Trường giàu, nghèo do… quỹ phụ huynh

Ngân sách phân bổ theo số học sinh là bình đẳng nhưng lại có sự chênh lệch rất lớn giữa những ngôi trường giàu và trường nghèo ở TPHCM.

Nguồn đóng góp của phụ huynh (PH) là nguyên nhân không nhỏ tạo ra sự phân hóa trường giàu - trường nghèo. Lãnh đạo một phòng GD-ĐT nói rằng mức đóng góp của một PH trường giàu có thể đã đủ chi phí trang bị cho cả một trường nghèo.

Chưa cũ đã thay

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), ngôi trường “thượng lưu” có tiếng của TP, những khoản đóng góp “tự nguyện” cũng là niềm mơ ước của không ít ngôi trường khác. Theo một PH lớp 1/1, hội PH của lớp phát động mỗi gia đình góp 1,4 triệu đồng để trang bị máy lạnh và cửa kính, mỗi tháng đóng 40.000 đồng tiền điện.

Ở một lớp 3, mỗi PH đóng 1 triệu đồng tiền sơn phòng, sửa bàn ghế, mua tủ sách, 2 màn hình LCD, micro cho cô giảng bài, mua phần mềm học toán, 2 máy lạnh phục vụ học sinh (HS) ngủ trưa. PH này còn cho biết nhiều gia đình trong lớp có điều kiện còn đóng cao hơn. Một PH lớp 4 băn khoăn về khoản tiền mua máy lạnh đã đóng năm lớp 3 khá lớn, đến năm nay máy còn dùng tốt nhưng nhiều PH khác đã muốn thay mới.

Trường giàu, nghèo do… quỹ phụ huynh - 1

Tivi, máy lạnh là ước mơ xa vời ở Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ - TPHCM)


Khoản thu 370.000 đồng cho quỹ xây dựng công trình nhà trường ở Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7) tuy không quá cao nhưng không phải PH ở trường nào cũng có khả năng đáp ứng. Một PH lớp 2L nói: “Nhà trường cho biết mới xin được một mảnh đất phía sau trường để xây dựng cơ sở cho HS học kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế.

Đây là khoản tiền không lớn và PH có thể đóng trong 2 học kỳ”. Trong khi đó, theo vị PH này, tiền quỹ lớp được phát động mỗi PH đóng 1,3 triệu đồng nhưng hầu hết đều tham gia vì số tiền này so với kinh phí tổ chức sinh nhật cho từng thành viên của lớp, cứ 2 tháng lại tổ chức đưa trẻ đi ăn buffet thì cũng xứng đáng.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), phân tích: “Ngân sách Nhà nước rót theo số HS nên những trường càng đông sĩ số thì càng được cấp nhiều kinh phí. Tiền hoạt động của toàn trường sẽ tính theo nguyên tắc lấy số HS nhân 20% nhân 3.183.000 đồng, trong đó bao gồm cả mua sắm, sửa chữa tài sản, vật tư, văn phòng phẩm, chi phí hoạt động… Còn đối với các công trình, thiết bị phục vụ dạy và học như máy lạnh, máy chiếu, tivi có thể vận động bằng nhiều nguồn, trong đó có PH”.

Ông H., hội phó hội PH lớp 2 một trường tiểu học tại quận 9, thừa nhận: “Bộ mặt của nhà trường thường tỉ lệ thuận với điều kiện của PH trường đó. Trường nào PH có điều kiện thì việc vận động chẳng mấy khó khăn. Ở trường nghèo dù có vận động, PH cũng không có tiền đóng. Ngày xin cho con học trái tuyến, gia đình tôi đề nghị đóng “sổ vàng” cho trường nhưng hiệu trưởng không nhận, đổi lại, đề nghị tôi tham gia hội PH để huy động các nguồn đóng góp cho trường. Sau này mới biết lớp con tôi có rất nhiều PH là đại gia”.

Hiệu trưởng một trường mầm non tại quận 1 nói thẳng: “Giáo viên của trường không sống bằng lương. Cứ mang tiếng giáo viên mầm non nghèo nhưng trường tôi chẳng có cô nào phải đi xe số. Nhiều PH thấy cô chăm cháu chu đáo thì chẳng tiếc những khoản bồi dưỡng. Có khi những khoản bồi dưỡng còn cao gấp mấy lần tiền lương. Và đây là những khoản chính đáng do chính công sức của các cô tạo ra”.

Những giấc mơ xa xỉ

Đối lập với bức tranh trường giàu, TPHCM cũng còn không ít những ngôi trường không hề biết đến khoản vận động PH là gì. Ông Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ), bày tỏ: “Các khoản mà trường vận động được PH chỉ là đóng tiền bảo hiểm y tế, tai nạn cho HS. Trường có hơn 50% HS thuộc diện nghèo, vận động các em đừng bỏ học đã là thành công lớn rồi, chưa bao giờ mơ đến chuyện vận động các khoản đóng góp khác.

Bao nhiêu năm rồi, vừa qua mới được một mạnh thường quân tặng cho trường 5 tivi, chúng tôi dành ưu tiên cho cơ sở 2 ở ấp Thiềng Liềng. Còn cơ sở chính vẫn trống trơn, không tivi, không đầu đĩa, máy lạnh. Chúng tôi không dám mơ những thứ đó. Vẫn còn nhiều giáo viên tại trường vì điều kiện quá khó khăn mà không dám ăn cơm tập thể, phải nấu ăn riêng để tiết kiệm”.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ánh Thủ (quận 12), chua xót: “Những trường giàu thì PH tìm mọi cách “chạy” vào nên đã giàu lại càng giàu hơn. Còn trường mình thì PH lại tìm mọi cách “chạy” đi. Nguồn vận động từ PH lại càng không thể có bởi hầu hết PH đều là các hộ nghèo.

Muốn có thêm kinh phí cho các hoạt động, chỉ có cách duy nhất là nhận hết những HS có nhu cầu về trường, cả những em ở mái ấm, nhà mở, những em không đúng tuyến, những em diện tạm trú. Năm nay, nhờ có dự án vệ sinh học đường, trường mới được tài trợ một bồn rửa tay. Bao nhiêu năm mới được PH thương cho một bộ ampli cũ, trước đó, giáo viên phải lạc cả giọng mỗi khi muốn ổn định các em trong tiết chào cờ hay khi có công việc gì, ban giám hiệu phải đi từng lớp để thông báo”.

Ước mơ những chiếc máy tính cũ

“Trường có hơn 300 HS mà chỉ có 5 máy tính cũ ở phòng tin học. Tôi mong có nơi nào họ thanh lý máy tính cũ thế nào cũng được, xin về cho các em học để đỡ thiệt thòi. Thời đại công nghệ thông tin mà giờ các em chẳng biết hình dạng chiếc máy tính thế nào, bàn phím và con chuột ra sao thì tội cho các em lắm” - ông Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) ngậm ngùi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN