Tuyển sinh 2015: Vắt óc tìm 'diệu kế'!

Hạn chót tuyển sinh 31/10/2014 đã khép lại kỳ tuyển sinh “ba chung” cuối cùng với nhiều khó khăn. Tiên lượng, tuyển sinh 2015 sẽ còn đối mặt nhiều thách thức hơn.

Cuối cùng cũng có thí sinh

Kết thúc mùa tuyển sinh, các trường tốp 1 ung dung vì không cần phải tuyển quá nhiều nguyện vọng để có đủ người học. ĐHQG Hà Nội tuyển đến NV2. Trường tốp 2 ĐH Thái Nguyên với số thí sinh đạt 90% chỉ tiêu. Trường tốp sau, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, theo ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, dù có thêm một ngày nữa cũng không thêm được bao nhiêu thí sinh. Kết thúc, trường này đạt 5.100 người học trên tổng số 7.000 chỉ tiêu (trong đó hệ cao đẳng đạt 200/1.000).

Tuyển sinh 2015: Vắt óc tìm 'diệu kế'! - 1

Thí sinh thi vào ĐH Ngoại thương năm 2014

Ông Vũ Văn Hóa đoán: Riêng số thí sinh nguyện vọng (NV) 1 phần lớn về địa phương do khó khăn kinh tế nên chọn học ở trường gần nhà; một số thí sinh đi du học; khoảng trên dưới 100 thí sinh đi nghĩa vụ quân sự và có một số thí sinh, không hiểu vì sao, nộp tiền nhưng không đến học.

Ông Hóa nhấn mạnh vào một số “nhân tố” mới nổi trong trào lưu học tập hiện nay là: Trong khó khăn về kinh tế, người học chỉ quan tâm đến 2 chữ “đại học” dù ở đâu, chất lượng nào khiến thí sinh có xu hướng “rải ” rộng về các tỉnh; du học sang các nước ở châu Âu, Úc, Mỹ, Á cũng là một hướng đang phát triển; một số trường CĐ nghề hứa hẹn người học việc làm và khả năng liên thông sau khi học…

Trường “trắng” thí sinh năm 2013 như ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) năm nay cũng “nhúc nhích” tuyển sinh. Dù 141 tân sinh viên mới tuyển được không đủ lấp đầy nhưng cũng nhen nhóm niềm hy vọng cho mùa tuyển sinh 2015.

Thí sinh có hạn

Ông Vũ Viết Bình, Phó Ban đào tạo ĐHQG HN khẳng định bước đi từ từ mang tính xã hội của ngành GD&ĐT để thích hợp với thực tế: Thí sinh thi ĐH năm 2015 đã chuẩn bị từ 2 năm trước. Theo ông Bình, điểm mới năm nay là ngành GD&ĐT không xác định điểm chất lượng đầu vào theo khối thi mà “điểm sàn” được định cho từng môn thi. Theo ông, các trường vẫn phải đúc kết kinh nghiệm của kỳ thi “ba chung”, nếu không, tình trạng tuyển vượt hoặc tuyển thiếu vẫn xảy ra.

Thí sinh đăng ký là bài toán cực kỳ khó khăn của mùa tuyển sinh năm 2015. Ông Bình phân tích: mọi năm, các trường dựa vào điểm của thí sinh thi vào trường mình để xây dựng phương án tuyển; năm nay tất cả các trường cùng căn cứ vào một kết quả điểm do Bộ công bố chung để xây dựng điểm trúng tuyển.

Ông Bình nói, nếu không cẩn thận trường A sẽ xác định cùng điểm chuẩn với trường B trong khi họ chỉ có cùng một đối tượng tuyển và cùng một số lượng. Mà không chỉ có 2 trường A và B; rất có thể có hơn 2 trường cùng điểm chuẩn thì cái ảo vô cùng lớn vì số thí sinh hữu hạn số trường tuyển là vô hạn! Và vì thế, ông Bình dự báo, quá trình tuyển sinh 2015 sẽ kéo dài.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách của Bộ GD&ĐT đang rất thận trọng trong việc viết lại Quy chế tuyển sinh cho phù hợp với tình hình mới, nhưng, thi thoảng những tin tức nóng hổi từ “đại bản doanh” bay ra khiến dư luận các nhà tuyển sinh lại một phen bối rối.

Ông Đặng Kim Vui, GĐ ĐH Thái Nguyên cho rằng điều dư luận quan tâm hiện nay là mỗi thí sinh được cấp bao nhiêu giấy chứng nhận điểm thi và liệu thí sinh có nộp vào trường mình dự thi hay không hay nộp vào các trường khác trong xu hướng mở tối đa quyền lợi cho thí sinh như hiện nay. Điều này sẽ khiến cho công tác xét tuyển rất khó khăn.

Tìm “diệu kế”

Kỳ tuyển sinh còn chưa đến, quy chế còn đang được “ngâm tẩm”, nhưng các nhà tuyển sinh đã phải ngồi vắt óc tìm “diệu kế”. Ông Vũ Viết Bình đề xuất: Nếu các trường thấy khó khăn khi xây dựng điểm trúng tuyển, nên đưa ra thêm các điều kiện phụ trợ như: kết quả học tập phổ thông, phỏng vấn, kiểm tra thêm… để giảm ảo; hai là, Bộ GD&ĐT cần đưa ra những chế tài, chính sách phù hợp với công tác tuyển sinh của các trường như: hạn định số NV của thí sinh. Ông Bình nói: Nên là dưới 6 NV. Ngoài ra, ông Bình gợi ý, Bộ cần có chế tài cạnh tranh tích cực.

Một số trường dưới “đáy” hiện đã tự cứu mình bằng sự sáng tạo như ĐH Đại Nam (Hà Nội) và ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định). Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó phòng đào tạo ĐH Lương Thế Vinh cho hay, với hy vọng tuyển thêm được nhiều người học, trường này đã ra phương án tổ hợp thêm một số khối: Ngoài A và A1 sẽ cho ra khối A2 (gồm Toán, Hóa, Ngoại ngữ); ngoài khối D (Toán, Lý , Ngoại ngữ) sẽ có thêm khối D1 (Toán, Hóa, Ngoại ngữ); ngoài khối C sẽ có thêm khối C1 (Văn, Sử, Ngoại ngữ). Hơn thế, trường này sẽ tuyển sinh đa hệ hơn: Vừa tuyển điểm thi THPT chung, vừa tuyển sinh riêng theo điểm học bạ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN