Vì sao TP.HCM không có cảnh "đạp đổ cổng trường"
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, 10 năm trước đây việc tuyển sinh đầu cấp tiểu học cũng căng thẳng như Hà Nội, tuy nhiên, thành phố đã có nhiều biện pháp để việc tuyển sinh nhẹ nhàng hơn.
PV đã có cuộc trao đối với ông Lê Ngọc Điệp về kinh nghiệm tuyển sinh của TP.HCM cũng như những vấn đề còn tồn tại sẽ giải quyết như thế nào.
PV: Thưa ông, là một người quản lý giáo dục, ông có cảm xúc như thế nào trước hiện tượng phụ huynh thức trắng đêm dưới trời mưa, chen nhau để giành một suất học cho con diễn ra ở nhiều trường tiểu học ở Hà Nội, còn mới đây là cao trào xô đổ cổng trường để lấy đơn xin học ở trường thực nghiệm?
Ông Lê Ngọc Điệp: Tôi rất chia sẻ nỗi lòng với phụ huynh. Ai có con cũng mong muốn có một không gian giáo dục và sự chăm sóc tốt, nên khi nhà trường đã trở thành niềm tin của phụ huynh rồi thì cha mẹ chịu vất vả gì cũng được, miễn là con được học. Đó là điều hết sức tốt đẹp.
Theo tôi, giáo dục của Nhà nước phải đáp ứng được nguyện vọng đó, làm sao cho giáo dục ngày càng tốt lên.
Với TP.HCM, tôi vẫn thường nói với các hiệu trưởng trường tiểu học là phải đặt niềm tin của phụ huynh lên hàng đầu. Khi có sự tin cậy thì nhà trường và gia đình sẽ giáo dục được đứa trẻ tốt. Còn khi đứa trẻ bị bắt buộc vào trường này chứ không phải là trường khác thì đó cũng là một nỗi khổ của gia đình.
Ở TP.HCM từng diễn ra cảnh xin học căng thẳng tương tự như vậy chưa, thưa ông?
Khoảng 10 năm trước vẫn có, là bởi vì lúc đó còn thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp thành phố. Những em đoạt giải thường được vào các trường tốt ở cấp hai. Vì vậy, một số trường tiểu học (Hòa Bình , Lương Định Của, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Đình Chiểu…) có sự đầu tư của phụ huynh rất lớn, luyện thi để các em đạt kết quả tốt khi tốt nghiệp hoặc thi học sinh giỏi. Do vậy, phụ huynh cũng chen chúc cho con vào học các trường này. Lúc đó, cũng có tình trạng ký sổ vàng để hỗ trợ nhà trường, xếp hàng, mua đơn…
Khi Bộ GD-ĐT có thay đổi lớn là bỏ kỳ thi tốt nghiệp và không thi học sinh giỏi các cấp nữa, rồi tỉ lệ HS trung bình, yếu không còn nhiều, 80% GV của thành phố trên chuẩn, học hai buổi ngày dẫn đến phụ huynh không còn lo lắng chọn trường chỉ vì dạy tốt nữa.
Tuy nhiên, bây giờ phụ huynh lại đòi hỏi một không gian giáo dục, thoáng mát, rộng rãi từ đó thúc đẩy học sinh học thích thú học tập.
Ngày nộp đơn đi học. Ảnh: Văn Chung
Như vậy, thành phố hiểu rằng phải tập trung nâng cơ sở vật chất để phụ huynh yên tâm hơn và đỡ đưa con “chạy” lung tung?
Đúng vậy, hàng loạt các trường sau khi thay đổi cơ sở vật chất lại “hút” phụ huynh đưa con đến học tập.
Ví dụ trường Trần Quốc Thảo, Quận 3, khi chưa xây lại thì phụ huynh chỉ chọn trường Mê Linh thôi, bây giờ xây lại rồi nên phụ huynh lại chỉ thích trường này.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy, khi còn những mái tôn lè tè của Thảo cầm viên thì phụ huynh chỉ chọn Đinh Tiên Hoàng, nhưng khi xây khang trang thì khác hẳn.
Như vậy, một trong những yếu tố của trường tiểu học mà phụ huynh thích là không gian giáo dục, có cây xanh, cảnh quan đẹp, rộng rãi và thứ hai là việc chăm sóc của giáo viên, các hoạt động ngoại khoá hỗ trợ cho giáo dục chứ phụ huynh không đặt yếu tố học tốt lên hàng đầu như trước đây nữa.
Nhiệm vụ nhà quản lý là nâng các trường cho đồng đều nhau, tạo điều kiện cho sự chênh lệch bớt đi. Chủ trương của thành phố là không học trái tuyến quận huyện nên cũng làm cho các trường từng quận huyện cũng nâng cấp dần lên.
Ví dụ trước đây, HS Quận 4 chạy qua Quận 1 rất nhiều, rồi Quận 8, Bình Chánh chạy lên Quận 5, nhưng bây giờ Quận 8, Bình Chánh nhiều trường rất đẹp.
Tuy nhiên, trong một Quận thì tâm lý của phụ huynh coi trọng trường này hơn trường kia vẫn còn do nhiều yếu tố để lại, chứ tôi cho rằng, sự chênh lệch giữa các trường không khác nhau nhiều lắm.
Chẳng hạn như trường tiểu học Trần Quang Khải, phụ huynh khá giả thì không ưng trường này, trong khi phụ huynh ở quận khác thì lại đổ xô đến Trần Quang Khải. Khi Bộ GD đi dự giờ và được tôi đưa đến trường Trần Quang Khải, Bộ cũng ngạc nhiên là sao một trường ở góc khuất nẻo lại có thể dạy tốt như vậy. Lâu nay, có nhiều tiếng tăm về trường này làm cho phụ huynh không yên tâm. Vì vậy, tôi đã nói với hiệu trưởng nên mời phụ huynh và học sinh đến thăm quan trường, và đảm bảo với phụ huynh là các cháu sẽ được chăm sóc khoẻ mạnh, vui vẻ, được giáo dục tốt trong ngôi trường này.
Trường Lý Thái Tổ, Quận 8 lúc trước rất xập xệ, tôi nói với quận là huy động 4 trường khá nhất trong quận giúp đến giúp đỡ, sơn sửa lại thì có một bộ mặt khác. Tôi dự giờ một cô dạy lớp 1 thì thấy không thua cô giáo ở các trường khác. Như vậy, không phải phụ huynh chê cô giáo mà chê cảnh quan cũ kỹ quá.
Những cô hiệu trưởng sau khi đi thăm quan nước ngoài về, họ nhận ra rằng trường không chỉ là dạy chữ, mà còn tạo ra không gian, cảnh quan đẹp.
Tôi cho rằng, hiệu trưởng đóng vai trò rất lớn. Hiệu trưởng nào chăm chút cho ngôi trường thì sẽ tạo niềm tin cho phụ huynh.
Hiện thành phố đã làm rất tốt việc học sinh có hộ khẩu ở phường nào, quận nào thì học ở trường tiểu học theo quy định của quận đó. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những phụ huynh hộ khẩu một nơi và nhà ở một nẻo, do vậy, trường theo đúng tuyến có thể lại rất xa nhà, không thuận tiện cho việc đưa đón. Theo ông, vấn đề này có cần giải quyết khác đi không?
Các trường tiểu học ở thành phố thông tin rộng rãi ngày tuyển sinh trái tuyến, phát hồ sơ cho mọi người, có một hội đồng xét và công bố các em được học. Nếu không được thì vẫn được chuyển về trường đúng tuyến của mình, cho nên phụ huynh cũng không phải lo.
Nhìn chung, thành phố đã nỗ lực hết mình để hiện tượng học trái tuyến sẽ bớt đi. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những phụ huynh muốn chọn trường cho con trái tuyến, thì đó cũng là điều tất nhiên, cuộc sống thì không thể theo công thức nhất định được. Trên thực tế, có nhiều bậc cha mẹ muốn đón con gần chỗ làm cho tiện, hoặc nhà ở quận 8 nhưng ông nội ở Quận 1, thì muốn con học ở Quận 1 để ông nội đưa đón cháu giùm.
Trên thực tế, người ta vẫn phải xem xét những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như ở Quận 5, có nhiều bệnh viện, có gia đình cha mẹ đều làm ở bệnh viện Quận 5, trực ca kíp bất thường, trong khi nhà ở xa, thì vẫn có những chính sách ưu tiên cho con em bác sĩ như vậy, tức là có những linh động hợp với lòng người chứ không phải do “chạy”. Sự linh hoạt đó được Uỷ ban quận đồng ý. Ở một quận có quá nhiều bác sĩ làm việc mà không cho trái tuyến thì sẽ rất khó cho bác sĩ, suy ra làm khổ bệnh nhân. Còn chạy trường cho những thành phần không đúng thì không nên.
Nếu đứng ở góc độ người dân có con đi học thì lý tưởng nhất là họ có quyền được lựa chọn bất kỳ trường tiểu học nào cho con mà họ muốn không? Nếu muốn làm điều này thì ngành giáo dục phải thay đổi như thế nào mới thực hiện được điều đó?
Rất đúng, bất kỳ cha mẹ nào cũng muốn con học một trường mà mình mong ước, như vậy cha mẹ sẽ hạnh phúc lắm.
Ở các nước, tôi thấy người ta tuyển sinh rất khoa học, không theo địa giới hành chính. Còn ở Singapore, tuỳ theo dân số ở xung quanh trường mà quy định trong vòng bán kính bao nhiêu mét mà học sinh được học ở ngôi trường đó.
Thủ tục xin học chỉ cần hợp đồng thuê nhà (không cần hộ khẩu) là ưu tiên số 1, ưu tiên thứ hai là con của viên chức chính phủ, bận trăm công ngàn việc. Ưu tiên thứ ba là những mạnh thường quân, họ đóng góp cho phát triển nhà trường, nhiều đứa bé được hưởng lợi thì cũng nên ưu tiên chỗ học cho con họ. Ưu tiên thứ tư là phụ huynh nào đến trường làm việc ít nhất 1 tháng, theo sở trường của mình, đến cuối kỳ nhà trường chấm điểm, ai tích cực nhất thì sẽ được chọn. Điều đó tôi thấy rất thú vị, các bậc cha mẹ đã chứng tỏ với con cái tấm lòng của mình chứ không phải bằng một thế lực nào.
Tôi nghĩ, trong tuyển sinh sắp tới cũng cần thay đổi như vậy, phải có thử thách với các bậc cha mẹ muốn cho con học trái tuyến, chứng minh sự nhiệt tình đối với xây dựng nhà trường, chứ không phải dùng tiền hay mối quan hệ quen biết. Đó chính là xã hội hoá giáo dục. Kể cả đối với mạnh thường quân, không phải cứ đưa một cục tiền là xong, của cho không bằng cách cho, phải biết dùng số tiền ấy như thế nào để phát triển nhà trường.
Quan điểm riêng của ông trong giáo dục con cái như thế nào, nhất là việc chọn trường lớp?
Trước đây, khi tôi dạy còn dạy ở trường Sư phạm, tôi cho con học trường gần nhà để đảm bảo sức khoẻ, rồi lên cấp hai con tôi cũng học đúng tuyến. Khi lên cấp ba, tôi xem khuynh hướng của con là gì để khuyên cháu đi thi vào trường phù hợp, khuyến khích phát triển khuynh hướng đó, không ép buộc. Với tôi, tìm được một cô giáo lớp một nhân hậu, yêu thương trẻ con là cái phúc cho gia đình mình. Đứa trẻ được gia đình hỗ trợ và phát triển lĩnh vực mà nó yêu thích. Tôi rất vui khi có những đứa con ngoan và hiếu thảo.
Cảm ông về cuộc trao đổi này.