Giải mã "bệnh"nghiện làm đẹp
Không ít người trở thành nô lệ của việc làm đẹp. Giới chuyên môn cho rằng đó là một biểu hiện của bệnh tâm thần.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người, đặc biệt là giới nữ. Nhiều người biết tận dụng những sản phẩm, công nghệ để làm cho mình ngày càng đẹp và duyên dáng hơn. Song cũng không ít người trở thành nô lệ của việc làm đẹp. Giới chuyên môn cho rằng đó là một biểu hiện của bệnh tâm thần.
60 tuổi, 50 lần giải phẫu thẩm mỹ
ThS-BS Lê Tấn Hùng, Phó Trưởng khoa Phục hình thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM từng tiếp nhận ca tư vấn là một phụ nữ gần 60 tuổi, đến nhờ bác sĩ (BS) can thiệp để chỉnh sửa lại hàng loạt bộ phận trên gương mặt. Cả khuôn mặt người phụ nữ này hầu như đã bị biến dạng hoàn toàn: mắt bị lộn mí dưới; mũi bị xơ chai, lỗ mũi gần như tịt hẳn do bị gọt hai bên cánh quá nhiều, sống mũi vẹo; môi méo do bơm silicon; không cười nhưng trên má vẫn có lúm đồng tiền; khuôn mặt méo do nhiều lần căng da… Qua tìm hiểu, BS được biết người phụ nữ này đã bắt đầu đi làm đẹp từ năm 22 tuổi, trải qua năm chục lần giải phẫu thẩm mỹ ở Việt Nam lẫn Thái Lan. Mỗi một bộ phận mắt, mũi, miệng, ngực… đều đã được thẩm mỹ trên dưới 10 lần. Mặc dầu người phụ nữ này yêu cầu sửa cả mắt, mũi, miệng, căng da mặt (dù da bà đã rất căng rồi), nhưng sau khi kiểm tra, BS đã quyết định chỉ can thiệp phần mí mắt dưới bị lộn vì nếu để lâu, bệnh nhân có thể bị khô giác mạc, kết mạc, gây mù lòa.
Ảnh minh họa
Do đã bị can thiệp nhiều lần, da mí mắt của bệnh nhân không đủ để cấy ghép, BS đành phải dùng đến kỹ thuật treo sụn mi dưới vào bề ngoài xương ổ mắt, giúp mí mắt không bị lộn, mắt có thể nhắm lại bình thường.
Theo BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM: Trường hợp nghiện giải phẫu thẩm mỹ như người phụ nữ kể trên không phải là ít, chiếm khoảng 5% số người đến làm đẹp. Nghiện làm đẹp là một dạng bệnh tâm lý mà những người mắc phải không lúc nào vừa lòng với cái mình có, họ luôn mong muốn chỉnh sửa không chỉ nhiều lần một bộ phận trên cơ thể mà còn trên nhiều bộ phận khác nhau. Cụ thể, một bệnh nhân nữ cao 1,55m đã từng đặt túi ngực size C (đã to hơn so với chuẩn) nhưng vẫn thấy không hài lòng, nên đến gặp BS đề nghị được đặt túi ngực lớn hơn nữa. Nhiều cô mang theo cả cuốn tạp chí có in hình các người mẫu châu Âu và một mực đề nghị BS phải làm sao để ngực to như ngực người mẫu. Các cô không hiểu rằng, người mẫu châu Âu thường có chiều cao 1,8m trở lên, trong khi người Việt vốn thấp bé, chỉ khoảng trên dưới 1,6m thì không thể “gánh” bộ ngực như người mẫu được.
Phổ biến nhất là nghiện sửa mũi. Mũi chưa đủ cao, thẳng như diễn viên, ca sĩ X, cũng sửa. Cánh mũi còn to, chưa thon gọn lại tiếp tục sửa. BS giải thích rằng, đặt sống mũi cao bao nhiêu tùy thuộc vào phần da của người muốn nâng mũi. Nếu không đủ da mà cứ muốn mũi quá cao thì sống mũi sẽ bị lộ, rất xấu. Giải phẫu thẩm mỹ chỉ giúp những nét xấu trở nên dễ coi hơn, chứ không phải là chiếc đũa thần có thể “hô biến” một nhan sắc trung bình thành hoa hậu, hay một chú vịt thành thiên nga. Tuy nhiên, không tin lời tư vấn của BS, nhiều chị em cho rằng “BS này không đủ khả năng, mình sẽ tìm đến BS khác”.
