Tự do lao động trong ASEAN: Lo nhất là ngoại ngữ
Trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn quá thấp và rất ít người học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Nhiều trường đại học áp dụng biện pháp mới để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên.
Một lớp học tiếng Anh thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, để hội nhập AEC, trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình đảm bảo tiêu chí theo yêu cầu. Trường cũng có nhiều giải pháp để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên như đào tạo chương trình điều dưỡng bằng tiếng Anh, đào tạo tiếng Anh cho chương trình nhập khẩu của Mỹ. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ trong trường như khuyến khích sinh viên làm khóa luận bằng tiếng Anh…
Chia sẻ về chất lượng nhân lực ngành y sắp tới, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, vừa qua, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y, dược họp và đưa ra đề xuất kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học y, dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành dược học (học 5 năm) và y đa khoa (6 năm). Mặc dù Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh, nhưng y dược là ngành đặc biệt, cần có sự quản lý của Nhà nước. Ý kiến đề xuất này được 100% sự ủng hộ của hội đồng. Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cho hay, chứng chỉ hành nghề y dược (tức đầu ra) là vấn đề được Bộ Y tế quan tâm từ lâu. Sắp tới, bộ này sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội về việc sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề y quốc gia.
Theo ông Nguyễn Hữu Tú, khó khăn nhất của ngành y trong vấn đề hội nhập là ngoại ngữ và chất lượng đào tạo không đồng đều. “Chương trình đào tạo của trường chưa được đánh giá ngoài, chưa được kiểm định nên khó có thể biết mình đứng ở đâu so với thế giới”, ông Tú lý giải. Đối với ngành kế toán, PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho biết, từ khi thành lập khoa, trường đã xác định phải theo chuẩn quốc tế. Vì vậy, với một số module chính, sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhất là sinh viên năm cuối. Không những thế, với sinh viên của trường, muốn tốt nghiệp, trình độ ngoại ngữ phải đạt bậc B1 theo khung tham chiếu châu Âu.
Một số ngành dạy bằng tiếng Anh
Để tận dụng quyền tự do dịch chuyển trong ASEAN đối với 8 ngành nghề, ngoài yêu cầu về kỹ thuật, người lao động phải có trình độ tiếng Anh nhất định. Trong lộ trình của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT, các trường triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ cho khoảng 10% số lượng sinh viên cao đẳng, đại học vào năm 2012-2013; 60% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm 2019-2020. Đến năm 2015, trong các trường đại học, cao đẳng, một số ngành hoặc môn học thuộc ngành ưu tiên sư phạm, khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, du lịch, quản trị kinh doanh không chuyên ngữ được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Như vậy, cho đến năm học này, số sinh viên đại học, cao đẳng được đào tạo tăng cường ngoại ngữ theo lộ trình đề án của Bộ GD&ĐT cũng chưa đủ 100%. Hầu hết các trường đại học đều phải căng mình để tìm giải pháp nâng chuẩn ngoại ngữ đầu ra đối với sinh viên. Chuẩn ngoại ngữ được các trường áp dụng đa số là tiếng Anh. Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, các trường đều tập trung đào tạo tiếng Anh, còn tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Campuchia... thì tính sau. “Để đào tạo cả tiếng các nước trong ASEAN, sinh viên sẽ phải ngồi giảng đường đại học 10 năm. Điều này là không hợp lý”, ông Lập nói.