Lưu bài Bỏ lưu bài
“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 2

Có thể nói, trong quá khứ, hàng không chỉ chứng kiến một vài lần khủng hoảng và dễ dàng hồi phục. Dịch Sars năm 2003 khiến việc đi du lịch không an toàn nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn ổn. Cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra nhưng di chuyển bằng đường hàng không vẫn an toàn. Thế nhưng, năm 2020 lại là quãng thời gian buồn với ngành hàng không quốc tế trước tác động của đại dịch Covid-19. Các lệnh giãn cách, đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại khiến hàng không vừa mất an toàn cũng như sụt giảm về nhu cầu.

Nhìn toàn cảnh bức tranh ngành hàng không trên toàn thế giới có thể thấy Covid-19 như một làn sương mùa bao phủ tương lai của ngành này. Nhiều dự báo đưa ra, năm 2020, ngành hàng không thế giới có thể lỗ khoảng 118,5 tỷ USD; năm 2021, con số này khoảng 38,7 tỷ USD.

“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 3

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - IATA, lượng hành khách hàng không thế giới năm 2020 sụt giảm khoảng 68% so với năm 2019. Con số này xấu hơn so với bức tranh của IATA dự báo từ tháng 4/2020 ở mức giảm 63%. Qua khảo sát, chỉ 50% số người được hỏi sẵn sàng di chuyển bằng đường hàng không và chờ tới hết năm sau mới đi lại. Hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không thấp hơn so với điểm hòa vốn, do vậy, hầu hết các hãng chỉ còn đủ dòng tiền duy trì hoạt động trong vài tháng.

IATA đánh giá, về mặt tài chính, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng. Trên thế giới, nhiều hãng bay phải tuyên bố phá sản hoặc dừng hoạt động.

Để hỗ trợ các hãng hàng không, đến tháng 9-2020, gói cứu trợ hàng không của các quốc gia đã lên tới 161 tỷ USD. Tuy nhiên, IATA cũng gióng thêm hồi chuông cảnh báo khi các chương trình hỗ trợ ban đầu của Chính phủ cho các hãng hàng không đang dần cạn kiệt, nhưng cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đối với ngành hàng không quốc tế vượt xa mọi dự báo.

Theo IATA, bất chấp việc khai thác lại đang được khởi động, ngành hàng không sẽ “đốt” khoảng 77 tỷ USD tiền mặt trong nửa cuối năm 2020, tương đương với gần 13 tỷ USD/tháng hoặc 300 nghìn USD/phút. Mức thiệt hại có thể giảm nhẹ hơn vào năm 2021 nhưng cũng khiến các hãng hàng không phải chi tiêu trung bình từ 5 đến 6 tỷ USD/tháng.

“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 4
Ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc IATA: Nếu các chương trình hỗ trợ không được thay thế hoặc mở rộng, hậu quả đối với ngành công nghiệp vận tải hàng không sẽ rất thảm khốc. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, các chính phủ trên thế giới đã chi tổng cộng khoảng 160 tỷ USD hỗ trợ cho ngành này dưới các hình thức viện trợ trực tiếp, trợ cấp tiền lương, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhiên liệu bay và thuế dịch vụ liên quan.
Mặc dù đã sử dụng tất cả các biện pháp để cắt giảm hơn 50% chi phí nhưng riêng trong quý II-2020, hàng không thế giới đã mất 51 tỷ USD tiền mặt vì doanh thu sụt giảm tới 80% so cùng kỳ. Ngay cả mùa cao điểm hè vừa qua, các hãng cũng không thể có tích lũy tài chính từ gia tăng sản lượng vận chuyển như thông lệ hằng năm, do vận tải hành khách và hàng hóa chưa phục hồi. Những báo cáo cập nhật hằng tuần của IATA cho thấy, tương lai của ngành hàng không thế giới tiếp tục xấu đi và dự kiến khó chuyển biến khả quan cho đến năm 2022.
“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 5
“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 6

Cuộc khủng khoảng của ngành hàng không xảy ra trên toàn thế giới, và tất nhiên Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nếu như trước năm 2020, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì năm vừa qua Covid-19 thực sự là một “cú sốc” với hàng không Việt Nam.

Tại Việt Nam, thiệt hại do Covid-19 gây ra được ghi nhận là nặng nề nhất trong lịch sử. Các hãng hàng không đều thiệt hại nghiêm trọng. Trong cao điểm, hơn 200 máy bay phải nằm "đắp chiếu" tại các cảng hàng không, hãng bay cạn kiệt dòng tiền, lỗ nặng, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020 Covid-19 "thổi bay" 30.000 tỷ đồng...

Năm 2020, vận tải hàng không quay đầu giảm mạnh so với các năm trước. Sản lượng điều hành bay ước đạt 424.000 chuyến, giảm 548.000 chuyến so với cùng kỳ năm 2019. Hành khách thông qua các cảng hàng không ước đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019.

“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 7

Đỉnh điểm của khủng hoảng là thời điểm tháng 4 khi theo số liệu của Cục Hàng không, trong giai đoạn 19/3-18/4, tổng cộng 5 hãng chỉ khai thác chưa tới 5.000 chuyến bay. Đây là con số thấp kỷ lục của ngành hàng không Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. So với giai đoạn tháng 3, số lượng chuyến bay của hàng không Việt đã giảm hơn 4 lần, từ mức gần 21.000 chuyến.

Riêng đường bay vàng TP.HCM - Hà Nội, trong giai đoạn 16/4 -22/4, các hãng chỉ khai thác tổng cộng 14 chuyến, đồng nghĩa mỗi ngày chỉ có khoảng 2 chuyến bay trên đường bay nhộn nhịp nhất Việt Nam và nằm trong top những đường bay nhộn nhịp nhất thế giới. Không thể khai thác quốc tế và thị trường nội địa bất ổn mỗi khi dịch tái bùng phát, đội bay của các hãng chỉ có thể "nằm sân".

Thời điểm đỉnh dịch, Vietnam Airlines chia sẻ 100 trong tổng số 106 máy bay của hãng nằm sân không thể khai thác vì dịch bệnh. Tương tự, Bamboo Airways chỉ còn 2 trong số 12 chiếc vận hành, số còn lại buộc phải nằm sân. DN hàng không cũng nằm trong tốp đầu về cắt giảm lao động với mức sụt giảm lao động 30,4%, gần gấp hai lần so với mức sụt giảm của các ngành cắt giảm nhiều việc làm như hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; ăn uống; xây dựng… DN quy mô lớn, chi phí cố định nhiều thì tổn thất do dịch Covid-19 gây ra càng lớn.

“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 8
“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 9

Có thể nói, Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ những người nhiễm bệnh mà còn bào mòn cả “sức khoẻ” của nền kinh tế, trong đó trầm trọng nhất phải kể đến hàng không.

9 tháng đầu năm, hai thương hiệu hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air kinh doanh lỗ cả nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho thấy bức tranh kinh doanh của ông lớn ngành Hàng không Việt với khoản lỗ sau thuế gần 4.000 tỷ đồng. Doanh thu trong kỳ của Vietnam Airlines chỉ đạt gần 7.621 tỷ đồng, giảm mạnh so với hơn 25.630 tỷ cùng kỳ năm ngoái.

“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 10

Tương tự, theo báo cáo tài chính quý III hợp nhất , Công ty cổ phần Hàng không Vietjet lỗ gần 925 tỷ đồng sau 9 tháng. Có lợi nhuận trở lại trong quý II nhưng Vietjet tiếp tục lỗ lớn trong quý III khi làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7. Tổng doanh thu của Vietjet trong 3 tháng qua là 2.809 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Gần như toàn bộ doanh thu quý III của Vietjet đều đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không.

Với Bamboo Airways, dù hãng này đã thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn góp từ cổ đông, tăng đội bay, đường bay nhưng dịch Covid-19 khiến doanh thu Bamboo Airways sụt giảm, ước tính Bamboo Airways lỗ bằng 1/3, 1/4 Vietnam Airlines.

Giữa năm 2020, IATA đã đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức lỗ 29 tỷ USD, riêng các hãng hàng không Việt Nam mất khoảng bốn tỷ USD doanh thu.
Vietnam Airline: Lỗ 15.000 tỷ đồng -> được Chính phủ giải cứu.
Pacific Airlines: Lỗ 1.200 tỷ đồng -> phải thực hiện tái cơ cấu.
Vietjet Air: Hoà vốn -> đề xuất vay ưu đãi trong 3-5 năm 4.000 tỷ đồng.
Bamboo Airwway: Chưa thể hoà vốn sau 2 năm cất cánh -> Đề xuất gói cứu trợ của Chính phủ
“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 11

Trong "cơn bão" dịch Covid-19, năm 2020 thiết lập một dấu mốc đáng nhớ khi đón chào thêm 1 hãng bay nữa chính thức “nhập cuộc”.

Ngày 26/12, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) chính thức ra mắt. Dự kiến, tháng 1/2021 Vietravel Airlines sẽ chính thức bay thương mại. Đây là hãng hàng không lữ hành cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không và các gói du lịch trong nước và quốc tế.

Với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỷ đồng, hãng đủ điều kiện để thực hiện dự án khai thác vận tải hàng không trong 50 năm với trên 30 máy bay bao gồm các đối tượng vận chuyển như hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện.

“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 12

Không chỉ vậy, ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1777/QĐ - TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) giai đoạn 1.

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án là từ 2020 đến 2025.

Ngày 5/1/2021, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ chính thức được khởi công xây dựng.

“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 13
“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 14

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) mới đây đã nâng mức cảnh báo về sụt giảm của ngành hàng không toàn cầu năm 2021. Cụ thể, dự báo triển vọng trước đó, IATA dự báo doanh thu năm 2021 giảm 29% so với năm 2019 tuy nhiên, sau đó đã nâng mức sụt giảm doanh thu ngành hàng không lên 46% so với năm 2019.

Theo IATA, đại diện cho 290 hãng hàng không trên thế giới, dự báo trước đó khó trở thành hiện thực do làn sóng lây nhiễm đại dịch Covid-19 mới cũng như các biện pháp hạn chế của chính phủ các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 sẽ tốt hơn.

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống - một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho rằng, ngành hàng không thế giới bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và sẽ phục hồi chậm trong năm 2021 cho đến khi có vắc xin được sử dụng rộng rãi.

“Cơn bão” lịch sử của ngành hàng không - 15

Hành khách quốc tế thường chiếm tỷ lệ đáng kể trong số hành khách nội địa do đó tình hình các chuyến bay quốc tế chậm phục hồi cũng ảnh hưởng đến việc phục hồi lượng hành khách nội địa.

“Do tâm lý e ngại lây bệnh khi đi lại đường hàng không và khả năng hội họp trực tuyến mà không cần phải gặp mặt nhau nên nhu cầu hàng không giảm xuống đáng kể trong tương lai ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Do đó dự báo nhu cầu hàng không trên thế giới cũng như của Việt Nam trong vài năm nữa mới trở lại mức năm 2019 trước khi có đại dịch Covid-19 và mức tăng trưởng cũng thấp hơn trước”, ông Tống khẳng định.

 

Bài viết: Thùy Linh

Trình bày: Nãm Trung Nguyên

Thứ Bảy, ngày 13/02/2021 08:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Trung Nam - Thùy Linh ([Tên nguồn])