Thú vị hậu trường cảnh ăn cơm

Sự kiện: Phim tâm lý

Khán giả tinh ý sẽ nhận ra rằng bát cơm trắng thường xuất hiện nhiều nhất trên tay diễn viên trong cảnh bữa ăn thay vì những đồ ăn khác. Đây cũng chính là một trong những bí mật của các nhà làm phim truyền hình Trung Quốc.

Vấn đề trên từng được một người hâm mộ đặt ra với câu hỏi: "Vì sao khi xem khá nhiều các bộ phim truyền hình, nhân vật thường chỉ ăn cơm thay vì những đồ ăn khác?". Ngay cả phim truyền hình tâm lý tình cảm phản ánh đời thường hay phim thần tượng cũng đều xuất hiện những cảnh nhân vật dùng bữa. Khi quay đến cảnh ăn uống, diễn viên ngồi quây quanh bàn cùng trò chuyện, sau đó ống kính sẽ lấy cảnh diễn viên ăn cơm chứ không phải những đồ ăn khác như mỳ, bánh màn thầu (một dạng giống bánh bao chay) ...

Thú vị hậu trường cảnh ăn cơm - 1

Trịnh Nguyên Sướng (trái) trong cảnh phim It Started with a Kiss (2005) phiên bản Đài Loan.

Thú vị hậu trường cảnh ăn cơm - 2

Cảnh trong phim Hồng Lâu Mộng phiên bản 1987.

Lý do cảnh bữa ăn trong các bộ phim truyền hình thường sử dụng cơm đã được các nhà làm phim giải thích khá đầy đủ dưới đây.

Ăn cơm không phát ra âm thanh lạ, ăn mỳ phải xử lý hậu kỳ

Đạo diễn trẻ Vạn Lý giải thích, cơm bao gồm những hạt rất nhỏ, dù có ăn bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng khó bị phát hiện, đặc biệt khi cảnh quay phải quay đi quay lại nhiều lần. Nếu sử dụng bánh màn thầu, bánh bao hay mỳ, chỉ cần cắn một miếng sẽ phải thay đạo cụ khác nếu phải quay lại.

Với cảnh quay cho diễn viên ăn mỳ, khi quay thường phát ra tiếng động. Diễn viên lúc ăn sẽ tạo ra những tiếng xì xụp, vùng miệng dễ bị mỳ lấp đầy và ảnh hưởng đến giọng nói của diễn viên. Mặc dù những tiếng động trên có thể xử lý hậu kỳ nhưng lại tốn thêm một công đoạn, khá mất thời gian lại vừa tốn nhân lực và ngân quỹ của đoàn. Hơn nữa, khán giả khi xem phim sẽ chú trọng đến nội dung cốt truyện phim thay vì để ý đến việc nhân vật ăn mỳ hay cơm. Vì vậy, sử dụng đạo cụ là cơm thường không gặp những vấn đề như các trường hợp trên.

Thú vị hậu trường cảnh ăn cơm - 3

Thích Tiểu Long và  Hách Chiêu Văn trong phim Thi phong tiểu tử.

Thú vị hậu trường cảnh ăn cơm - 4

Trương Học Hữu và Viên Vịnh Nghi trong phim 72 khách thuê nhà.

Ngoài ra, nếu sử dụng mỳ, sợi mỳ vốn có hình dạng dài, diễn viên khi ăn phải có những động tác như nuốt trọn sợi mỳ, nhai... Do đó, nếu có lời thoại trong lúc quay, sẽ ảnh hưởng đến hội thoại giữa các nhân vật.

Cơm tạo cảm giác hình ảnh tốt nhất

Đạo diễn Thạch Lỗi cho biết: "Dù sao chỉ là một cảnh bữa ăn, vì vậy tốt nhất vẫn là dùng cơm. Một số trường hợp để nhân vật ăn bánh màn thầu hay mì thì khi cần nhấn mạnh đặc sắc vùng miền mới dùng đến". Đạo diễn Thạch giải thích thêm, nếu khi quay cảnh nhân vật ở Thiểm Tây, nhất định với cảnh ăn uống phải xuất hiện hình ảnh tô mỳ.

Tuy nhiên, trong rất nhiều bộ phim, bối cảnh khác biệt giữa miền Nam và Bắc đều được xử lý đại khái, trừ những trường hợp đặc biệt, còn lại sẽ không được chú ý quá cầu kỳ, tỉ mỉ. Hơn nữa, khi sử dụng cơm cho cảnh quay, các món ăn khác cũng phải đi kèm như rau, thịt, cá, canh... sẽ tạo hình ảnh đẹp mắt hơn cho khung hình. Thay vào đó nếu là mỳ, bữa ăn sẽ đơn điệu, nhàm chán.

Thú vị hậu trường cảnh ăn cơm - 5

Cảnh Phùng Viễn Chính và Đới Lập trong phim Đại Minh kiếp.

Thú vị hậu trường cảnh ăn cơm - 6

Lục Nghị trong phim Gia Xuân Thu.

Nói về phong tục ăn uống cũng như khác biệt vùng miền được cư dân mạng  bàn luận rôm rả, đạo diễn Vạn Lý chia sẻ thêm: "Hiện tại, chuyện ăn uống không cứ Nam hay Bắc đều ăn cơm, vấn đề là ít hay nhiều. Người ở thành phố đều ăn cơm là chính, có thể vùng nông thôn phía Bắc do vẫn duy trì thói quen sinh hoạt xưa khi ăn mỳ".

Trên thực tế với các đạo diễn, cho dù kịch bản có yêu cầu nội dung thế nào, chỉ cần đạo cụ không xảy ra trường hợp ngoài ý muốn, cảnh phim phải dùng đến cơm hay mỳ cũng không thành vấn đề.

Dùng cơm thì đẹp nhưng khó "nhằn"

Những cảnh phim sử dụng đạo cụ là cơm thường mang lại hình ảnh đẹp và tạo mỹ quan, tất cả đều do đội đạo cụ về thức ăn của đoàn phim chuẩn bị. Trên phim, khán giả có thể thấy diễn viên ăn khá ngon lành, khiến khán giả như cảm nhận được hương vị của thức ăn. Song thực tế thì, thức ăn có thể nguội ngắt và khó nuốt vô cùng.

Phần lớn đạo cụ thức ăn của các đoàn phim đều không thể ăn được, bởi trong quá trình cất giữ, bảo quản đã được đổ keo trên bề mặt. Đạo diễn Vạn Lý tiết lộ: "Đạo cụ thức ăn được sử dụng nhiều lần trong một thời gian dài, mất vệ sinh là điều không tránh khỏi. Những cảnh ăn của diễn viên chỉ là biểu diễn. Với thức ăn có pha thêm màu sắc hoặc chất bảo quản sẽ được khuyến cáo trước với diễn viên không nên ăn".

Còn với những cảnh quay phải quay lại nhiều lần, nếu quay 20 lần, diễn viên cũng phải ăn 20 lần, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến diễn xuất của nghệ sĩ. Thường sau khi cảnh quay hoàn thành, diễn viên được yêu cầu nôn hết thức ăn trong lúc tác nghiệp.

Mời độc giả xem cảnh hậu trường phim Ngày sống sót/Together (2010) của đạo diễn Diêm Nhiên. Trong đó, nnam tài tử, ca sĩ Hồng Kông Trần Hiểu Đông (Daniel Chan) vừa ăn cơm vừa khóc. Bên cạnh anh là nữ diễn viên Lý Phi Nhi:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Phim tâm lý Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN