Tuyển sinh ĐH 2023: Chấm dứt nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng

Để tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển cũng như giảm thiểu những sai sót, nhầm lẫn trong quá trình đăng ký, năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh phần mềm, thí sinh chỉ cần đăng ký ngành học trong mỗi cơ sở giáo dục đại học (ĐH), không cần đăng ký phương thức xét tuyển.

Ngày 3/3, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh ĐH 2023 với sự tham gia của các cơ sở giáo dục ĐH và Sở GD&ĐT trên toàn quốc. PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết một điểm khác biệt trong công tác tuyển sinh năm nay so với năm ngoái là tất cả các trường ĐH phải ban hành Quy chế tuyển sinh trước khi công bố đề án tuyển sinh.

Năm nay, sẽ không còn tình trạng thí sinh “kêu cứu” vì nhầm phương thức xét tuyển (ảnh: Nghiêm Huê).

Năm nay, sẽ không còn tình trạng thí sinh “kêu cứu” vì nhầm phương thức xét tuyển (ảnh: Nghiêm Huê).

Ngoài ra, có 2 điểm mới liên quan đến điểm ưu tiên khu vực là với những thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đạt tổng điểm 22,5/3 môn trở lên, mức ưu tiên giảm dần theo công thức: [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường. Như vậy, thí sinh đạt điểm càng cao thì điểm ưu tiên càng giảm và bằng 0 khi thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Điểm ưu tiên khu vực chỉ được tính trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Do đó, từ năm 2023, mỗi thí sinh chỉ được sử dụng quyền cộng điểm ưu tiên khu vực (nếu có) 2 lần khi xét tuyển ĐH.

Bộ GD&ĐT cho biết từ ngày 5-25/7, thí sinh chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống tuyển sinh chung; từ ngày 26/7 đến ngày 5/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển; ngày 14/8 hoàn thành thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Với điểm mới này, TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên đặt câu hỏi dựa vào cơ sở nào Bộ GD&ĐT lựa chọn giảm điểm ưu tiên khu vực bắt đầu từ 22,5 mà không chọn từ 20 điểm/tổ hợp. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT dựa trên cơ sở dữ liệu thống kê qua các năm. Cụ thể, qua phân tích dữ liệu thi và kết quả học tập, phổ điểm 4 khu vực tuyển sinh của thí sinh, Bộ đã nhận ra một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực. Khi chưa được cộng điểm ưu tiên, nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3). Nhưng khi được cộng điểm ưu tiên, điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lớn hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên (thí sinh KV1 được cộng 0,75 điểm, KV2 được cộng 0, 25 điểm và KV2-NT được cộng 0,5 điểm).

Do đó, khi xét tuyển vào các Trường ĐH và nhóm ngành học top đầu, nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3. Kết quả thống kê đã chứng minh điều này khi có nhiều ngành cạnh tranh cao có rất ít thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên. Mặt khác, kết quả phân tích quá trình học tập tại trường ĐH cho thấy, nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Để khắc phục bất cập này, Quy chế tuyển sinh 2022 đã đưa ra mức điều chỉnh giảm theo công thức trên. Việc này áp dụng đối với tất cả các phương thức xét tuyển.

Điều chỉnh có lợi cho thí sinh

Về băn khoăn của dư luận đối với xét tuyển bằng phương thức học bạ, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia TPHCM cho hay, cần cung cấp sớm dữ liệu và công cụ đánh giá thí sinh qua hai phương thức xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ đó dựa vào độ tin cậy tương quan của 2 kết quả này các cơ sở giáo dục ĐH có giải pháp tốt hơn khi tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT cho rằng hiện có quá nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu thông tin cho thí sinh. Tuy nhiên, đứng ở góc độ cơ sở đào tạo, TS Chính khẳng định phương thức xét tuyển đều căn cứ trên nhu cầu thực tế và có đặc thù của mỗi trường. Ví dụ ĐH Quốc gia TPHCM từ năm 2022 có phương thức xét tuyển thẳng 1 thí sinh giỏi nhất của mỗi trường THPT. Phương thức này năm qua chưa hiệu quả nhưng nó mang thông điệp thu hút nhân tài của ĐH Quốc gia TPHCM. “Nên nếu dựa vào số lượng thí sinh nhập học ít mà nói phương thức không hiệu quả là chưa chính xác. Bộ không nên đặt ra vấn đề số lượng thí sinh xét để đánh giá phương thức xét tuyển của các trường”, TS Chính nói.

Với quy định thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng, phương thức xét tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, theo TS Chính, quy định này giúp hạn chế tình trạng ảo trong tuyển sinh nhưng lại giảm thiểu mức độ lựa chọn của thí sinh và giảm thiểu quyền tự chủ của trường ĐH. Nên chăng Bộ GD&ĐT cần để thí sinh có quyền lựa chọn và mở ra cho các trường xét tuyển. Cách làm của Bộ hiện nay hiệu quả về kiểm soát nhưng ít về tự chủ.

TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết năm 2022 xảy ra tình trạng thí sinh chọn sai phương thức, sai tổ hợp, năm nay giải pháp của Bộ để tránh những bức xúc này như thế nào? Bộ cần công bố sớm để thí sinh và các trường ĐH chủ động.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các cơ sở giáo dục ĐH có đầy đủ dữ liệu của thí sinh trúng tuyển. Các trường phải tự phân tích tương quan giữa các phương thức. Nếu không có phân tích làm sao các trường có thể đưa ra các phương thức xét tuyển, lấy gì làm căn cứ.

Nguồn: [Link nguồn]

Tuyển sinh 2023: Nhiều thay đổi quan trọng

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay đổi chính sách cộng điểm ưu tiên; thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh hay theo ngành, thay vì đăng ký theo phương thức xét...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGHIÊM HUÊ ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN