Tréo ngoe học sinh lớp 1 phải giải toán khi chưa biết chữ
Đó là nghịch lý trong phân phối chương trình lớp 1, tạo áp lực lớn với giáo viên và quá sức với học sinh.
Chị T. Dương - phụ huynh lớp 1 một trường tiểu học tại quận 7, TPHCM - cho biết trong quá trình kèm con học ở nhà, chị tá hỏa bởi những bài toán rất hóc búa. Và để làm được yêu cầu của bài toán, đòi hỏi học sinh (HS) phải đọc được đề bài, trong khi đó, mới vào học được hơn 1 tháng, HS lớp 1 mới chỉ làm quen với chữ cái và một số âm, vần.
Tréo ngoe
Chị Đ. Tuyết, phụ huynh tại quận 3, TP HCM, lấy ví dụ một bài toán lớp 1 đưa ra 2 bức tranh, trong đó có những hình tam giác và hình vuông với số lượng các hình không giống nhau, yêu cầu của bài toán là làm sao để 2 bức tranh bằng nhau. “Như người lớn sẽ hiểu là một bức tranh còn thiếu bao nhiêu hình tam giác, bao nhiêu hình vuông để cân xứng với bức tranh kia. Với trẻ nhỏ, cần có kiến thức làm toán phép cộng mới làm được, trong khi các em chỉ mới bắt đầu học 1=1, 2=2. Trẻ mới vào học lớp 1 được hơn 1 tháng, chữ cái tiếng Việt còn chưa đọc thông thạo thì làm sao hiểu yêu cầu của đề bài” - chị Tuyết lo lắng.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đuốc Sống (TP HCM) trong giờ học toán Ảnh: TẤN THẠNH
Giáo viên (GV) một trường tiểu học tại quận 5, TP HCM cho biết sự bất hợp lý trong phân phối chương trình, các môn học ở lớp 1 khiến cả GV và HS cùng đuối. GV này lấy ví dụ, trong học kỳ I, chương trình lớp 1 yêu cầu trẻ học toán trong phạm vi dưới 10, trong đó có bài toán yêu cầu nối các số lớn hơn 2 trong dãy số từ 1 đến 10. Khi nói thì dễ nhưng khi yêu cầu thực hiện thì trẻ làm không được. Vì trong dãy số từ 1 đến 10 được sắp xếp lộn xộn, trẻ còn phải nối 2 nhỏ hơn 3 nhưng lớn hơn 1. Ngoài ra, bài toán trên còn yêu cầu điền số lớn hơn, nhỏ hơn vào các ô đã vẽ sẵn; phân biệt được dấu lớn, bé. Người lớn nhìn còn hoa mắt huống gì là trẻ nhỏ.
Nhưng yếu tố khiến GV cực hơn là ngoài việc phải dạy HS làm toán, còn giải thích từng khái niệm như thế nào là cộng, trừ, thêm, bớt, so sánh, thế nào là cặp số... Những bài toán tích hợp khiến GV chóng mặt, chẳng hạn: tìm các cặp số cộng lại bằng 3, theo đáp án 0 + 3 = 1 + 2 = 3, vậy các cặp số cần tìm là: 0 và 3, 1 và 2. “Tuy là những phép toán ở phạm vi dưới 10, học kỳ II trong phạm vi dưới 100 nhưng đánh đố như thế khiến trẻ bị áp lực” - GV này dẫn chứng.
Phân phối hợp lý lại môn học
Cô Bùi Thị Thu Dung, GV lớp Một 1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM), cho hay HS lớp 1 chỉ học tính toán trong phạm vi 10 ngón tay. “Cái khó ở môn toán là cô phải giải thích khái niệm trước khi hướng dẫn cách làm vì lúc này trẻ còn chưa đọc thông thạo âm, vần. Nhìn vào yêu cầu của từng bài toán, trẻ sẽ không thể hiểu nổi nên GV phải giải thích. Nếu môn toán được phân phối, bố trí thích hợp sau khi trẻ đã đọc thuộc mặt chữ thì dễ dàng hơn” - cô Dung cho biết.
Ở một góc độ khác, ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, phân tích sách giáo khoa lớp 1 trước đây dạy học vần và âm ít hơn hiện nay, chỉ có 8 tuần học kỳ II mới cho trẻ tập đọc. Chương trình sách giáo khoa hiện tại là chương trình của năm 2000 đã tăng số lượng thời gian học âm, vần nhiều hơn chương trình cũ, đó cũng là lý do khiến cả GV và phụ huynh cảm thấy nặng nề.
“Phương pháp dạy học của người thầy là yếu tố quyết định. Nếu không có phương pháp thì bất kỳ bộ sách nào, chương trình nào GV cũng kêu khó. Nếu gặp tình huống một bài toán HS đã được học thêm trước rồi, GV nên hướng dẫn HS đó một chút của bài kế tiếp hoặc mở rộng ra rồi giảng dạy bình thường với những trẻ khác. Nếu cứ máy móc thì không thể giảm tải được cho chương trình lớp 1” - ông Điệp nói.
Ông Điệp cũng cho rằng học kỳ I lớp 1 nên dành hẳn để học sinh lo học vần, đọc thông thạo chữ viết và làm quen các kỹ năng. Qua học kỳ II, khi đã thông thạo tiếng Việt, mới nên học toán và các môn khác.
Giáo viên tự làm khó Ông Điệp cho rằng Công văn 896 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép GV được tự chủ tiết dạy của mình, không dừng ở 35 phút mà 45 phút cũng được. Vì thế, nếu nói quá tải là do GV tự làm khó mình vì rõ ràng trước mỗi bài học đều có hướng dẫn mục tiêu của bài học, tức là chỉ cần yêu cầu HS nắm được yêu cầu của bài học. Nhưng GV lại có tư tưởng ôm đồm, muốn dạy hết. Nhiều GV còn giao nhiều bài tập về nhà, gây áp lực cho phụ huynh, HS. Vì vậy, trẻ lớp 1 phải học quá nhiều, đó là điều rất thiệt thòi cho trẻ. |