Ủy ban của Quốc hội đánh giá về kỳ thi '2 trong 1'

Sự kiện: Giáo dục

Gian lận thi cử là một trong những nội dung nóng được chỉ ra trong báo cáo giám sát kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa công bố.

Ủy ban của Quốc hội đánh giá về kỳ thi '2 trong 1' - 1

Báo cáo giám sát của ủy ban chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, từ khâu thiết kế đề thi, tổ chức thi đến chấm thi. Cụ thể, báo cáo chỉ rõ dù đã có quy chế, tuy nhiên trong công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức thi chưa gắn kết mật thiết với chính quyền của địa phương; nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát ở từng khâu của các quy trình tổ chức thi và chấm thi.

Ngân hàng đề thi xây dựng nóng vội

Quy trình tổ chức thi được đánh giá là chặt chẽ, quy chế thi rõ ràng nhưng khi kết quả thi THPT được sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì việc giao cho địa phương thực hiện từ khâu tổ chức thi đến chấm thi là chưa phù hợp. Thực tế kỳ thi năm 2018 đã xuất hiện nhiều chấn động trong thi cử tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La…

Chỉ ra chi tiết hạn chế trong kỳ thi THPT quốc gia, báo cáo viết rõ đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi được xây dựng “theo hướng chuẩn hóa”, mô phỏng quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của Bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hóa (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp quốc gia). Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra vì đây chưa phải là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.

Ngoài ra việc yêu cầu sử dụng đồng thời kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và để xét tuyển sinh vào CĐ, ĐH gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng đề thi. Hai mục tiêu này đặt chung trong một đề thi tạo ra những bất cập rất khó khắc phục.

Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đòi hỏi thời gian chuẩn bị công phu với các quy trình và nội dung chặt chẽ, căn cơ nhưng việc thực hiện đã nóng vội.

Một vấn đề nữa đó là thiếu ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa; đề thi chưa được thử nghiệm một cách khoa học và rộng rãi.  

Mặt khác, hình thức thi trắc nghiệm khá mới ở một số môn, kinh nghiệm làm đề thi trắc nghiệm của đội ngũ giáo viên các trường chưa nhiều. Chất lượng đề thi ở một số môn còn bất cập, mức độ khó/dễ của từng đề trong mỗi môn thi, độ chênh nhau quá lớn giữa năm sau với năm trước nên kết quả thi chưa phản ánh chính xác, công bằng về năng lực của một bộ phận học sinh.

Bên cạnh đó, bộ đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT ban hành muộn hơn so với các năm trước nên phần nào ảnh hưởng đến công tác tổ chức ôn thi và thi thử của các trường (nội dung đề thi được mở rộng bao gồm cả kiến thức của lớp 11, 12), làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng, kết quả điểm thi.

Năm 2018 là năm đầu tiên đưa việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho địa phương, do vậy, dù các địa phương đã có cố gắng nhưng công tác bảo đảm các điều kiện vật chất, địa điểm và nhân lực phục vụ kỳ thi còn gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, quy chế tổ chức thi vẫn chưa thật sự bao quát các trường hợp phức tạp khi đưa việc tổ chức thi về cho địa phương (như việc chia phòng thi, phân công giám thị...). Việc bảo mật ở khâu in sao đề thi tại các tỉnh/thành phố rất khó kiểm soát, dễ dẫn đến sai sót.

Công nghệ cho kỳ thi còn hạn chế

Các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ cho kỳ thi ở nhiều địa phương còn hạn chế, đặc biệt phần mềm để sử dụng cho việc chấm thi có lỗi đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Ủy ban cũng chỉ rõ sự phối hợp trong tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi thiếu chặt chẽ ở một số địa phương. Quy chế thi một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc; việc xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe trước những tiêu cực gần đây. Mặt khác, cơ chế tổ chức thi và chấm thi chưa thật sự chặt chẽ, nhất là khi đưa việc tổ chức thi về cho địa phương.

Việc giao cho các sở GD&ĐT tự tổ chức chấm thi chỉ phù hợp với yêu cầu công nhận kết quả tốt nghiệp THPT, không phù hợp với việc tuyển sinh CĐ, ĐH. Đây chính là kẽ hở để phát sinh tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng tại các địa phương, ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường CĐ, ĐH.

Theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp gồm: cộng điểm trung bình thi THPT quốc gia và điểm trung bình cả năm lớp 12, chia 2; cách tính tạo ra nghịch lý: điểm thi THPT quốc gia thấp nhưng kết quả tốt nghiệp lại cao.

Từ kết quả khảo sát, ủy ban kiến nghị đối với Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cấp có liên quan rà soát, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại một số địa phương và sớm có kết quả về sai phạm và cách xử lý mọi cá nhân, tổ chức liên quan.

Về các kỳ thi THPT các năm tiếp theo, ủy ban cho rằng cần nghiên cứu, hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT và công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ; công bố lộ trình về đổi mới hình phương thức thi THPT để xã hội được biết. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện dần quy chế thi với quy trình chặt chẽ; rõ trách nhiệm của các cá nhân trong tham gia tổ chức kỳ thi bảo đảm để các khâu đều rõ ràng, minh bạch.

Cùng đó, xác định rõ cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý với chính quyền địa phương; phân cấp cụ thể và trách nhiệm của từng bên liên quan trong bảo đảm an toàn và đánh giá chính xác kết quả đối với kỳ thi. Tăng cường kiểm tra, giám sát để từng khâu của kỳ thi, có đánh giá, nhìn nhận chuẩn mực, kịp thời phát hiện và không để xảy ra sai sót.

Tăng cường nhiệm vụ phối hợp, nhất là vai trò giám sát của các trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi và nghiên cứu thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, chuyên nghiệp trong tương lai.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Nỗi lo chất lượng “đầu vào” của các trường đại học

Thông tin Bộ GD&ĐT không coi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 là kỳ thi “2 trong 1” (xét tốt nghiệp THPT và vào đại học) khiến một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phượng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN