lần này xem ra dễ đọc, dễ nhớ hơn rất nhiều so với các câu "khẩu hiệu" trước đó!
Trong thực tế cuộc sống còn có nhiều câu "khẩu hiệu" cũng hết sức ấn tượng. Có bác tài dùng những câu chân phương như “Coi chừng thắng gấp”, “Đề phòng thắng gấp”… Nhưng cũng không ít tài xế dùng những câu bay bướm, đầy ẩn dụ như “Xin đừng hôn em!”. Có bác tài còn… “Việt hoá” tiếng Anh bằng những câu khá buồn cười như “Nới em vài sai”. Chữ “sai” ở đây chính là “size” trong tiếng Anh, đọc trại đi thành “sai”, song vẫn để chỉ khoảng cách an toàn nhất định cần đảm bảo!
Trong thực tế còn có nhiều lời cảnh báo khác hết sức đa dạng (Ảnh: HC)
Có những lời cảnh báo mà nội dung lẫn chữ viết đều khá chân phương (Ảnh: HC)
Chữ viết các câu này cũng rất đa dạng. Có xe viết chữ rất chân phương, và thường là với những chủ xe cũng sử dụng những câu chân phương như nói ở trên. Nhưng cũng có xe viết chữ rất… “phăng-ti-di”, và đó thường là các chủ xe sử dụng những câu bay bướm. Chẳng hạn xe buýt 92K-6465 chạy tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng khi viết câu “Nới em vài sai” đã “phăng” một hồi khiến người ta đọc nhầm thành… “Nói em vài gai”, và… không hiểu gì cả!
Đặc biệt, tài xế xe buýt 43K-1942 chạy tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam kể, có lần anh chở khách qua cầu Hương An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Do cầu này đang sửa chữa nên xe chỉ được lưu thông một chiều. Xe chạy rất chậm, gần như chỉ nhích từng tí và nhờ vậy mà anh tình cờ đọc được một câu ghi ở đuôi chiếc xe cẩu đang phục vụ thi công: “Nếu điều đó xảy ra, cả hai ta đều khổ!”.
Nhưng cũng có những lời cảnh báo mà chữ viết được "phăng-tidi" tới mức đôi khi người đọc... không hiểu gì cả! (Ảnh: HC)
Anh tâm sự: “Một đời ngồi sau vô lăng, tôi đã đọc không ít câu mà các tài xế ghi ở đuôi xe, nhưng đây có lẽ là một trong những câu thú vị nhất. Quả thật, đang yên đang lành, bỗng dưng có xe khác tông vào đuôi xe mình hay mình tông vào đuôi xe khác, thì không chỉ kẻ tông mà người bị tông cũng đều khổ cả. Không thiệt hại về người thì cũng hư hỏng xe cộ, tốn kém tiền của để sửa chữa!”.
Chủ xe khách 43H-5025 đánh giá: “Tôi thấy mấy câu ni thậm chí còn thú vị, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ gây ấn tượng hơn cả mấy câu tuyên truyền về an toàn giao thông treo trên xe của thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông. Câu kéo dài ngoằn, lắm chữ, chạy xe trên đường, ai có thời gian mà đọc cho hết chứ!”.
Đặc biệt là có khá nhiều lời cảnh báo cực kỳ ấn tượng! (Ảnh: HC)
Theo ông, cánh tài xế xe buýt, xe khách đường trung, đường dài, xe vận tải nặng hay xe công trình như xe cẩu, xe lu… thường hay ghi những câu này để cảnh báo an toàn giao thông. Do lẽ, bất cứ một tai nạn nào xảy ra đối với các loại xe này cũng dễ gây hậu quả nghiêm trọng. Có những câu đó ở phía đuôi xe, ít nhiều cũng đem lại cho tài xế chút an tâm về phía sau, nơi họ thường không quan sát hết, rằng đã có sự cảnh báo cần thiết, để mà tập trung xử lý mọi bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở phía trước.
Tuy nhiên, trong khi cảnh báo người khác về đảm bảo an toàn giao thông thì cũng có không ít tài xế lại vi phạm luật giao thông. Dù phía đuôi xe vẫn dán sẵn những câu "khẩu hiệu" kêu gọi những xe chạy phía sau hãy cảnh giác, đừng có "hôn" vào xe mình, nhưng với việc dừng đỗ đón khách trái quy định thì nếu bị xe khác từ phía sau tông vào cũng khó lòng đổ lỗi cho ai. Bởi vậy, cùng với việc cảnh báo người khác, các tài xế cũng phải thường xuyên tự cảnh báo mình. Có như vậy mới thật an toàn cho cả ta lẫn người!