Vì sao ĐHQG HN không công bố đề thi và đáp án?
Năm nay là năm thứ hai ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Tuy nhiên, dư luận đến giờ vẫn chưa biết đề thi của ĐHQG HN “mặt mũi” thế nào.
Thi tại điểm thi Đại học Công nghệ, thí sinh Nguyễn Vân Phương, mã đề thi 03991, SBD 03991 cho biết, trong đề có câu hỏi “Diện tích của Nga gấp mấy lần diện tích Việt Nam?”.
Trước đó, dư luận cũng có thông tin, trong kỳ thi ĐGNL năm 2016 của ĐHQG HN có câu hỏi “Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Việt Nam là ai”? Hoặc như năm 2015, dư luận cũng dậy sóng khi có ý kiến cho biết trong bài thi ĐGNL của ĐHQG HN có câu hỏi: “Thạch Sanh quê ở đâu”?
Trả lời những băn khoăn của dư luận, ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQG HN khẳng định trong ngân hàng câu hỏi của trường, không có câu hỏi nào đặt ra mà câu trả lời giá trị thay đổi. “Vì vậy, không có câu hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Việt Nam là ai” – ông Hồng khẳng định. Mặt khác, theo PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, đề thi của ĐHQG HN không chỉ đánh giá kiến thức của thí sinh mà còn đo năng lực của thí sinh ở nhiều khía cạnh. “Mục tiêu đo phụ thuộc vào văn cảnh của câu hỏi. Nếu tách câu hỏi ra khỏi văn cảnh và mục tiêu đó thì có những câu hỏi sẽ không có nghĩa” – PGS. Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Một thí sinh giấu tên học ở lớp 12A2, Trường THPT Trần Phú, Móng Cái, Quảng Ninh cho biết: “Nếu cả hai đợt thi xong thì ĐHQG HN cũng nên công bố đề thi để chúng em có cơ hội giải lại”.
Trước thắc mắc của thí sinh cũng như của dư luận xã hội, chiều 10/5, PV Tiền Phong đã có trao đổi với lãnh đạo ĐHQG HN. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc cho biết: Bộ đề thi của trường là đề thi chuẩn hóa, không phải đề thi truyền thống. Chính vì vậy, không phải đề thi dùng một lần rồi bỏ mà là bộ đề thi có thể dùng nhiều lần. Do đó, không thể công bố công khai. Nói thêm về vấn đề này, ông Sái Công Hồng cho hay với bộ đề thi chuẩn hóa, không những Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng không công bố đề thi như SAT hay ACT của Mỹ. Khác với đề thi chuyên gia (đề thi truyền thống hiện nay Việt Nam đang dùng), đề thi chuẩn hóa sau khi được xây dựng sẽ được thử nghiệm trên các đối tượng cụ thể. ĐHQG HN đã thử nghiệm với học sinh của 10 tỉnh thành phố đại diện cho đặc trưng các vùng miền của Việt Nam. Những sai sót của đề thi chuẩn hóa sẽ được chính thí sinh phát hiện để bộ phận làm đề hoàn thiện. Tính chính xác của bộ đề thi đã được kiểm nghiệm qua 2 đợt thi năm 2015. Cụ thể, trong số những thí sinh đã thi đợt 1 có 3.621 thí sinh thi lại đợt 2 và điểm của những thí sinh này chỉ chênh có 0.7 điểm. Đặc biệt có 26% thí sinh làm bài hai lần điểm không thay đổi.
Đặc biệt, với những thí sinh đã đỗ vào ĐHQG HN năm 2015, trung tâm đã chọn ngẫu nhiên 2.000 thí sinh để so sánh phổ điểm giữa bài thi ĐGNL và 3 môn thi theo khối thi truyền thống mà các em tham gia ở một kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả cho thấy không có nhiều khác biệt. Còn PGS.TS Nguyễn Kim Sơn thì khẳng định trong bộ đề thi chuẩn hóa còn có một tính chất quan trọng là tính chất “neo” đề, tức là sự liên tiếp của các ca thi. Do đó, không thể công bố đề thi và đáp án.