Jocelyn Wildenstein - “thảm họa phẫu thuật thẩm mỹ” nổi tiếng thế giới
Sau mũi, ngực, thì giải phẫu thẩm mỹ can thiệp để mắt to hai mí, môi gợi cảm, khuôn mặt thon gọn, xóa vết nhăn, làm ốm… là những bước kế tiếp mà người nghiện làm đẹp hướng tới và muốn “chinh phục”. Họ như người “đẽo cày giữa đường”, luôn nôn nóng, dễ bị tác động bởi những ý kiến khen chê, đặc biệt là những lời chê. Do vậy, thông thường họ không đợi cho vết thương thẩm mỹ cũ lành hẳn, định hình mà vội đi sửa ngay khi nó còn sưng, chưa ổn định, khiến cho các bộ phận trở nên xấu xí, biến dạng.
Chữa bệnh “đẽo cày giữa đường”
Theo TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM, hậu quả trước mắt của chứng nghiện làm đẹp là tốn tiền nhưng không đạt được mong muốn. Do vậy, về mặt tâm lý, những người nghiện làm đẹp luôn lo lắng, suy nghĩ, buồn rầu và bị ám ảnh về việc mình chưa “chuẩn”.
ThS-BS Lê Tấn Hùng phân tích: Chỉnh sửa nhiều lần sẽ khiến da mũi mỏng đi, đầu mũi tụt xuống, vẹo sống mũi; đối với mắt thì có thể gây tổn thương, nhiễm trùng sụn mi, bị lộn mí, mắt nhắm không kín, bị sẹo dính, sẹo co rút (với những vết thương chưa ổn định đã bị can thiệp); với phần ngực thì có thể bị lộ túi ngực nếu đặt kích cỡ quá lớn hay bóc tách nhiều lần; ngực méo, không đều, sẹo xấu. Đặt túi ngực quá to còn khiến lưng thường xuyên bị mỏi, đau, dáng đi trở nên lòm khòm do phải đeo bộ ngực quá khổ…
Những can thiệp thẩm mỹ bằng cách đưa thêm những vật liệu trợ giúp vào nếu có bị biến chứng, sau khi lấy ra có thể trở lại gần như nguyên trạng. Với những phẫu thuật can thiệp mô cứng như cắt gọt cánh mũi, xương hàm, mắt… thì rủi ro càng cao vì một khi các phần trên cơ thể đã bị lấy đi thì mãi mãi sẽ không thể trở lại hình dạng ban đầu. Khi đặt sụn tự thân, những phần đã bám vào cơ thể cũng khó lấy ra hết được, thậm chí có thể gây hoại tử nguyên vùng da. Những chất làm đầy có tác dụng lâu dài (khoảng 10 năm) sẽ lẫn vào mô nên nếu muốn chỉnh sửa cũng rất khó, BS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM cho biết: Với những biểu hiện kể trên, có thể xác định những người thích đi “mông má tân trang” nhiều lần nhưng không bao giờ thỏa mãn đã mắc phải căn bệnh rối loạn tâm thần dạng cơ thể. Bệnh này tập trung ở giới nữ trong độ tuổi trung niên. Căn nguyên của bệnh xuất phát từ những người vốn thiếu tự tin, hay nghi ngờ, nhút nhát, thiếu nghị lực, cảm xúc không ổn định và lại thích phô trương. Khi gặp những tác động từ bên ngoài như thấy những người khác đi làm đẹp, nghe họ bình luận về chủ đề thẩm mỹ, về những khiếm khuyết trên cơ thể, những “người bệnh” tiềm ẩn sẽ thường xuyên soi gương, suy nghĩ và bị ám ảnh về chủ đề làm đẹp, trong họ có sự thôi thúc mãnh liệt cần đi làm đẹp. Sau khi làm một lần, họ lại càng bị tác động nhiều hơn bởi những lời bình luận xung quanh, họ đâm ra dằn vặt, lo âu nên tiếp tục đi chỉnh sửa. Hành trình đi tìm “vẻ đẹp hoàn mỹ” của họ lặp đi, lặp lại và tiếp diễn không có điểm dừng. Họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, lo lắng nên dễ bị mất ngủ, lâu dài bệnh này sẽ dẫn đến trầm cảm. Một nguyên nhân khác dẫn đến căn bệnh này là khi “người bệnh” tiềm ẩn bị stress hay gặp phải cú sốc trong cuộc sống (như chồng ngoại tình, người yêu bỏ, bị chồng hoặc người yêu chê…). Họ tìm đến với làm đẹp để giải tỏa căng thẳng, nhằm mong chồng/người yêu quay trở lại.