Trường ta học như Tây

Được áp dụng thí điểm tại nhiều trường học, mô hình trường chất lượng cao đã tạo ra những hiệu quả tích cực. Đây được coi là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Phụ huynh hài lòng

Trường chất lượng cao dù đang giai đoạn thử nghiệm song trong những năm áp dụng thí điểm gần đây đã tạo nên sức hút và là sự lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh. Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, những trường theo mô hình chất lượng cao ở Hà Nội đều có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên có chất lượng… nhiều phụ huynh hài lòng khi cho con học tại các trường này.

Là trường tư thục áp dụng theo mô hình trường chất lượng cao nhiều năm nay, Trường tiểu học Nguyễn Siêu đã tạo dựng được niềm tin đối với các bậc phụ huynh. Chị Đinh Thanh Hương (Yên Hòa, Cầu Giấy) có con đang học lớp 2 tại trường chia sẻ: “Trong năm học vừa qua của con tại trường, tôi thấy chuyện học tập, rèn luyện của con nhìn chung rất tốt. Lớp học chỉ có 24 học sinh/lớp. Lớp học thoáng mát, cô giáo rất nhiệt tình. Bài vở chủ yếu là làm trên lớp, nhưng các con vẫn rất hiểu bài, đặc biệt con viết bài vở rất sạch đẹp. Lớp ít học sinh nên cô giáo sâu sát được từng cháu”.

Cũng có con đang học lớp 3 tại trường, anh Trần Mạnh Hùng (Thượng Đình, Thanh Xuân) nhận xét: “Tôi hài lòng về chất lượng giảng dạy của trường. Còn về chuyện chăm sóc trẻ, ăn uống thì nhà ăn rất sạch sẽ, các món ăn thấy con về khen ngon. Học sinh được tham gia nhiều môn ngoại khóa như: bóng rổ, cầu lông, cờ vua, cờ tướng... Cô giáo rất quan tâm đến trẻ, tiền học hơi đắt chút, nhưng bù lại con mình được học trong một môi trường giáo dục tốt”.

Trường ta học như Tây - 1

Trong giờ học ngoại khóa tại Trường tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: N.S

Nói về chuyện học của con tại trường chất lượng cao công lập, chị Nguyễn Hồng Nhung (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) có con đang học lớp 7 Trường THCS Cầu Giấy cho biết: “Tôi cũng đã đi tham khảo rất nhiều trường khác nhau rồi mới chọn trường cho con, trước hết là trường ở gần nhà thuận tiện đi lại, đưa đón. Đây lại là trường công lập, theo mô hình trường chất lượng cao. Trường có nhiều giáo viên dạy giỏi tham gia dạy học, rèn ý thức của học sinh rất tốt. Phong trào và hoạt động của trường luôn giữ nề nếp kỉ luật”.

Bước đột phá mới

Hà Nội vừa thông qua tiêu chí về trường chất lượng cao và nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Theo đó, năm học 2013-2014, mức trần học phí trường mầm non, tiểu học là 2.900.000 đồng/năm; trường THCS, THPT là 3.000.000 đồng/năm. Năm học 2014-2015, cấp mầm non, tiểu học: 3.200.000 đồng/năm; cấp THCS, THPT là 3.400.000 đồng/năm. Hà Nội cũng đã công bố chủ trương xây dựng 35 trường chất lượng cao vào năm 2015.

Đánh giá về mô hình trường chất lượng cao, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho biết: “Hiện nay, kinh phí dành cho giáo dục chưa đầy đủ và không thể cào bằng giữa các khu vực. Thực tế cho thấy, nhu cầu hưởng thụ chất lượng giáo dục cao trong người dân là có. Một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế sẵn sàng cho con thụ hưởng mô hình giáo dục chất lượng cao nên đã cho con học ở một số trường dân lập dịch vụ cao hoặc du học ở nước ngoài. Đó là đòi hỏi thực tiễn để ngành giáo dục cần tìm ra mô hình giáo dục chất lượng cao. Các trường cũng phải tìm ra hướng đi riêng cho mình”.

Mô hình trường chất lượng cao là một mô hình tiên tiến, tạo ra sự đột phá trong giáo dục. Mô hình này triển khai tại Việt Nam sẽ áp dụng theo kiểu trường ta, nhưng chất lượng quốc tế, học phí có sự chia sẻ giữa Nhà nước và người dân. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, mô hình này vẫn còn mới mẻ nên nhiều người chưa hiểu vì vẫn cho rằng các trường công lập thì phải giống nhau về học phí. Các trường chất lượng cao đều tuyển dụng đội ngũ giáo viên mới, đạt chuẩn và trên chuẩn, năng động và sáng tạo. Phát triển hệ thống các trường chất lượng cao sẽ giảm tải các trường công lập, phụ huynh học sinh có nhiều lựa chọn và có nhiều chỗ học đúng tuyến.

Trong vòng 8 năm trở lại đây, Hà Nội có tổng cộng 18 trường thí điểm mô hình chất lượng cao như: Mầm non 20/10, tiểu học Tràng An, THCS Cầu Giấy, THPT Phan Huy Chú… Trong số này, có 13 trường chất lượng cao toàn phần và 5 trường từng phần. Hầu hết các trường đều đã khẳng định được hiệu quả mô hình và tạo dựng thương hiệu của trường. Một vấn đề kìm hãm phát triển mô hình này là vấn đề về kinh phí, học phí của các trường cũng đã được tháo gỡ. Mới đây, Hà Nội cũng đã ban hành tiêu chí và cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao từ năm học 2013-2014.

Tuy nhiên, dư luận vẫn còn băn khoăn rằng, việc chọn trường công lập để chuyển sang trường chất lượng cao sẽ khiến không ít gia đình gặp khó khăn vì học phí cao, tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, sẽ mất đi sự công bằng, có sự phân biệt “trường nhà giàu, nhà nghèo” trong hệ thống giáo dục công. Đây là bài toán cần tìm ra lời giải cho ngành giáo dục trước khi nhân rộng triển khai đại trà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN