Trường mới xây đã... sắp sập

Ngày học đầu tiên của Trường THCS Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cũng là ngày thầy trò trường này “bỏ của chạy lấy người” khi mới đặt chân vào các phòng học.

Rất nhiều mảng tường bị nứt, nền sụp lún đổ hẳn về một bên, có thể sập bất cứ lúc nào.

Ngay sau ngày học đầu tiên 13/8, khoảng 700 học sinh của trường đã được di dời khẩn cấp sang điểm Trường tiểu học Đốc Binh Kiều 1 học tạm.

Sửa chỗ này bung chỗ khác

"Thứ bảy tuần rồi các em vào trường để thi. Tôi đứng coi thi mà một con mắt phải để ở ngọn cây bên ngoài trường xem gió thế nào. Gió mạnh là tôi lo muốn rớt tim ra ngoài luôn vì sợ trường sập".

Thầy Võ Thanh Long (giáo viên Trường THCS Đốc Binh Kiều)

Nhìn từ xa, Trường THCS Đốc Binh Kiều nổi bật với màu sơn còn tươi mới. Trường có hai khu được xây dựng kết cấu một trệt và một lầu khá khang trang. Tuy nhiên, khi đến gần thì thấy vô số vết nứt trên tường, nền nhà. Một số vết nứt đã được trám, trét tạm bợ nhìn thấy ớn lạnh. Bậc tam cấp hiện đã tách khỏi chân tường hơn 20cm, dễ dàng cảm nhận khu nhà đã bị nghiêng về phía sau.

Trên nền gạch có nhiều dấu vết của những lần sửa chữa, thay gạch mới nhưng sửa chỗ này thì chỗ khác bung lên hay sụp xuống. Hiện trạng này được một số phụ huynh mô tả như là “bãi chiến trường”.

Chúng tôi đến trường đúng vào giờ ra chơi nhưng sân trường và trong các phòng học, hành lang không có tiếng lao xao của học trò. Không có bất cứ học sinh nào chạy nhảy, nô đùa mà lại “đi nhẹ, nói khẽ”. Một học sinh giải thích: “Thầy cô dặn trường bị yếu nên đừng nô đùa nhiều, nguy hiểm lắm”.

Trường mới xây đã... sắp sập - 1

Bậc thềm trường học bị nứt toạc

Thầy Võ Thanh Long, giáo viên dạy môn địa lý, kể: “Thứ bảy tuần rồi các em vào trường để thi. Tôi đứng coi thi mà một con mắt phải để ở ngọn cây bên ngoài trường xem gió thế nào. Gió mạnh là tôi lo muốn rớt tim ra ngoài luôn vì sợ trường sập”. Đầu năm học nhà trường tạm bố trí cho học sinh học trên lầu vì trên đó... ít bị nứt hơn. Thầy Phan Thanh Thảo, hiệu trưởng, giải thích: “Ban giám hiệu và giáo viên ở tầng trệt, nếu xảy ra chuyện gì thì cũng thiệt hại nhẹ hơn. Các em cần ở chỗ an toàn hơn”.

Sửa chữa liên miên


Theo Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Tháp Mười, đơn vị này làm chủ đầu tư hạng mục xây dựng 22 phòng học, nhà vệ sinh, sân, san lấp mặt bằng của Trường THCS Đốc Binh Kiều. Nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hố Nai. Thời gian thi công từ tháng 5/2006 đến tháng 12/2007. Công trình được phê duyệt với kinh phí gần 3,5 tỉ đồng, nhưng giá trúng thầu chỉ còn dưới 3 tỉ đồng. Công trình này nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2008.

Còn hạng mục ba phòng bộ môn thí nghiệm thực hành, thư viện, công trình phụ do Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tháp Mười làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh doanh nghiệp tư nhân Diễm Tường và doanh nghiệp tư nhân Vân Tuyết. Thời gian thi công từ tháng 6/2010 đến 11/2011. Theo kế hoạch, các bên sẽ tiến hành nghiệm thu trong vài ngày tới. Gói thầu này được phê duyệt gần 5,8 tỉ đồng, còn giá trúng thầu là 4,8 tỉ đồng.

Sau khi hạng mục 22 phòng học đưa vào sử dụng, nhà trường đã tổ chức sửa chữa lớn hai lần với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều lần sửa chữa nhỏ, đến mức tất cả thời gian rảnh rỗi không học như nghỉ hè, nghỉ tết, thứ bảy, chủ nhật đều được tận dụng để sửa chữa trường.

Ông Ngô Thanh Sang, phó Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tháp Mười, cho biết nguyên nhân khiến trường mới xây đã xuống cấp đang được Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cử cán bộ đến khảo sát để kết luận. Để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tạm thời nhà trường sẽ chuyển các em qua cơ sở Trường tiểu học Đốc Binh Kiều 1 để học tạm. Sau khi Sở Xây dựng tìm ra nguyên nhân khiến trường xuống cấp và sửa chữa, khắc phục xong thì nhà trường sẽ cho học sinh trở lại học. Riêng hạng mục ba phòng bộ môn thí nghiệm thực hành, thư viện và công trình phụ chưa nghiệm thu thì nhà thầu phải có trách nhiệm khắc phục sự cố.

Chúng tôi đặt câu hỏi mà nhiều phụ huynh đã đặt ra: “Đến khi nào học sinh được yên tâm ngồi học mà không sợ trường sập?”, nhưng cả lãnh đạo Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Tháp Mười và lãnh đạo nhà trường không ai dám khẳng định.

Chiều 13/8, chúng tôi gặp một số phụ huynh đi đón con, họ bảo rất xót xa khi nhìn con em mình phải đi rón rén, nói năng nhỏ nhẹ trong khu nhà nứt toác trong khi tuổi các em là tuổi chơi, tuổi lớn. Nhiều phụ huynh đứng ngoài cổng trường nhìn vào bên trong với vẻ mặt rất căng thẳng, đến khi gặp con em thì họ ôm vào lòng hôn lấy hôn để. Bà N.T.C. vừa đón con xong, quay sang nói với chúng tôi: “Đêm qua nghe con nói còn học ở trường này mà tui rầu ngủ không được. Giờ gặp nó bình an thế này mừng lắm”. Còn bà N.T.A. bảo: “Nhiều lúc tui muốn cho con nghỉ học hay chuyển sang trường khác chứ học ở trường này sợ lắm, không yên tâm làm gì hết”... Nhiều người vừa đón con xong đã vội vã đưa con rời khỏi trường vì sợ nguy hiểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Tài - Thúy Hằng (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN