Tuyển sinh 2019: Ngành học liên quan đến 4.0 còn “hot” trong 5-10 năm tới

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Bắt nhịp với xu hướng này, các trường Đại học (ĐH) cũng mở các ngành đào tạo, chương trình đào tạo liên quan đến 4.0. Tuy nhiên, đây là những ngành, chương trình đào tạo hoàn toàn mới nên các trường ĐH vẫn phải “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Trường ĐH FPT vừa trao 10 suất học bổng toàn phần gồm toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt phí từ bậc ĐH đến tiến sĩ ngành AI (Trí tuệ nhân tạo) cho 10 học sinh giỏi tỉnh Bình Định. Năm 2019, trường ĐH Sư phạm TPHCM lần đầu tiên tuyển sinh ngành học mới về robot và AI. Trường dành 20 chỉ tiêu cho hai ngành học mới này (học hoàn toàn bằng tiếng Anh, miễn 100% học phí) để xét tuyển thẳng các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 đạt từ 24 điểm trở lên, ưu tiên học sinh các trường chuyên và có điểm IELTS quốc tế.

Đây là những thông tin về một số ngành học phục vụ cuộc cách mạng 4.0 được các trường ĐH đưa vào đào tạo. Ngoài hai trường ĐH được nhắc đến ở trên, còn có 2 trường ĐH Bách khoa phía Nam và phía Bắc. Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT, nhóm ngành Công nghệ thông tin nói chung đều hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành chuyên sâu thì có AI, kết nối internet vạn vật (IoT)… Những ngành học này đang “hot” ở quy mô toàn cầu.

Sinh viên phải được học trong môi trường ĐH 4.0. ảnh: Nghiêm Huê

Theo nhận định của TS Lê Trường Tùng thì còn hot trong vòng 5-10 năm tới. Vì hiện công nghệ thông tin và IoT tham  gia tích cực vào chuyển đổi số của hầu hết các lĩnh vực  kinh tế xã hội. Khi đó, cần lực lượng biết về lĩnh vực này. Trước đây, một số ngành về công nghệ thông tin chỉ dành cho những người đặc biệt xuất sắc để trở thành những nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. 

Nhưng hiện nay, đã hội tụ đủ các yếu tố để hình thành một dây chuyền bắt đầu từ phát minh sáng chế cho đến những công việc tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống con người. Do đó phổ việc làm rộng hơn và lúc nào cũng cần nhân lực. Chính vì vậy đang có xu hướng những người  từng học toán đi học lại để dịch chuyển sang ngành AI.

TS Lê Trường Tùng cho biết thêm, ngành IoT tập trung vào “phần cứng”, gắn với sản xuất, gắn với hệ thống tự động hóa ở mức độ cao. Nhu cầu việc làm ở ngành AI, IoT hiện  rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp không chuyển đổi số sẽ không bắt kịp xu hướng, vì vậy bắt buộc phải có nhân lực trong lĩnh vực này.

PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, khi mở những ngành mới phục vụ cuộc cách mạng 4.0 có một khó khăn chung là thí sinh lâu nay chỉ tìm hiểu những ngành nghề truyền thống. Những ngành nghề mới thường không quan tâm tìm hiểu. Nguyên nhân một phần do gia đình định hướng nhưng cũng một phần do ngành quá mới, chưa có sinh viên tốt nghiệp nên không tư vấn được cho thí sinh.

Cơ hội để giáo dục ÐH “chạy trước”

Nói thêm về khó khăn khi đào tạo những ngành mới phục vụ cuộc cách mạng 4.0, TS Lê Trường Tùng cho biết thách thức đến từ đội ngũ giảng viên. Từ trước đến nay, Việt Nam chưa đào tạo những ngành này nên không có đội ngũ chuyên gia, giảng viên để đào tạo. Chính vì vậy, giải pháp mà trường ĐH FPT đưa ra là một số môn sinh viên sẽ học online. Khi đó, sinh viên có điều kiện tiếp xúc với môn học mới của các trường ĐH “xịn” trên thế giới cùng với  đội ngũ giảng viên ngon lành và trường vẫn quản lý được chất lượng. “Trường ký hợp đồng với các “nhà cung cấp” là các trường ĐH lớn trên thế giới, giảng viên sẽ  học trước sinh viên 1 kỳ, sau đó giúp sinh viên học. Chúng ta vừa chạy vừa xếp hàng, không còn cách nào khác” - TS Lê Trường Tùng khẳng định. 

Phần lớn những thành tựu liên quan đến cuộc cách mạng 4.0 mới xuất hiện trên thế giới 3, 4 năm. Chỉ các trường ĐH lớn của nước ngoài bắt kịp rất nhanh nên họ đã có bài giảng mở ở trên internet. Còn những bài giảng chất lượng cao muốn dùng phải tốn phí. Theo TS Tùng, giáo trình hiện không còn quan trọng. Nên vấn đề làm thế nào để có giáo trình, làm thế nào để có tiền mua không còn là vấn đề cốt yếu trong giáo dục ĐH, vì kiến thức thay đổi liên tục. Do đó, các trường không hội nhập là “chết”, vì không có tri thức mới để dạy, chưa nói đến giảng viên. Cơ sở vật chất không phải chuyện lớn trong bối cảnh đào tạo các ngành mới hiện nay. Vì AI hay IoT không yêu cầu cơ sở vật chất quá lớn trong khi chi phí đường truyền, kết nối mạng… càng ngày càng rẻ.

“Đây là cơ hội cho ĐH Việt Nam phát triển. Các trường có thể “chạy trước”. Từ trước tới nay, các trường ĐH của chúng ta lẹt đẹt đi theo nền kinh tế xã hội. Còn hiện tại, khi bước vào cuộc cách mạng 4.0, các trường ĐH lại dễ triển khai hơn, tốn ít nguồn lực hơn nhưng với  điều kiện phải quyết tâm “chạy nhanh”, thay đổi nội dung học, thay đổi cách học để đầu ra có những kiến thức kỹ năng phù hợp với nền kinh tế xã hội đang cần” - TS Lê Trường Tùng phân tích.

Đại học tung điểm sàn thấp vét thí sinh, Bộ GD&ĐT nói gì?

Kết quả thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là sáng hơn năm 2018 do phổ điểm đẹp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN