Lưu bài Bỏ lưu bài
Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 2

Năm 2020 đi qua đánh dấu nhiều bất ổn chưa từng có với kinh tế thế giới và Việt Nam. Dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều nước trên thế giới là một cú sốc lớn, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu. Các xung đột thương mại giữa các nước, các khu vực; thiên tai, dịch bệnh đã liên tiếp tác động tới Việt Nam.

Có thể nói chưa năm nào các dự báo tăng trưởng kinh tế khó đoán định như năm nay. Dịch Covid-19 đã đảo lộn các tính toán của những cơ quan làm chính sách. Xuất hiện ngay thời điểm đầu năm khi cả nước đang trong không khí vui Xuân đón Tết Nguyên đán Canh Tý, dịch Covid-19 đã lập tức tác động mạnh đến lĩnh vực du lịch, giao thông đặc biệt là hàng không và kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế ngay trong quý I.

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 3

Theo đó, tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, sụt gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 0,5%, mức tăng thấp kỷ lục, trong khi nhập khẩu âm gần 2%. Nhưng hơn thế, dịch đã "ăn mòn" thành quả của các ngành, lĩnh vực những năm trước và hiển hiện rõ trong quý II, khi GDP chỉ tăng trưởng 0,36%, mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, bước sang quý 3 tốc độ tăng trưởng đã quay đầu với mức tăng 2,12%, quý 4 tăng 4,48% và cả năm tăng 2,91%. Tuy đây là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, thì đây là thành công lớn của Việt Nam. Mức tăng trưởng 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91% nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 4 Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 5
Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 6

Để có tốc độ tăng trưởng GDP 2,91%, trong năm 2020, cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp dốc toàn tâm, toàn lực để giữ ổn định kinh tế - xã hội trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Phương châm “mục tiêu kép” vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất được Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt cả năm.

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 7

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam và bắt đầu tác động tiêu cực tới nền kinh tế, Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân và đặc biệt là doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19...Nhiều chính sách được ban hành kịp thời giúp tiếp sức cho nền kinh tế trước tác động của đại dịch.

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 8 Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 9

Tại hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm: "Mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để thể hiện bản lĩnh, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng. Đó là thời điểm lửa thử vàng, gian nan thử sức, càng khó khăn càng nỗ lực, càng nung nấu càng quyết tâm hơn”.

Nhưng khó khăn năm 2020 chưa dừng lại ở đó, dịch Covid-19 đã quay trở lại cộng đồng với ca mắc tại Đà Nẵng khi cả nước đang quyết tâm khôi phục lại nền kinh tế. Rồi các cơn bão liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung; trong đó bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây khiến nhiều người thiệt mạng, gây tổn thất về cơ sở hạ tầng.

Thêm một lần nữa, sức mạnh đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường lại được nhân lên mạnh mẽ hơn. Tại Nghị quyết Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5-3%.

Giữa đại dịch, người đứng đầu Chính phủ đã kêu gọi củng cố 5 mũi giáp công để khôi phục nền kinh tế gồm: Thu hút đầu tư tư nhân trong nước, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế. Nhờ đó đến hết năm kì tích đã đến với kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng GDP thuộc hàng cao top đầu thế giới.

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 10
Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 11

Là năm đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội với diễn biến nhanh và phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn liên tục ký kết, đàm phán và triển khai thành công các hiệp định thương mại quan trọng được thực hiện trong năm nay.

Trong năm 2020, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại (FTA), mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 12

Theo đánh giá của các chuyên gia, các FTA mới được ký kết và thực thi bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục từ các FTA với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, 5 tháng sau khi hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao, trong đó, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỉ USD, tăng gần 12% so với năm trước, xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 12%...

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 13

Với những nỗ lực của Việt Nam đạt được trong năm 2020, nhiều tổ chức quốc tế, định chế tài chính đã dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021 khá tích cực.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam "Điểm lại" của Ngân hàng Thế giới, ngân hàng này đã dự báo năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% và ổn định mức 6,5% các năm tiếp theo.
Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định khủng hoảng Covid-19 dần được kiểm soát, khi vaccine Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam (Tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án):

Điều tích cực nhất trong năm 2020 là khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam so với những năm trước đây đã tốt hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện qua con số tăng trưởng, qua sự phục hồi của một số ngành đã giúp tăng trưởng GDP có thể đạt được con số 2,5-3% trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế ở châu Á đều tăng trưởng âm trong năm nay, ngoại trừ Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 14

Sự chống chịu, khả năng thích ứng là yếu tố vô cùng quan trọng và là nền tảng tốt cho Việt Nam trong những năm tiếp theo. Sự chống chịu, khả năng thích ứng này thể hiện cả từ phía cấp độ của người dân, là tác nhân đầu tiên của nền kinh tế với tư cách là người tham gia vào thị trường lao động, người tiêu dùng, cho đến hộ gia đình, các DN, các cơ quan Chính phủ... Tất cả đã thể hiện sự dẻo dai, linh hoạt thích ứng và đồng lòng trong cả mục tiêu về khống chế dịch bệnh và phát triển kinh tế. Điều này giúp nền kinh tế Việt Nam ở góc độ nào đó đã có kết quả tốt với mục tiêu đặt ra ở hai lĩnh vực, cả phòng chống dịch và phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh. Xuyên suốt quá trình, chúng ta có thể thấy được sự điềm tĩnh và quyết đoán của Chính phủ và sự bền bỉ quyết tâm của các DN và người dân.

Việt Nam đã làm được điều gì giữa đại dịch toàn cầu? - 15

Bên cạnh tăng trưởng dương, một trong những kết quả đạt được rất đáng khích lệ là sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Những con số về tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ không có ý nghĩa quá lớn nếu những cân đối lớn của nền kinh tế không được đảm bảo. Ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa quan trọng bởi nó tạo nền tảng rất tốt cho những năm tiếp theo, đặc biệt là nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp, thu hút đầu tư, kích thích đầu tư tư nhân, khuyến khích tiêu dùng, sự ổn định của hệ thống tài chính, tiền tệ. Covid-19 đã gây ra những xáo trộn lớn của nền kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được những cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là một thành tựu rất đáng ghi nhận.

 

Bài viết: Thùy Linh

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Thứ Sáu, ngày 12/02/2021 13:00 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Thùy Linh - Trung Nam ([Tên nguồn])