Chuyên viên cháy nổ: Nghề “chơi” với tử thần

Cái chết của Phương cháy nổ rấy lên nhiều lo ngại về những nguy hiểm luôn rình rập đối với những người hoạt động trong nghề. Tuy nhiên, những người trong cuộc luôn phải chấp nhận sống chung với "tử thần".

Nghề “tự biên, tự diễn”

Ngay sau cái chết thương tâm của gia đình anh Lê Minh Phương (biệt danh Phương cháy nổ) nhiều người ngoại đạo lẫn trong nghề đều bàng hoàng. Thì ra, bấy lâu nay để có những bộ phim chân thật và có những cảnh nổ hoành tráng trong phim tất cả đều từ một tay của anh tạo nên.

Theo tiết lộ của cascauder Quốc Thịnh thì đa số các loại thuốc nổ mà anh "Phương khói lửa" sử dụng đều do anh tự chế và nguyên liệu được mua chủ yếu tại chợ Kim Biên. Thông tin gây sốc này thực sự đã vén lên bức màn bí mật về một nghề vốn nguy hiểm nay lại càng nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả vì đối với những người như anh Phương cháy nổ hay các an em đồng nghiệp làm ở nghề này, đó là câu chuyện xưa như diễm.

Chuyên viên cháy nổ: Nghề “chơi” với tử thần - 1

Đống tàn tro sau vụ nổ kinh hoàng tại nhà Phương cháy nổ khiến nhiều người bàng hoàng

Họa sĩ Trần Quốc Hùng - người từng có 18 năm thâm niên trong nghề kể rằng, khi mà hầu hết các chuyên viên cháy nổ đều không được đào tạo bài bản thì tất cả đành phải mày mò tự học, tự pha chế và… mang ra ngoài hiện trường tự cho nổ.

Cũng theo một chuyên viên khói lửa xin được giấu tên: “Bao nhiêu năm nay, đội ngũ làm công tác cháy nổ cho phim chỉ chừng đó người nhưng cũng không có ai được đào tạo bài bản về kỹ thuật nghiệp vụ, chủ yếu là tự mày mò, trau dồi và trải nghiệm. Nhưng tôi cho rằng cái gốc của vấn đề chính là quản lý còn yếu. Nói thật, vật liệu cháy nổ phục vụ cho phim trường hiện nay mua ở đâu cũng có, rất nguy hiểm”.

Vì thế cho nên, khi thông tin có sử dụng thuốc nổ TNT để sử dụng trong các cảnh quay với nhiều người là điều sửng sốt thì với những đạo diễn trong nghề như Dũng nghệ “Tôi không có gì bất ngờ với thông tin này vì điều đó hoàn toàn là sự thật”.

Không chỉ tự chế và trực tiếp điều khiển những cảnh quay cháy nổ mà những người làm nghề như anh Phương cháy nổ hay họa sĩ Trần Quốc Hùng, họ còn “cùng ăn, cùng ngủ” với những vật liệu nguy hiểm chết người đó.

Vào đêm xảy ra tai nạn, chiếc ba lô được anh Lê Minh Phương mang về có chứa kíp nổ được chuẩn bị cho một cảnh quay diễn ra vào sáng 24/2 nhưng do có cascadeur trong đoàn bị thương nên bị hoãn. Vì thế, anh Phương đã mang nó về nhà và cuối cùng là tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra.

Còn với anh Quốc Hùng thì những chuyến đi quay xa Hà Nội, súng đạn thậm chí là cả vật liệu nổ anh đều “ôm” trong người, mang lên xe của đoàn phim có cả diễn viên, đạo diễn, quay phim với con số có thể lên đến 16 người. Sau tai nạn của anh Phương, anh Hùng khi nhớ lại vẫn cảm thấy ớn lạnh vì nếu có chuyện gì xảy ra là đã “tiêu” cả đoàn phim.

Việc quyết định xin nghỉ việc này từ tháng 4 năm ngoái của anh Trần Quốc Hùng hoàn toàn có những lý do cực kỳ chính đáng là thế.

Chuyên viên cháy nổ: Nghề “chơi” với tử thần - 2

Những phim nước ngoài, cháy nổ là chuyện dễ như "ngửa bàn tay"

Và càng không có gì ngạc nhiên khi diễn viên Lý Hùng đưa ra so sánh: “Từ phim Sơn Tinh - Thủy Tinh từng khiến diễn viên Công Hậu bị phỏng bụng đến giờ hàng thập kỷ rồi, kỹ thuật cháy nổ của điện ảnh Việt Nam cũng không thay đổi. Kỹ thuật tạo hiệu ứng cháy nổ còn rất thủ công, nghiệp dư, đầy rủi ro. Thời tôi đóng phim Kế hoạch 99, hợp tác với Hồng Kông, diễn viên luôn được an toàn tuyệt đối dù là trong những cảnh quay nổ tung khói bụi mù trời”.

Ta bao giờ chạy được theo Tây

Khi mang câu chuyện về làm nghề cháy nổ hỏi những người từng học chuyên ngành điện ảnh ở nước ngoài hay trực tiếp làm việc với các nhà làm phim châu Á, Hollywood họ đều có những chia sẻ khiến chúng ta sửng sốt.

Đã từng đảm nhận vai trò cascauder cho nhiều bộ phim hành động ở nước ngoài, diễn viên Johnny Trí Nguyễn chia sẻ: “Các cảnh cháy nổ, khói lửa trong phim Mỹ khá an toàn. Khi nổ chỉ làm cho diễn viên văng xa như có ai xô té, chứ không có sức ép gây nguy hiểm hoặc làm bị thương. Đất cát, cành cây văng tung tóe cũng được làm bằng mút xốp hoặc chất liệu mềm, không làm diễn viên bị trầy xước. Nói chung, các cảnh nổ chỉ có lực đẩy, không có sức công phá”.

Có một thực tế cho thấy, rất ít bộ phim ở Việt Nam khi thực hiện phần cháy nổ đáp ứng được một cách an toàn các tiêu chuẩn về kĩ thuật cũng như đảm bảo tính mạng cho cả ekip làm phim.

Vì thế nên mới có chuyện, khi thực hiện bộ phim điện ảnh Ranh giới trắng đen (phim hợp tác 4 nước Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia) thì phía các đối tác nước ngoài nhất quyết mang ekip thực hiện các cảnh quay cháy nổ của họ sang. Theo tiết lộ, như thế họ mới thực sự yên tâm để thực hiện những pha hành động nguy hiểm trong đó có khá nhiều cảnh bắn súng mà nếu làm sơ xài rất có thể sẽ khiến các diễn viên, ekip bị thương.

Chuyên viên cháy nổ: Nghề “chơi” với tử thần - 3

Áo lụa Hà Đông có những cảnh quay cháy nổ chân thật nhưng để làm nó không hề đơn giản

Một trường hợp cũng rất đáng hoan nghênh đó là ở hãng phim Vietcom. Khi được hỏi về chuyện cháy nổ, chị Nguyễn Thị Bảo Trâm – giám đốc hãng phim cho hay: “Chúng tôi chủ yếu làm phim truyền hình, có những cảnh cháy còn cảnh nổ thì hầu như không có. Khi thực hiện những cảnh cháy nhà, chúng tôi thường dựng lên các căn nhà giả bằng tre nứa, hay gỗ tùy từng yêu cầu. Sau khi quay hết các cảnh bên lề, phải đến thời điểm cuối cùng chúng tôi mới dám tiến hành cảnh cháy. Thông thường, những nhân viên phụ trách cảnh này đều được đi học tập huấn về phòng cháy chữa cháy và có chuẩn bị khá kỹ”.

Chị Trâm cũng cho biết thêm: “Để đảm bảo an toàn, phía công ty chúng tôi cũng cử một số nhân viên đi tập huấn và luôn có thêm 2-3 người hỗ trợ tổ thiết kế và các chuyên viên cháy nổ khi thực hiện cảnh quay. Trước đó, cả thiết kế sản xuất, đạo diễn, diễn viên đều có sự bàn bạc vô cùng kỹ lưỡng đảm bảo an toàn tuyệt đối”.

Là một người từng theo học khóc học làm phim tại trường Đại học Nam California, chị Trâm tâm sự từng có cơ hội ghé thăm phim trường tại Hollywood để thăm quan những cảnh quay cháy nổ.

Theo chị được biết thì ở nước ngoài họ làm chuyên nghiệp và tính toán kỹ từng vật liệu rất nhỏ và các cảnh cháy nổ đều nằm trong tầm kiểm soát. Quy mô cảnh quay, đội ngũ cứu thương, chữa cháy đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Cả khu vực quay phim cũng được kiểm soát chặt chẽ để không có bất kỳ ai không có trách nhiệm được lọt vô.

Theo nhà quay phim Lý Thái Dũng - Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Hãng phim Truyện Việt Nam, điện ảnh thế giới đã tiến một bước dài với công nghệ hiện đại, còn chúng ta vẫn rất lạc hậu.

Cho đến thời điểm này, chỉ có Hãng phim truyện Việt Nam là đơn vị duy nhất có tổ cháy nổ, trong đó có 1 chuyên viên được đào tại bài bản tại Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Hãng này cũng có một kho thuốc súng cách hãng 20km, nằm xa khu dân cư.

Chuyên viên cháy nổ: Nghề “chơi” với tử thần - 4

Đừng đốt là một trong số ít phim Việt phần cháy nổ được làm khá an toàn

Hãng phim Giải phóng cũng có tổ cháy nổ với những người làm nghề có chuyên môn được học tập, đào tạo bài bản. Toàn bộ thuốc nổ đều được gửi trong kho quân đội, khi dùng mới xin phép lấy ra.

Thực tế cho thấy, hiện tại chỉ có 1 số ít phim Việt như: Giải phóng Sài Gòn, Huyền thoại C1, Mùi cỏ cháy, Đừng đốt… là các quy trình cháy nổ được kiểm soát nghiêm ngặt. Trong khi đó, mỗi năm phim Việt có cả chục phim điện ảnh ra rạp cùng hàng chục ngàn tập phim truyền hình lên sóng. Câu chuyện cháy nổ đang là hồi chuông báo động nhưng nó vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Hậu vụ việc của Phương cháy nổ, nhiều câu hỏi đặt ra là những người làm nghề như anh và các đồng nghiệp khác được bảo hiểm và đền bù như nào khi đương đầu với những tai nạn nghề nghiệp. Đón đọc bài viết: Thề không bao giờ đóng cảnh cháy nổ ? trên mục PHIM lúc 0h30 ngày 5/3/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khôi Nguyên
Phim trường như.... chiến trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN