Tủi thân cô bảo mẫu
Làm việc 8 giờ/ngày trở lên, gắn bó với công việc hàng chục năm nhưng hầu hết lao động nữ là các cô bảo mẫu, cấp dưỡng ở nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn TPHCM lại không được ký HĐLĐ (mà chỉ được ký hợp đồng thời vụ 9 tháng/năm). Vì thế, các chế độ BHXH, BHYT, BHTN không được đảm bảo.
Việc nhiều, lương thấp
Nhiều năm qua, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TPHCM tổ chức dạy 2 buổi/ngày kéo theo việc các trường tổ chức phục vụ bán trú cho học sinh. Để thực hiện tốt công tác bán trú, các trường cần có đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng. Nếu giáo viên đảm nhận nhiệm vụ dạy học thì cô bảo mẫu, cấp dưỡng là người chăm sóc, phụ trách ăn, ngủ cho học sinh ở lại trường, hỗ trợ giáo viên giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Chị Ông Thị Bích Phương - 13 năm làm cấp dưỡng - hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 với mức lương 2,7 triệu/tháng. Mỗi ngày chị Phương có mặt ở trường vào lúc 5h sáng, nấu nước, nấu cơm, nấu bữa trưa cho học sinh, chuẩn bị bàn ăn, lo cho học sinh ăn cơm trưa và ra về vào lúc 13h. Ngoài 8 giờ làm việc ở trường, chị Phương xin phụ giúp việc nhà. Các cô bảo mẫu có mặt ở trường từ 6h15, làm vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế, chuẩn bị cho học sinh ăn, ngủ, kết thúc công việc vào lúc 17h30 với mức lương 2,5 triệu/tháng. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có 1.600 học sinh, trừ đội ngũ cấp dưỡng chuyên nấu ăn thì mỗi bảo mẫu phụ trách từ 40 đến 50 học sinh.
Bảo mẫu Lê Thị Ngọc Nhung - 12 năm trong nghề - bộc bạch: “Mức lương hiện nay của chị em chỉ từ 2 đến dưới 3 triệu/tháng, đời sống của chị em rất khó khăn. Hầu hết chị em đều đi làm thêm như phụ giúp việc nhà, chạy bàn, rửa chén trong các quán ăn, may thêu gia công... mới mong đủ sống. Chị em không phải ngày làm 8 giờ nữa mà phải 12, 15 giờ/ngày”.
Các cô bảo mẫu, cấp dưỡng làm việc liên tục 8 giờ/ngày với mức lương không quá 3 triệu đồng/tháng
Chế độ còn nhiều bất cập
Cô Mai Thủy Tiên - Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho biết, hiện nay mức lương 2,7 triệu của cấp dưỡng thì có 1,7 triệu là do trường cân đối thu chi chi trả, 1 triệu là do phụ huynh đóng góp. Như vậy nếu nguồn thu của trường giảm, phụ huynh đóng góp ít thì “nồi cơm, bát gạo” của các cô bảo mẫu, cấp dưỡng cũng phải bé lại!
Mặc dù đây là một công việc dài hạn, có tính chất thường xuyên, nhiều cô bảo mẫu, cấp dưỡng gắn bó với công việc hàng chục năm, nhưng qua khảo sát của chúng tôi tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM, các cô cũng chỉ được ký hợp đồng thời vụ (9 tháng). Cứ năm này qua năm khác, có cô đã liên tục ký với các trường đến mười mấy cái hợp đồng. Tuy nhiên bất cập ở chỗ 3 tháng hè không có lương, các cô phải tìm việc làm thêm, đã vậy lại phải tự bỏ tiền đóng BHYT để khi ốm đau còn được hưởng quyền lợi, còn chế độ BHXH thì phải tạm ngừng trong 3 tháng này. Chị Bích Phương xác nhận: “Lương tháng 5 của các cô bị trích lại một phần để đóng BHYT trong 3 tháng hè, còn BHXH thì bị ngừng trong 3 tháng”.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - giải thích: Hiện tại, các trường chỉ ký hợp đồng thời vụ với các cô bảo mẫu, cấp dưỡng vì việc hạch toán trả lương cho các cô do các trường tự cân đối, thu chi, lấy từ nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh. Trong 3 tháng hè trường không có nguồn thu nên dù là công việc dài hạn trường cũng chỉ ký được hợp đồng thời vụ 9 tháng theo từng năm học.
“Hơn nữa, việc các trường hợp đồng với các cô bảo mẫu, cấp dưỡng, xuất phát từ nhu cầu thực tế, các trường tự làm để phục vụ cho nhu cầu bán trú của học sinh chứ chưa có một văn bản, hướng dẫn nào hướng dẫn cụ thể về việc này. Các trường đều mong muốn có một hướng dẫn cụ thể để người sử dụng lao động là các trường không làm sai, đảm bảo quyền lợi cho các cô” - bà Lê Thị Ngọc Điệp bày tỏ.